Cô giáo 19 năm gắn bó với giáo dục vùng biên
(Dân trí) - 19 năm gắn bó với giáo dục vùng biên, không ngại trèo đèo, lội suối đến với lớp ghép, món quà ý nghĩa mà cô giáo Lương Thị Hoa nhận được là sự yêu mến của học sinh, phụ huynh vùng cao xứ Lạng.
Mỗi ngày đi bộ 3 tiếng đến điểm trường
PV Dân trí tới thăm Trường Tiểu học Yên Khoái (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) khi ngôi trường vùng biên vừa phải hứng chịu hậu quả của cơn bão số 3 hồi tháng 9 làm tốc mái một số phòng học chức năng, trần nhựa sập hết. Tiếp chúng tôi, cô hiệu trưởng Lương Thị Hoa cho biết nhà trường phải huy động phụ huynh học sinh, lực lượng vũ trang sửa sang lớp học để các em yên tâm học tập. Vừa nói cô Hoa vẫn luôn chân luôn tay với những công việc thường ngày, kiểm tra tường rào bao quanh trường.
“Vì trường ngay sát cửa khẩu Chi Ma, lượng xe tải lưu thông thường xuyên nên chúng tôi phải huy động phụ huynh rào dậu xung quanh”, cô Hoa kể. Theo quan sát của PV, ở ngôi trường vùng biên này, mô hình tín hiệu đèn giao thông và các làn đường đã được dựng lên để giáo dục an toàn giao thông cho các em học sinh. Đóng góp trong việc duy trì chất lượng chuẩn quốc gia của trường có công rất lớn của cô Lương Thị Hoa.
Cô giáo Lương Thị Hoa là người dân tộc Tày, sinh năm 1970 ở xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn vào năm 1995, cô được phân công về công tác tại Trường Tiểu học xã Xuân Mãn (vùng 1), huyện Lộc Bình.
Sau đó, theo kế hoạch luân chuyển giáo viên, cô được luân chuyển tới điểm trường Khuổi Lầy, thuộc Trường Tiểu học Mẫu Sơn, một ngôi trường vùng 3 với cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Hàng ngày, trời mưa cũng như trời nắng, cô phải gửi xe máy ở gần khu du lịch Mẫu Sơn rồi đi bộ vào trường, mỗi ngày đi bộ mất gần 3 tiếng, tắt qua suối, men theo sườn đồi mới vào tới điểm trường Khuổi Lầy. Những ngày đầu đi rừng, chưa quen đường, chồng cô phải đưa đi. Có hôm về muộn, trời nhá nhem tối, một mình đi bộ qua những cung đường không một bóng người, có lúc cô Hoa vừa đi vừa chạy vì sợ, nhưng lâu dần, đôi chân cô đã quen với những con đường rừng.
Những bó măng, nắm rau rừng của học trò
Vì trường thiếu giáo viên nên cô Hoa phải dạy lớp ghép với 2 trình độ khác nhau. “Tôi phải chọn ra hai em học khá làm nhóm trưởng. Trong lúc cô giáo đang dạy kiến thức mới cho nhóm lớn hơn thì nhóm trưởng điều hành các bạn. Sau khi cô quay lại thì nhóm trưởng báo cáo, lúc đó cô giáo sẽ chữa bài cho các em và dạy kiến thức mới. Tương tự như vậy ở nhóm còn lại”, cô Hoa chia sẻ.
Những ngày trời mưa rét, cô phải ở lại điểm trường. Nhưng ngày đó chưa có nhà công vụ cho giáo viên, cô phải ở nhờ nhà dân. Khó khăn là vậy nhưng niềm động viên lớn nhất với cô là tấm lòng của bà con dân bản. Mỗi khi huy động người dân trong thôn dựng nhà trình tường làm lớp học, chở bàn ghế hay trồng cây xung quanh lớp học, bà con đều nhiệt tình tham gia.
Với lợi thế nói được tiếng Tày, Nùng và những câu cơ bản bằng tiếng Dao nên cô dễ dàng hơn trong việc dạy tiếng Việt song ngữ.
Nhắc đến cô giáo Hoa, bà con Khuổi Lầy không ai không biết. “Nhiều hôm các em lấm lem bùn đất đến lớp nhưng vẫn hái cho cô giáo một bó măng hoặc một nắm rau rừng”, cô giáo Hoa bùi ngùi nhớ lại.
Ngày cô giáo Hoa được điều chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Khuất Xá, các em học sinh và phụ huynh Khuổi Lầy vẫn hỏi nhau: “Làm sao để lấy được cô Hoa về đây dạy”. Cách đây 4 năm, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Khoái.
Hạnh phúc khi có hậu phương vững chắc
Cô nói may mắn lớn nhất của mình là luôn có gia đình làm hậu phương vững chắc, các con ngoan, tự giác học tập. Giai đoạn bắt đầu làm quản lý, trình độ Tin học còn hạn chế, chồng cô đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nhập số liệu.
Lập gia đình năm 1991, đến nay con gái lớn của cô Hoa đang học Đại học Sư phạm khoa Hóa. Con trai cô đang học lớp 12. “Tôi mong muốn sau khi con tốt nghiệp, con gái sẽ về cống hiến cho địa phương, góp sức vào sự phát triển chung của ngành Giáo dục Lạng Sơn”, cô Hoa nói.
Với những cố gắng, nỗ lực, 5 năm liền cô Lương Hoa được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua và rất nhiều giấy khen khác.
Năm 2013, Trường Tiểu học Yên Khoái được UBND tỉnh công nhận lại là chuẩn quốc gia mức độ 1 sau 5 năm. Nhà trường có đội ngũ cán bộ giáo viên giúp đỡ nhau với tinh thần tương thân tương ái, các em học sinh có ý thức phấn đấu học tập tốt.
Trong câu chuyện, cô Hoa liên tục chia sẻ về nỗi trăn trở và những kế hoạch muốn làm cho Trường Tiểu học Yên Khoái. “Trong quá trình kiểm tra cơ sở vật chất điểm trường bản Khoai, chúng tôi thấy các em ở đó chỉ có 4 phòng học. Cứ lớp 5 các em phải đạp xe từ điểm lẻ lên điểm chính cách xa 3km trong khi đường đến trường cũng là đường đi ra cửa khẩu Chi Ma với lưu lượng xe container lớn. Các em học 2 buổi trên ngày nhưng chưa bố trí được mô hình học bán trú, buổi trưa các em lại đạp xe về rất nguy hiểm”.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các cấp ủy, Đảng, chính quyền địa phương đầu tư nâng cao mức độ chuẩn quốc gia của trường Tiểu học Yên Khoái, tận dụng quỹ đất, đầu tư xây dựng phòng học đa năng để các em có điều kiện học tập tốt hơn”, cô Hoa khẳng định.
Phương Nhung