Kiên Giang:

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Từ vùng đất phèn, vợ chồng giáo viên ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã áp dụng công nghệ trồng dưa lưới trong nhà kính, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nghề tay trái

Bên vườn dưa lưới rộng 2.000m2, thầy giáo Nguyễn Đông Thái (42 tuổi, ngụ xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho biết, anh có cơ duyên với nghề tay trái này từ 4 năm trước.

Theo thầy giáo Thái, khi còn tham gia công tác giảng dạy ở trường, ngoài giờ đứng trên lớp, thầy Thái đi sửa máy tính, tăng thêm thu nhập. Từ khi về công tác tại phòng giáo dục, không còn thời gian làm thêm nên thầy Thái nghĩ đến mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 1

Vườn dưa lưới sắp đến kỳ thu hoạch của vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đông Thái (Ảnh: Nguyễn Hành).

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 2

Thầy giáo Nguyễn Đông Thái cho biết, khi khởi đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn, kinh nghiệm trồng hoa màu... Nhưng nhờ học hỏi từ những nông dân địa phương đến các lớp tập huấn canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ nên dần thành thục với kỹ thuật trồng dưa lưới (Ảnh: Nguyễn Hành).

Nghĩ là làm, đến tháng 6/2020, sau khi học hỏi và sở hữu công nghệ trồng dưa lưới trong nhà kính của một công ty ở TPHCM, thầy Thái mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Hội nông dân và cộng với số tiền tích góp của gia đình hơn 400 triệu đồng để đầu tư khu nhà kính rộng 1.000m2 đất sau nhà để trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản.

Nhờ sở trường là giáo viên Toán - Tin nên vườn dưa lưới của thầy Thái được lắp đặt hệ thống cảm biến tự động tưới nước theo độ ẩm của đất và không khí... Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cung cấp chính xác lượng nước và dinh dưỡng đến mỗi cây theo từng thời kỳ sinh trưởng. Tất cả hệ thống này được thầy Thái lập trình riêng và điều khiển bằng máy tính hoặc trên điện thoại.

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 3

Nhờ là giáo viên Toán - Tin nên thầy giáo Thái tự viết phần mềm lập trình hệ thống tưới, bón phân... cho vườn dưa (Ảnh: Nguyễn Hành).

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 4

Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động hoạt động theo độ ẩm của vườn dưa (Ảnh: Nguyễn Hành).

Thầy giáo Thái chia sẻ: "Vĩnh Thuận là vùng đất phèn, mặn do đó điều kiện về  thổ nhưỡng, thời tiết khác nhiều so với một số địa phương lân cận. Cho nên, từ công nghệ chuyển giao trồng dưa lưới của công ty bàn giao, tôi phải dựa vào các kiến thức hóa, sinh và kinh nghiệm làm nông nghiệp để tinh chỉnh lại kỹ thuật cho phù hợp với thổ nhưỡng".

Theo thầy Thái, hầu hết các vườn dưa trồng trong nhà kính theo công nghệ Nhật đều từ mùn dừa, nhưng riêng ruộng dưa của thầy Thái được trồng từ tro trấu tại địa phương. Để tro trấu trở thành "đất" cho cây dưa sống và phát triển cần cân chỉnh độ mặn, PH… trong tro trấu sao cho phù hợp. 

Ngoài ra, nguồn dinh dưỡng cho cây dưa, thầy giáo Thái cũng có bí quyết riêng để trái dưa có màu vàng hồng, ngọt và đặc biệt có mùi thơm nhẹ. Nhờ đó, trái dưa lưới anh Thái có đặc điểm riêng, từng bước xây dựng thương hiệu trái dưa lưới Vĩnh Thuận.

"Ăn, ngủ" cùng vườn dưa lưới

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của vợ chồng thầy Thái bước đầu đã thành công. Qua một năm tinh chỉnh kỹ thuật canh tác cho phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất Vĩnh Thuận, cây dưa của thầy Thái phát triển tốt và khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn an toàn do sản phẩm sử dụng từ các sản phẩm sinh học.

Theo thầy Thái, nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào quá trình canh tác nên một vụ dưa anh thu từ 3,8 tấn dưa đến 4,6 tấn/1.000m2. Như vậy, trong một năm canh tác với 4 vụ đưa gia đình thầy giáo Thái thu hoạch trên 15 tấn dưa, cho tổng thu nhập khoảng 450 triệu đồng, trừ chi phí gần 200.000.000 đồng, gia đình thầy Thái còn lợi trên 250 triệu đồng/năm.

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 5

Hiện vợ chồng thầy giáo Thái đã đầu tư 2.000m2 nhà kính, với năng suất khoảng 4 tấn/1.000m2/vụ dưa. Việc làm này đã giúp vợ chồng thầy Thái có thu nhập gần cả tỷ đồng/năm (Ảnh: Nguyễn Hành).

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 6

Trái dưa của thầy giáo Thái trồng nhờ có bí quyết dinh dưỡng riêng nên giúp trái dưa ngọt thanh, thịt dưa không quá cứng và đặc biệt có mùi thơm nhẹ (Ảnh: Nguyễn Hành).

Theo thầy Thái, để chăm sóc vườn dưa lưới, vợ chồng thầy Thái lên kế hoạch các công việc quan trọng vào ngày làm việc chính, còn ngày Thứ 7 và Chủ nhật, vợ chồng trực tiếp chăm sóc vườn dưa. Còn khi vào vụ xử lý đất, cho cây dưa vào chậu hoặc thu hoạch dưa..., anh Thái thuê  thêm 3 - 4 công nhân xử lý công việc.

Cô Nguyễn Thị Hồng - vợ thầy Thái, chia sẻ: " Vì vợ chồng đều là giáo viên nên tranh thủ dậy sớm từ 4h đến 6h sáng để chăm sóc dưa. Còn buổi chiều, vợ chồng tôi dành thời gian từ 17h đến 20h mỗi ngày".

Sản phẩm làm ra giai đoạn đầu được công ty ở TPHCM bao tiêu sản phẩm hết. Tuy nhiên, để chủ động đầu ra, nhất là khi xảy ra tình hình dịch bệnh như năm 2021, vợ chồng thầy Thái tự tìm đến đối tác là một số địa phương lân cận, chào hàng, ký kết cung cấp sản phẩm.

Vợ chồng giáo viên vùng sâu, thu nhập hàng trăm triệu nhờ nghề tay trái - 7

Thầy giáo Nguyễn Đông Thái đang phối hợp với ngành chức năng tiến tới xây dựng thương hiệu trái dưa lưới Vĩnh Thuận (Ảnh: Nguyễn Hành).

Ông Lưu Minh Trung - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Nam cho biết, anh Thái đã áp dụng công nghệ, trồng thành công dưa lưới trong nhà kính ở vùng đất phèn mặn. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, ngành chức năng cần tạo điều kiện nhân rộng mô hình này, vì mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Trung còn cho biết thêm, trái dưa lưới của anh Thái có màu đẹp, ngọt thanh, có mùi thơm đặc trưng. Do đó, UBND xã Vĩnh Bình Nam đang phối hợp ngành chức năng hướng dẫn anh Thái đăng ký trái dưa lưới trở thành sản phẩm OCOP của địa phương trong năm 2022. 

Dù vợ chồng thầy giáo Thái không phải là nông dân chính hiệu nhưng nhờ kiên trì học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp đã giúp vợ chồng anh thắng lợi trong năm đầu tiên. Với thành công này,  đầu năm 2022, thầy giáo Nguyễn Đông Thái vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm, giai đoạn 2017 - 2021.