Dự thảo chương trình GD tổng thể: Trả lại các kỳ nghỉ cho học sinh

(Dân trí) - “Dự thảo chương trình GD phổ thông tổng thể mới được công bố nhận được sự quan tâm lớn của truyển thông và công chúng. Theo nhận xét sơ bộ của tôi, có 6 điểm lớn cần xem xét”, ông Khúc Trung Kiên - nguyên Giám đốc Chiến lược Công ty Phần mềm FPT, nguyên giảng viên HV Kĩ thuật Quân sự, chia sẻ.

Học sinh vẫn học hơn chục môn mỗi kỳ

Sau khi đọc và tìm hiểu kĩ bản Dự thảo, tôi nhận thấy nhiều môn học mới được đưa vào nhưng có vẻ khiên cưỡng, không có sự gắn kết hài hoà. Những điều cần chú trọng hơn là bỏ bớt những nội dung không cần thiết, hầu như không thể hiện. Từ lớp 1 đến lớp 12, tính ra năm nào học sinh cũng phải học hơn chục môn (có thể đến 13-14 môn), có vẻ học kỳ nào cũng vậy. Ý tưởng thiết kế nói chung dựa trên nguyên tắc cũ.

Đơn cử môn Toán, đây là môn bắt buộc suốt 12 năm, điều này không hợp lý. Theo tôi, với chương trình hiện tại của môn Toán, đến hết chương trình lớp 9 là đáp ứng yêu cầu của khoảng 70% số học sinh khi ra trường. Chỉ 30% cần thêm như môn tự chọn trong chương trình phổ thông trung học.

Thí dụ, một người lớn đã đi làm, giả sử mỗi tuần nhận 10-15 công việc khác nhau, có những người quản lý khác nhau, thử hỏi người đó có thể làm tốt được không? Hãy hình dung, không phải trong một tuần mà cả năm, thậm chí suốt 12 năm, con em chúng ta phải làm như vậy thì không thể được.

Do đó theo tôi, nếu thay đổi, việc đầu tiên phải có nguyên tắc rõ ràng sao cho mỗi học kỳ học sinh học không quá 5 môn học bắt buộc, trong đó có 1-3 môn tự chọn (hay như thuật ngữ trong dự thảo là tự chọn bắt buộc). Các môn gọi là “tự chọn không bắt buộc" bản chất là ngoại khoá và không cần phải đưa vào quá chi tiết.

Ông Khúc Trung Kiên
Ông Khúc Trung Kiên

Không rõ nguyên tắc tích hợp môn học

Nguyên tắc tích hợp không phải là gộp nhiều môn vào một môn hay nhiều môn vào một chương trình. Điểm khác biệt căn bản là: Môn học phải hướng đến phát triển một kiến thức và kỹ năng chuyên môn (mà xã hội cần), để làm được việc đó cái gì cần thì sẽ dạy (nếu chưa có trong điều kiện để bắt đầu môn học.

Để làm được điều này, cần phải thay những môn học truyền thống ở những lớp trên bằng các môn mới hoàn toàn. Ví dụ, thay vì có các môn Lịch sử, Địa lý, Sinh vật, Toán học, Hoá học, Vật lý theo truyền thống, có thể thay bằng nhiều môn khác như: Khoa học nông nghiệp, Y học thường thức, Khoa học máy tính, Tìm hiểu vũ trụ…. mỗi môn học mới đó tích hợp trong nó những kiến thức của các môn học truyền thống ở mức vừa đủ. Học sinh có thể lựa chọn môn học tích hợp theo định hướng của mình.

Làm rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông

Việc cả nước thi đại học, cả nước thành cử nhân là không hợp lý, phản khoa học. Việc chạy theo ý trào lưu đó gây hậu quả vô cùng lớn cho xã hội. Mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất của giáo dục phổ thông không phải là để chuẩn bị cho việc học lên cao hơn. Mục tiêu phải là trang bị cho học sinh về thể chất, tâm lý, tri thức và kỹ năng để có thể sống tự lập. Có thể lao động để kiếm sống ở mức trung bình trong xã hội.

Học sinh nào cũng có thể có cơ hội để học lên cao hơn nếu có nguyện vọng đó và có thêm những yêu cầu như: Có năng lực theo đuổi ngành mình chọn, có quyết tâm học hỏi, có sự chuẩn bị chu đáo cho việc đó,... giáo dục phổ thông chỉ cần đảm bảo cơ hội, không có trách nhiệm đảm bảo cho học sinh có thể học cao hơn. Không làm rõ điều này, dẫn đến nội dung chương trình ôm đồm, quá tải.

Giáo dục phổ thông không có trách nhiệm đảm bảo cho học sinh có thể học cao hơn (ảnh minh họa)
"Giáo dục phổ thông không có trách nhiệm đảm bảo cho học sinh có thể học cao hơn" (ảnh minh họa)

Văn học nên là môn tự chọn

Ở môn Ngoại ngữ và Văn học, tôi nghĩ cần xác định lại. Thứ nhất, Ngoại ngữ nên xác định rõ ràng là tiếng Anh, có lẽ không cần phải lý giải thêm về điều này. Tất nhiên sẽ có nhiều ý kiến chứng minh là cần thêm tiếng Trung, Nhật, Pháp,... Tuy nhiên, tôi nghĩ không lo về điều đó, các em có năng khiếu và thiên hướng Ngoại ngữ sẽ tự nhiên lựa chọn thêm các thứ tiếng mình cần. Chương trình khung chỉ cần xác định rõ tiếng Anh.

Vấn đề đặt ra, học tiếng Anh như thế nào? Liệu có phải theo phương pháp từ lớp 1 đến lớp 12 vẫn luôn là ngữ pháp, giới từ, phó từ, liên từ,...? Theo tôi không nhất thiết phải như vậy, cơ sở cần thiết trang bị trong khoảng 3 năm học là đủ để bắt đầu. Học tiếng Anh ở các lớp cao (8-12) nên hướng đến các cách viết luận, đề tài nghiên cứu, hoạt động trình bày, nghệ thuật đương đại và đặc biệt là văn học nước ngoài...

Ngôn ngữ không bao giờ là một tập hợp của các khái niệm và quy tắc. Ngôn ngữ là cuộc sống, là văn hoá, là xã hội, là lịch sử, địa lý, khoa học,... Đó là lý do vì sao môn Văn học cũng nên là môn tự chọn, dành cho các em có năng khiếu chuyên sâu.

"Rất cần thay đổi. Càng nhanh càng tốt. Nhưng với kiểu thay đổi chỉ để viết lại sách giáo khoa như này thì tốn tiền vô ích, mèo lại hoàn mèo. Cải cách giáo dục không bao giờ bắt đầu từ sách giáo khoa. Thậm chí chẳng cần thay đổi, chỉ cần thay đổi cách nhìn và vai trò của sách giáo khoa là đủ. Viết lại, viết thêm có thể vẫn cần, nhưng tôi nghĩ không phải quan trọng".

(Khúc Trung Kiên)

Trả lại các kỳ nghỉ cho học sinh

Giáo dục phổ thông là liên quan đến toàn bộ trẻ em lứa tuổi 6-18, có nghĩa là lịch học của học sinh ảnh hưởng đến toàn thể xã hội, hầu hết các gia đình. Muốn xã hội văn minh, hoà nhập, nên bắt đầu từ việc sắp xếp lịch học cho học sinh phổ thông có chuẩn mực. Tốt nhất là tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Học sinh nên có các kỳ nghỉ hè (6-8 tuần cuối năm học); nghỉ cuối học kỳ (2 tuần, vào dịp Noel và tết dương lịch), nghỉ Tết âm lịch (2 tuần) và khoảng 2 tuần cho các dịp lễ khác trong năm.

Lịch nghỉ cũng nên có nguyên tắc xác định luôn để các trường có thể căn cứ vào đó làm lịch cho cả năm học, không cần mỗi năm lại duyệt một lần. Như vậy, xã hội và gia đình mới kế hoạch theo được. Sau này, học sinh các nước sang Việt Nam du học cũng có thể mua vé sớm, đỡ tốn chi phí và thuận lợi cho học sinh, phụ huynh. Việc rất lớn, lợi ích lớn, không khó, không vướng mắc đường lối/định hướng/cơ chế gì và thuộc thẩm quyền của ngành giáo dục.

Thay đổi chỉ để viết lại SGK thì chưa ổn (ảnh minh họa)
"Thay đổi chỉ để viết lại SGK thì chưa ổn" (ảnh minh họa)

Cải cách giáo dục không bắt đầu từ SGK

Những ý kiến phản đối nhiều nhưng tôi thấy phần nhiều tập trung vào những khó khăn hay những khía cạnh phụ, không đi vào bản chất vấn đề. Có lý do đưa ra sẽ khó vì giáo viên chưa được đào tạo lại, điều này vô cùng bất hợp lý. Chẳng có cách nào đào tạo trước cả triệu giáo viên. Học sinh thay đổi, cách học thay đổi, sẽ buộc giáo viên thay đổi. Khi đó đào tạo họ để hỗ trợ thêm.

Rất cần thay đổi. Càng nhanh càng tốt. Nhưng với kiểu thay đổi chỉ để viết lại sách giáo khoa như này thì tốn tiền vô ích, mèo lại hoàn mèo. Cải cách giáo dục không bao giờ bắt đầu từ sách giáo khoa. Thậm chí chẳng cần thay đổi, chỉ cần thay đổi cách nhìn và vai trò của sách giáo khoa là đủ. Viết lại, viết thêm có thể vẫn cần, nhưng tôi nghĩ không phải quan trọng.

Điều đặc biệt, thiết kế chương trình giáo dục cho những năm tới là thiết kế cho tương lai. Nhưng bản dự thảo mới này, không cho thấy ảnh hưởng của công nghệ thông tin, mạng Internet là như thế nào. Không cho thấy công nghệ Internet phải là công cụ của việc dạy và học. Điều quan trọng hơn, chúng ta không thực sự chuẩn bị cho con em bước vào thế giới cạnh tranh toàn cầu. Các nhà cải cách giáo dục có vẻ đang đứng ngoài xu thế của cả thế giới.

Khúc Trung Kiên

(Nguyên GĐ Chiến lược Công ty Phần mềm FPT, nguyên giảng viên HV Kĩ thuật Quân sự)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm