“Chúng em làm nông nghiệp”

(Dân trí) - “Chúng em làm nông nghiệp” là dự án nằm trong chương trình dạy học của học sinh lớp 10 tại Trường THPT Đakrông, (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nhằm cung cấp cho các học sinh những kiến thức, kỹ năng về nông, lâm nghiệp.

Dự án do thầy giáo Lê Chí Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông lên ý tưởng xây dựng và đưa vào chương trình dạy học, đã tạo được sự hứng thú, thi đua học tập giữa các học sinh tham gia.

Học sinh chăm sóc cho vườn rau đang sinh trưởng tốt
Học sinh chăm sóc cho vườn rau đang sinh trưởng tốt

Thầy giáo Nguyễn Hải Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là dự án mới đưa vào chương trình gần đây, xuất phát từ thực tiễn huyện Đakrông là địa bàn miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dự án được xây dựng trên cơ sở Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị giao cho nhà trường chủ động xây dựng, phân phối chương trình nhằm phù hợp với điều kiện địa phương, tình hình thực tế của nhà trường nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

Để việc dạy học đạt hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy môn Công nghệ lớp 10 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Dự án “Chúng em làm nông nghiệp” nhằm cung cấp cho các học sinh kiến thức, kỹ năng về nông, lâm nghiệp. Đồng thời, giúp các em phát triển một số năng lực thực hành, thí nghiệm và xây dựng kế hoạch.

Cô Nga hướng dẫn cho nhóm học sinh về cách phân biệt các loại sâu bệnh có thể gặp trên cây
Cô Nga hướng dẫn cho nhóm học sinh về cách phân biệt các loại sâu bệnh có thể gặp trên cây

Điều đặc biệt là sau khi có được sản phẩm từ dự án, sẽ phối hợp với Ban thường vụ Đoàn trường bán sản phẩm để gây quỹ ủng hộ những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tăng tình đoàn kết giữa những học sinh trong lớp, giữa các khối lớp trong trường.

Cô giáo Hoàng Thị Nga, giáo viên dạy môn Công nghệ cho biết, đưa dự án vào chương trình để phục vụ việc dạy học, tăng tính trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh là chủ yếu.

Do điều kiện tự nhiên, đất đai quanh trường chủ yếu là đồi núi, dinh dưỡng thấp nên chúng tôi đã hướng dẫn cho học sinh bón các loại phân hữu cơ để cải tạo đất. Bên cạnh đó, chúng tôi thử nghiệm khả năng thích ứng của các loại cây có phù hợp hay không. Về giống cây trồng, lựa chọn các giống cây họ đậu như đậu bắp, các loại rau khác như: bí đao, rau dền, rau cải, mướp ngọt, cà tím, xà lách, mồng tơi…

Qua thời gian thực hành, các cây, rau sinh trưởng tốt, nhưng do thời tiết xấu nên một số loại rau bị khô thân, thối rễ và chết dần. Vườn rau còn sống được bón phân, chăm sóc cẩn thận, được theo dõi hàng ngày.

Sau một thời gian trồng và chăm sóc, cây bí đang phát triển, thích ứng tốt với đất
Sau một thời gian trồng và chăm sóc, cây bí đang phát triển, thích ứng tốt với đất

Sau cuộc trao đổi, cô Nga cùng nhóm học sinh lớp 10 tiến về khu thực hành và hướng dẫn học sinh chăm sóc rau, làm cỏ, vun xới cho các loại cây đã trồng, hiện đang phát triển tốt. Các em thực hành khá say sưa bên vườn cây mà cô trò đã bỏ nhiều thời gian gieo hạt và chăm bón.

Cô Nga cho biết, dự án thực hành trên diện tích khoảng 300 m2, hiện đang dừng ở mức độ thử nghiệm xem có phù hợp hay không. Trước mắt, chúng tôi chưa chú trọng đến sản phẩm thu được nhiều hay ít, khi mô hình này hoàn thành sẽ tính toán để có phương án nhân rộng phù hợp.

Tham gia thực hành tại lớp, em Nguyễn Văn Gôn cho hay, em nhận thấy lớp học thú vị ở chỗ đã trang bị cho học sinh chúng em các kỹ năng cần thiết để làm nông nghiệp. Chúng em vừa học vừa thực hành nên sẽ nhớ kiến thức được lâu hơn.

Em Nguyễn văn Gôn, học sinh lớp 10 vui gốc cho cây mướp mà cô và trò mới trồng
Em Nguyễn văn Gôn, học sinh lớp 10 vui gốc cho cây mướp mà cô và trò mới trồng

Theo cô giáo Nga, sau mỗi giờ học, các em vừa thu nhận kiến thức ở trường, để khi về nhà các em cũng có thể thực hành ngay trên khu vườn của gia đình. Qua đó, các em hiểu được giá trị của sức lao động, tăng tính cần cù, chịu khó, những sản phẩm của bà con nông dân làm ra. Trong số đó, có ba mẹ các em cũng đang lao động nông nghiệp.

Khu vực trồng rau mồng tơi bắt đầu vươn lên sau mưa
Khu vực trồng rau mồng tơi bắt đầu vươn lên sau mưa

Em Trương Vũ Thanh Huyền, lớp 10B1 cho biết, nhiều học sinh như chúng em đều xuất thân trong gia đình có bố, mẹ làm nông nhưng chưa hiểu hết phải làm nông nghiệp như thế nào. Khi học môn Công nghệ, đặc biệt là khi tham gia dự án này sẽ bổ sung cho các em kỹ năng để thực hành làm Nông nghiệp. Em nhận thấy rằng, đây là dự án rất hay và bổ ích với học sinh phổ thông.

Đăng Đức

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm