Cô giáo dùng bài kiểm tra văn hàn gắn quan hệ của học sinh với mẹ kế

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Dùng môn văn để giúp học sinh hàn gắn và phát triển các mối quan hệ gia đình được cô giáo ngữ văn Nguyễn Thị Huyền (Quảng Ninh) xem như một mục tiêu quan trọng của việc dạy văn, học văn.

Mẹ kế rơi nước mắt khi đọc bài văn con chồng viết về mình

Với cô Nguyễn Thị Huyền - giáo viên ngữ văn tại Quảng Ninh - môn ngữ văn không chỉ là môn học đọc, học viết, học cảm thụ văn chương.

"Đó phải là môn học nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn con người", cô Huyền khẳng định.

Tâm niệm như vậy nên trong 30 năm công tác, cô Huyền luôn dạy học trò viết văn theo cách thức khác biệt. Cũng nhờ đó, bao bài văn khác biệt của học trò ra đời. Một trong số đó là bài văn viết về mẹ kế của một học sinh lớp 6.

Em học sinh này có hoàn cảnh đặc biệt. Em là kết quả của cuộc tình chóng vánh giữa bố và mẹ. Vì thế, từ nhỏ em không biết bố là ai. Năm 10 tuổi, gia đình nhà nội tìm đến em và xin đón em về nuôi dưỡng. Lúc này, bố của em đã kết hôn và có hai con trai. 

Về ở với ông bà nội và gia đình bố, cô bé không khỏi bỡ ngỡ, lạc lõng bên những người thân mà lại là người lạ. Cộng với việc xa mẹ, xa bạn bè, môi trường cũ, em trở nên trầm lặng, ít nói, lúc nào cũng buồn rầu, không hòa nhập.

Cô giáo dùng bài kiểm tra văn hàn gắn quan hệ của học sinh với mẹ kế - 1

Một tiết học địa lý tại Trường THCS Thăng Long, Hà Nội (Ảnh: THCS Thăng Long).

Cô Huyền nhận ra sự khác biệt của học sinh ngay tuần đầu tiên sau khai giảng. Cô luôn chờ đợi một dịp thuận tiện để giúp học sinh kết nối được với gia đình mới.

Dịp đó rồi cũng đến. Khi ấy, cả lớp học tới nội dung viết bài tập làm văn số 1, thể loại kể chuyện. Đề bài là kể về một người thân trong gia đình em. Cô Huyền chia lớp thành từng nhóm, khơi gợi những kỷ niệm đẹp của mỗi học sinh về người thân để các em tự quyết định sẽ kể về ai. 

Tới cô bé học sinh đặc biệt, cô Huyền tỉ tê rất lâu. Cô nhắc về lần gần nhất học trò nghỉ ốm, hỏi thăm xem ai đã chăm sóc em và bất ngờ biết rằng người đó lại là mẹ kế. 

"Tôi nói, con có một gia đình thật đặc biệt. Mỗi bạn thường chỉ có hai người lớn chăm sóc mình là bố và mẹ. Nhưng con có nhiều hơn một người mẹ, còn có cả bố, cả ông nội, bà nội và hai em. Có nhiều người thân là may mắn của cuộc đời. 

Tôi chỉ khơi gợi như vậy nhưng không đoán được con sẽ viết về ai. Tôi nghĩ con xa mẹ đẻ chắc sẽ nhớ nhung mà viết về mẹ. Hoặc con sẽ viết về bà nội, người đã đón con về gia đình mới, ngủ bên con hàng đêm, quan tâm đặc biệt tới việc học hành của con. Nhưng tôi đã đoán sai. Con viết về mẹ kế", cô Huyền tâm sự.

Nhận bài văn của học trò, cô Huyền đọc tới đâu khóc tới đó. Hóa ra điều khiến cô bé lo lắng, trăn trở nhất là mối quan hệ với mẹ kế. Cô bé sợ mẹ kế không yêu thương mình như những câu chuyện cổ tích vẫn được nghe. 

Song, mẹ kế là người đã đưa cô bé đi may đồng phục mới, dẫn cô bé vào tiệm sách để sắm đồ dùng học tập. Mẹ kế cũng là người dạy cô bé biết cách sử dụng chiếc băng vệ sinh vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên cùng những kiến thức đầu tiên về giới tính.

Khi cô bé ốm, mẹ kế là người nấu cháo, mua thuốc, thức đêm cùng bà nội thay phiên chườm ấm cho con. Cô bé cảm nhận được tình thân trong gia đình mới, nhưng lại không thể nói ra như cách vẫn nói yêu mẹ đẻ của mình. 

Trong bài văn đó, cô bé kể lại tất cả những gì ấn tượng về mẹ kế, từ bữa cơm đầu tiên được mẹ gỡ xương một khúc cá rồi gắp vào bát của mình, đến cảm giác ấm áp khi mẹ áp tay lên trán xem sốt cao không.

Cô bé đã viết: "Con nghe người ta nói vì mẹ là vợ của bố nên phải có nghĩa vụ chăm con. Vì thế, con không biết mẹ có yêu con hay không. Còn con rất yêu quý mẹ. Mỗi khi hai em Minh, Khang ôm mẹ, con cũng muốn được đến ôm mẹ như hai em".

Cô Huyền chụp bài văn gửi cho bà nội của học trò, nhờ bà chuyển tới mẹ kế của con. Bà nội kể rằng, mẹ kế đã nghẹn ngào với những gì con viết. 

Bài văn được cô Huyền chấm 10 điểm kèm lời phê: "Cảm ơn con vì đã cho cô thêm tin yêu cuộc đời này". 

Cô giáo dùng bài kiểm tra văn hàn gắn quan hệ của học sinh với mẹ kế - 2

Học sinh thực hành viết văn kể chuyện để bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân (Ảnh: Hoàng Hồng).

Cô và trò từ đó càng thêm thân thiết nhau. Cô bé còn kết nối cô giáo chủ nhiệm với mẹ đẻ. Việc học hành của con được bà nội chuyển giao sang mẹ kế. Cô Huyền trò chuyện đều đặn với mẹ đẻ và mẹ kế của con trong suốt 4 năm học. Hai người phụ nữ cũng nhờ những lời nói có cánh của cô mà gỡ bỏ định kiến về nhau.

Còn học trò của cô thì ngày càng năng động, hoạt bát, đạt nhiều thành tích trong học tập. 

Người thầy cần là một người dẫn đường

Cô Huyền chia sẻ, trong quan niệm của cô, bổn phận của một người thầy không chỉ khoanh vùng trên bục giảng. "Giáo viên không phải thợ dạy lành nghề mà cần là một người dẫn đường của học trò trên hành trình tri thức và trưởng thành", cô Huyền nhấn mạnh.

Kể từ khi có thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, cô Huyền càng có đường hướng rõ ràng để triển khai quan điểm giáo dục của mình.

Không phải năm nào cũng làm công tác chủ nhiệm lớp, song cô Huyền luôn giữ thói quen xây dựng bộ hồ sơ tâm lý học sinh của riêng mình thông qua việc phát phiếu khảo sát về sở thích, sở trường, thói quen, nhược điểm, khó khăn của từng em.

Bên cạnh đó, cô khéo léo tìm hiểu gia đình của những em có biểu hiện khác lạ so với bạn bè. Cô cho biết, để học trò học tập tốt thì cần ổn định tâm lý cho các em trước tiên.

Cô giáo dùng bài kiểm tra văn hàn gắn quan hệ của học sinh với mẹ kế - 3

Một hội thảo về tâm lý học đường tại TP.HCM (Ảnh: Hoài Nam).

"Đời sống tinh thần của các em tốt đẹp thì việc học sớm muộn cũng tốt đẹp, và ngược lại. Học trò đến trường, tôi không quá quan tâm đến việc em ấy làm bài tập có đúng không, có đạt điểm cao không mà ở nhà em có được dành cho đầy đủ yêu thương, chăm sóc hay không.

Tôi luôn nỗ lực kết nối các em với cha mẹ, người thân bằng chính những bài văn. 

Ở độ tuổi cấp 2, các em bắt đầu dậy thì, rất dễ bất mãn với cha mẹ. Các em cần được hướng dẫn cách giải mã lời nói, hành động của cha mẹ. Tôi thường đùa rằng, khi các con dậy thì, các con và bố mẹ bắt đầu nói ngoại ngữ với nhau, rất khó hiểu nhau nếu không được phiên dịch cho đúng.

Tôi tình nguyện làm người phiên dịch kiêm sứ giả cho các em và cha mẹ các em ", cô Huyền bày tỏ.

Cô Huyền nêu quan điểm, khi biên chế cho chuyên gia tâm lý học đường chưa có, giáo viên dạy ngữ văn, đạo đức, lối sống có thể làm tốt công tác này nếu học hỏi, tìm hỏi thêm kiến thức. 

Tuy nhiên, cô Huyền cho rằng mỗi giáo viên dù dạy môn gì cũng cần quan tâm đến tâm lý học trẻ em cũng như cần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tâm lý, tư vấn tâm lý cho học sinh. Đây là mảng kiến thức quan trọng có ý nghĩa bổ trợ rất lớn cho việc giảng dạy của giáo viên nói riêng và công tác giáo dục trong nhà trường nói chung.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.