Con nhỏ nghỉ tránh dịch Covid-19, bố mẹ Sài Gòn bật khóc: "Tôi đuối rồi!"
(Dân trí) - Đợt dịch trước, vợ anh Tùng phải nghỉ việc do không có người trông con. Chị vừa đi làm lại được hai tháng thì giờ "cảnh cũ lặp lại", gia đình chưa biết phải xoay xở thế nào.
Trước thông tin, TP.HCM cho học sinh tạm ngưng đến trường từ ngày 9/5, anh Trần Đức Tùng, làm việc tại một siêu thị điện máy ở Gò Vấp, TP.HCM như muốn bật khóc.
Với nhiều gia đình, có thể việc xoay xở khi con nghỉ học không quá khó khăn nhưng với gia đình anh, rơi vào đường cùng. Hai vợ chồng đều ở tỉnh xa đến TP.HCM lập nghiệp, không thể nhờ người thân trông giữ con.
Đợt nghỉ dịch năm ngoái, xoay xở nhiều cách không thành, cuối cùng vợ anh đành nghỉ việc tại công ty gắn bó 3 năm nay để ở nhà trông hai con nhỏ, một bé lớp 1, một bé 3 tuổi. Mọi chi tiêu như tiền nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt... gần năm qua của cả gia đình 4 người chờ hết vào thu nhập của anh Tùng.
"Tìm việc trong thời dịch bệnh rất khó, nhất là khi vợ tôi đã lớn tuổi. Tháng 3 vừa rồi, cô ấy mới kiếm được việc tại một công ty giày da, chẳng lẽ bây giờ nghỉ tiếp? Gia đình tôi thật sự lao đao", anh Tùng nghẹn ngào.
Biết rằng dịch giã là chuyện chẳng đừng, khó cũng phải chấp nhận. Tính mạng là quan trọng nhất nhưng như vậy không có nghĩa là gia đình anh không căng thẳng vì những khó khăn phải đối mặt.
Dẫu biết dịch bệnh thì phải chấp nhận vì sự an toàn nhưng khi nắm biết thông tin con ngưng đến trường, chị Hoàng Thị Minh, ở Tân Bình, ở TPHCM, có hai con nhỏ thốt lên: "Bế tắc thật sự! Không biết gửi con ở đâu".
Đợt dịch năm ngoái, chị Minh nhờ bà ngoại vào trông cháu nhưng chỉ được một thời gian, bố chị ở quê bệnh nên bà phải về. Hai vợ chồng chị phải thay nhau nghỉ việc ở nhà trông hoặc đưa con lên cơ quan. Ra Tết vừa rồi anh chị cũng phải áp dụng cách này nhưng giờ không thể tiếp tục vì vô cùng ảnh hưởng đến công việc.
Chị Minh cho biết, chị đang liên hệ với giáo viên của con xem có nhận giữ trẻ không, cho dù nhà cô cách chỗ chị gần 10 cây số. Nếu không, chị sẽ phải đi tìm nơi nào nhận giữ trẻ để gửi. Cho dù không yên tâm một chút nào nhưng không còn cách nào khác.
"Tôi biết, phải đặt sự an toàn của con lên hàng đầu. Nhưng không thể bỏ việc để ở nhà trông con nên nhiều khi biết nhiều nguy cơ vẫn phải chấp nhận liều", người mẹ bộc bạch.
Là mẹ đơn thân, ông bà ở xa, chị Thúy Hằng, có con học mầm non ở Bình Thạnh, TPHCM thốt lên: "Tôi đuối rồi!".
Trước đây chị đã chắp vá đủ mọi cách có thể như nhờ hàng xóm, đưa con lên cơ quan, xin làm việc tại nhà... Những phương án cũ không thể dùng lại vì ảnh hưởng đến người khác, đến công việc.
Chị Hằng đang lên mạng, tìm xem có nơi nào gần nhà nhận giữ trẻ để gửi con dù tâm trạng vô cùng bất an. Con gái chị rất nhạy cảm, thích hoạt động, tương tác. Nếu không có một môi trường tốt, bức bí rất dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, có thể để lại hậu quả lâu dài.
Chị Hằng cho rằng, môi trường an toàn nhất cho trẻ nhỏ là gia đình và nhà trường. Khi cả hai môi trường này đều không đảm bảo được trong tình hình dịch bệnh, trẻ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn về thể chất, tinh thần.
"Ai cũng nghĩ trẻ chỉ cần có người trông là xong nhưng ít ai chú ý những khủng hoảng tâm lý của các con khi không được chăm sóc tốt. Cháu chuẩn bị vào lớp 1, những tưởng thời gian này sẽ được làm quen để chuẩn bị vào lớp 1 thì phải nghĩ. Thương các con vô cùng", người mẹ tâm tư.
Cũng là người mẹ có con nhỏ, chị Thanh Trang, nhà ở Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức cho biết, nghỉ học là ám ảnh của đối với những gia đình học mầm non.
Chị nêu quan điểm, thành phố cho học sinh kết thúc năm học, ngưng đến trường từ ngày 10/5 là hợp lý.
Nhưng theo chị, học sinh từ lớp 1 - 12 đều có thời gian gần 3 tháng hè, còn mầm non chỉ có khoảng nửa tháng 6 và nửa tháng 8. Còn lại, phụ huynh có nhu cầu gửi con, còn trường tổ chức dạy hè, tức nhà trường thay phụ huynh trông con. Điều này theo chị, cần xem xét, tính toán đối với bậc học này so với kế hoạch chung.
Các chuyên gia giáo dục, phụ huynh cũng lưu ý, thời gian trẻ nhỏ nghỉ học rất dễ xảy ra nhiều tai nạn thương tâm với trẻ.
Tối 6/5, UBND TP.HCM ra quyết định tạm ngưng các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục từ ngày 10/5/2021 cho đến khi có thông báo mới. Cụ thể, học sinh mầm non dừng đến trường từ 10/5; các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo hình thức dạy và học trên mạng internet, đảm bảo đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng để hoàn tất chương trình năm học theo quy định.
Riêng đối với học sinh lớp 9, lớp 12, để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi cuối cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, tùy theo điều kiện cụ thể, hiệu trưởng các trường có thể cân nhắc, xây dựng phương án, duy trì tổ chức học tập trực tiếp với điều kiện đảm bảo an toàn.