Cô giáo vùng sâu "ba trong một", chi tiền túi thưởng nóng trò nghèo
(Dân trí) - "Nhiều hôm có em ốm, nửa đêm cũng gọi cô. Tôi vừa là giáo viên, nhiều khi cũng là bạn và thay mặt người thân động viên các em sớm tối".
Trên đây là chia sẻ của cô Hoàng Thị Bảy, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk, Đắk Lắk về các học trò thân yêu của mình.
Cô Bảy là một trong 58 giáo viên của cả nước được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023. Chương trình nhằm vinh danh các thầy, cô giáo có thành tích cao, có nghị lực vượt khó để mang tri thức đến với các thế hệ tương lai đất nước.
Tấm gương của cô giáo Hoàng Thị Bảy là điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Trong dịp 20/11 sắp tới, cô Bảy sẽ cùng các thầy cô khác có mặt tại Hà Nội để tham gia chuỗi hoạt động tuyên dương nhiều ý nghĩa.
Cô giáo vùng sâu "3 trong một"
Năm nay đã là năm thứ 16 cô Bảy gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk, Đắk Lắk.
Đây là ngôi trường chuyên biệt với nhiệm vụ giáo dục nuôi, dạy học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.
"Không chỉ là cô giáo, nhiều khi tôi phải vào rất nhiều vai, làm bạn, người thân. Đặc điểm của học sinh trường phổ thông nội trú toàn các em ở xa gia đình bố mẹ, có em cách nhà 60km, nhiều em ốm đau nửa đêm cũng gọi cô. Tôi mua thuốc, nấu cháo, chăm học sinh như con.
Đối diện với những học trò tuổi mới lớn, nhiều khi tôi trở thành bạn, là chuyên gia tâm lý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các em, xem các em đang nghĩ gì, đang vui, đang mơ ước những gì", cô Bảy chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Được biết ngôi trường nơi cô Bảy công tác, khoảng 99% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Mỗi em có hoàn cảnh riêng, phong tục đặc trưng, tiếng nói cũng khác nhau, để thấu hiểu các em rất khó khăn nhưng cô Bảy đã nỗ lực đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Từ năm học 2008-2009 đến nay, cô Bảy liên tiếp đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, nhiều năm liền được tặng giấy khen vì hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong năm học và trong công tác đội.
Cô Bảy có nhiều năm liền tham gia viết sáng kiến, giải pháp khoa học và đạt giải C cấp huyện, cấp tỉnh. Cô Bảy cũng được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện nhiều năm liền vì liên tục đạt nhiều giải thưởng.
Đặc biệt, cô còn được Hội đồng Đội huyện Lắk và Ban chấp hành huyện Đoàn Lắk tặng nhiều giấy khen trong các hoạt động phong trào hàng năm…
"Với tôi, thời gian công tác 16 năm trong ngành giáo dục, tuy chưa gọi là dài nhưng cũng không ngắn.
Ở đây tôi bắt gặp học trò với những ánh mắt sáng lấp lánh, những nụ cười tươi vui, hồn nhiên, nhí nhảnh và những vòng tay lễ phép cúi xuống: "Em chào cô ạ!".
Mỗi lần như vậy, tôi lại có cảm giác tự hào, hạnh phúc, lại thấy yêu thêm nghề dạy học mà tôi đã chọn", cô Bảy chia sẻ.
Chi tiêu tằn tiện để học sinh có thưởng
Cô Hoàng Thị Bảy quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Thời chiến, bố cô Bảy tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, còn mẹ là thanh niên xung phong ở quê nhà.
Hòa bình lập lại, bố cô nhận công tác tại huyện Lắk. Mẹ cô Bảy vẫn ở quê chăm lo cho 8 người con. Năm 1986, mẹ cô đưa các con vào huyện Lắk đoàn tụ với gia đình.
Hoàng Thị Bảy thi đậu vào Trường Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành Sư phạm ngữ văn.
Thời gian đầu về làm giáo viên ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk thực sự là thách thức lớn với một giáo viên, bởi đây là ngôi trường chuyên biệt, giáo dục nuôi, dạy học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.
Theo cô Bảy, dẫu biết rằng dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho ta sự mệt mỏi, chán nản bởi đôi khi có những học sinh chưa ngoan, không học thuộc bài, vi phạm nội quy khiến cho ta lòng thêm nặng trĩu, đầy băn khoăn, suy nghĩ, đôi khi đến tức giận, bực mình. Những lúc như vậy, cô tự dằn lòng mình hãy yêu thương học trò thay vì bằng trách nhiệm.
"Lớp 9 mà tôi đang làm công tác chủ nhiệm hiện nay có 37 học sinh thuộc 9 dân tộc, 9 ngôn ngữ, kéo theo đó văn hóa của mỗi em cũng hoàn toàn khác nhau.
Thời gian đầu tôi nản lắm, chỉ muốn bỏ cuộc, chấm xong được bài văn, tôi rối hết đầu. Tôi tự nhủ, không thể dễ dàng đầu hàng như thế này. Thế rồi tôi bắt đầu đăng ký học thêm các lớp tiếng Ê đê, M' nông.
Mỗi lần tôi nói được vài câu tiếng dân tộc, các em reo lên thích thú. Từ đó, cô trò ngày càng gần gũi và dễ dàng mở lòng đón nhận tình cảm của nhau hơn", cô Bảy nhớ lại.
Để thúc đẩy việc học văn, cô áp dụng "chiến thuật" khen, chê đúng lúc. "Mỗi lần các em đạt thành tích, tôi móc tiền túi mua trà sữa hoặc đồ ăn nho nhỏ động viên, khích lệ tinh thần các em.
Bạn nào đoạt giải cao, tôi chi tiêu tằn tiện, dành chút ít tiền thưởng nóng cho các em phấn khởi.
Năm học 2021-2022, toàn trường "ẵm" 12 giải học sinh giỏi văn cấp huyện. Cũng trong năm đó, nhà trường có một học sinh đoạt giải 3 và một em đoạt giải khuyến khích môn văn kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh", cô Bảy phấn khởi.
Lãnh đạo nhà trường đánh giá, cô Bảy tận tâm với học sinh, nhiều năm liền được nhận các phần thưởng cao quý vì đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy.
Về bản thân mình, cô Bảy cho rằng, điều quan trọng nhất của người giáo viên không phải địa vị hay tiền tài mà chúng ta như thế nào trong lòng học trò.