Chương trình GDPT tổng thể: Các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng
(Dân trí) - Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh trước khi thực hiện chính thức.
Đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập
Đánh giá chung về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Hà Huy Giáp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho rằng, chương trình đã chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở. Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu giáo dục, bố trí và sắp xếp các môn học, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của các cấp học.
Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, chương trình định hướng rõ các nhà trường được chủ động lựa chọn không gian tổ chức hoạt động giáo dục ở trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lý thuyết, thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, phục vụ cộng đồng.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, chương trình quy định các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá, môn học tự chọn đáp ứng được đa dạng nhu cầu học tập của học sinh và phát huy hết tiềm năng của mỗi cá nhân.
Để tránh cho dư luận hiểu có quá nhiều môn học ở bậc Tiểu học, ông Hà Huy Giáp cho rằng, môn học "Cuộc sống quanh ta" ở lớp 1, 2, 3 nên đổi tên thành môn "Tìm hiểu tự nhiên và xã hội" để liên thông với môn học "Tìm hiểu tự nhiên" và môn học "Tìm hiểu xã hội" của lớp 4, 5.
Về điều kiện triển khai thực hiện tại địa phương, ông Giáp bày tỏ một số băn khoăn như các môn học Ngoại ngữ, Tin học trước đây là môn học tự chọn nay trở thành các môn học bắt buộc nên khi triển khai, ở một số địa phương số lượng và chất lượng giáo viên chưa đảm bảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dành cho 2 môn học này ở nhiều nhà trường hiện nay còn gặp khó khăn. Mặt khác, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao nên khó sắp xếp thời lượng cho 2 môn học.
“Trong dự thảo, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là nội dung hết sức quan trọng trong việc hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Tôi cho rằng, khi triển khai hoạt động này với tư cách là một môn học bắt buộc thì các nhà trường sẽ phải đối diện với những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức.
Học sinh sẽ cần phải có thêm nhiều kỹ năng khi tham gia hoạt động và giáo viên cũng cần phải được đào tạo tốt hơn. Ngoài ra, sự ủng hộ, phối hợp của phụ huynh và cộng đồng còn hạn chế như hiện nay cũng sẽ ít nhiều tạo ra khó khăn cho một số nhà trường khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo” - ông Giáp cho biết.
Đổi mới giáo dục nghệ thuật trong nhà trường
Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được công bố có thể thấy sự đổi mới rõ rệt của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Vân, NCS Trường ĐHSP Trung ương, điểm mới của chương trình phổ thông tổng thể đối với giáo dục nghệ thuật là thông qua việc trang bị những kiến thức cơ bản, kỹ năng cốt lõi về các lĩnh vực nghệ thuật giúp học sinh phát triển năng lực thẩm mỹ, sáng tạo, phát triển năng khiếu, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh.
Điều này được thể hiện cụ thể qua việc giáo dục nghệ thuật sẽ được triển khai ở cả 3 bậc học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đây là sư thay đổi lớn, giúp giáo dục nghệ thuật ở nhà trường phổ thông có tính hệ thống, được liên tục, xuyên suốt từ thấp đến cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển nhân cách và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, Giáo dục nghệ thuật nằm trong nhóm các môn học bắt buộc có phân hóa với tên môn học là Nghệ thuật. Môn Nghệ thuật ở đây có tính mở bởi nó được thiết kế thành các học phần (modun), ví dụ như học phần Âm nhạc, Mỹ thuật, Múa, Sân khấu… Học sinh sẽ lựa chọn một số modun để học.
Nhấn mạnh giáo dục nghệ thuật sẽ góp phần tích cực trong việc phát huy năng lực thẩm mỹ của học sinh ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, cô Vân cho rằng theo dự thảo, học sinh không chỉ được học riêng 2 loại hình nghệ thuật là Âm nhạc và Mỹ thuật như chương trình hiện nay, mà còn có sự lựa chọn các loại hình nghệ thuật khác (tùy theo điều kiện của nhà trường, địa phương).
Tổng số tiết trong 1/năm học cho môn Nghệ thuật là 70 tiết. Nếu học sinh lựa chọn 2 modun là: Âm nhạc và Mỹ thuật thì thời lượng giáo dục của mỗi modun sẽ là 35 tiết/1 năm.
Về cơ bản thì thời lượng giáo dục này phù hợp với dạy học Âm nhạc/Mỹ thuật cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, đảm bảo số tiết giống chương trình sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật hiện hành, thậm chí còn nhiều hơn 35 tiết bởi hiện nay các môn học Âm nhạc và Mỹ thuật chỉ được dạy đến hết học kỳ I năm lớp 9.
Trong chương trình trung học phổ thông, lần đầu tiên giáo dục nghệ thuật xuất hiện ở cấp học này với tư cách là môn học bắt buộc có phân hóa ở chương trình lớp 10, Chương trình giáo dục nghệ thuật ở cấp học này sẽ tiếp nối giai đoạn giáo dục cơ bản ở tiểu học và trung học cơ sở, nâng cao hơn và có tác dụng giúp học sinh phát triển hơn về năng khiếu thẩm mỹ, phát hiện tài năng nghệ thuật và có tính định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục ở phổ thông.
“Giáo dục nghệ thuật trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể cũng đưa ra vấn đề gợi mở cho học sinh tự hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ dưới góc độ tiếp cận kiến thức cơ bản và nâng cao, tiếp cận giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và nhân loại, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới” - cô Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá.
Việt An