Cần Thơ:
Hai sinh viên chế bùn vi sinh từ chất thải thủy sản để trồng rau sạch
(Dân trí) - Tận dụng chất thải từ các nhà máy chế biến thủy sản, hai sinh viên ở Cần Thơ đã chế ra bùn vi sinh thành công, phục vụ trồng rau sạch, hoa kiểng. Hiện sản phẩm của hai em đang được các nhà vườn ở các tỉnh, thành ĐBSCL sử dụng và tin tưởng đặt hàng.
Biến ý tưởng thành thực tiễn.
Em Nguyễn Hữu Huy Hào (quê ở Cà Mau) và Phan Hồng Mức (quê huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), cùng học chung thời trung học. Tốt nghiệp cấp ba, Hào học chuyên ngành xử lý Môi trường, trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ; còn Mức học ngành Kinh tế trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, nhưng có cùng một ý tưởng: “Làm thế nào để biến chất thải thủy sản ở các doanh nghiệp quê mình thành thứ có lợi cho môi trường?”.
Em Hào chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện thí nghiệm về việc xử lý nước thải chế biến thủy sản, cho ra lượng nước đạt tiêu chuẩn, còn lại lượng bùn thải thì đem bỏ. Lúc đó, em liền hỏi giáo viên hướng dẫn, bùn thải này có chứa thành phần gì, thì cô giáo cho biết, bùn thải chứa rất nhiều hữu cơ. Lúc nghe cô giáo nói vậy em liền nảy sinh ý tưởng, tận dụng chất bùn thải này để xử lý lại phục vụ nông nghiệp”.
Cũng từ đó, Hào bắt đầu tìm hiểu các tài liệu và tư liệu nhưng hầu như chưa có quy trình cũng như sản phẩm bùn vi sinh được chiếc xuất từ bùn thải. Thế là Hào đem ý tưởng chia sẻ với người bạn học cũ Hồng Mức, thì được Mức đồng tình ủng hộ và cùng nhau bắt tay nghiên cứu, cho ra sản phẩm hoàn thiện bùn vi sinh.
Hai em Hào (bên phải) và Mức tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc năm 2016
Để sản phẩm của mình đi vào thực tiễn, Hào và Mức đã sử dụng bùn vi sinh trồng rau sạch, hoa kiểng thí nghiệm thực tế và kết quả khá thành công. Theo Hào, lượng bùn hoạt tính sau khi lắng có chứa nhiều chất hữu cơ rất tốt để trồng hoa lan hay rau sạch.
Không dừng lại ở đó Hào và Mức đã nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, mở cơ sở sản xuất bùn vi sinh tại quê Hào (phường 8, TP Cà Mau) để vừa sản xuất bùn vi sinh từ chất thải các công ty thủy sản, vừa trồng rau sạch, hoa kiểng thí nghiệm.
Cuối năm 2016, nhân có cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” khu vực ĐBSCL, Hào và Mức mạnh dạn tham gia cuộc thi với sản phẩm hoàn thiện và đạt giải Nhất. Sau đó hai bạn trẻ tiếp tục tham gia và đạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, vừa trao giải ngày 18/3 tại Hà Nội.
Mức tâm sự: “Trong quá trình thực hiện ý tưởng, chúng em gặp một số khó khăn như, phải dung hòa giữa thời gian cho việc học và nghiên cứu, đưa ra quy trình hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô hai trường mà chúng em thực hiện thành công ý tưởng của mình”.
Bùn vi sinh đã được thị trường chấp nhận!
Hiện tại, sản phẩm bùn vi sinh của em Hào và Mức đã có mặt ở nhiều trang trại, cơ sở cũng như nông hộ trồng rau sạch và hoa kiểng ở Cần Thơ, Cà Mau và một số địa phương trong vùng ĐBSCL.
Anh Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở sản xuất rau sạch trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đang thử nghiệm sản phẩm bùn vi sinh của Hào cho biết: “Tôi đang thử nghiệm trồng trên 2 dòng sản phẩm rau và cà chua mới nhập từ Hà Lan. Hiện cây phát triển tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong thời gian tới tôi sẽ ứng dụng rộng trên toàn trang trại”.
Còn cô Nguyễn Hồng Khiết, ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cũng đang sử dụng sản phẩm bùn vi sinh để trồng rau sạch trong thùng xốp cho biết, cô trồng được gần hai tháng, rau phát triển rất tốt nhờ tỷ lệ đạm trong bùn cao hơn đất bình thường khoảng 3 - 4 lần, giúp cây phát triển tốt, nên cô không cần bón thêm phân bón.
Sau 3 tháng mở bán sản phẩm ra thị trường, hai em đã bán được 25 tấn bùn vi sinh dạng khô. Hào và Mức cũng phấn khởi chia sẻ, sau cuộc thi ở Hà Nội, có nhiều doanh nghiệp lớn khu vực miền Bắc, và cả các doanh nghiệp Lào, Campuchia cũng đã trao đổi ký hợp đồng mua sản phẩm bùn vi sinh của hai em.
Hiện tại để đáp ứng nhu cầu thị trường, hai bạn trẻ đã ký hợp đồng mua chất thải thủy sản của bốn công ty thủy sản lớn ở Cà Mau, đồng thời đăng ký bản quyền sản phẩm với tên gọi gần gũi hơn là “Đất sạch hữu cơ TaHo”. Hiện nay trong thời gian chờ cấp chứng nhận bản quyền, Hào và Mức không bán sản phẩm thô mà chỉ bán lẻ sản phẩm đóng gói và tập trung thương thảo các hợp đồng với các đối tác mua số lượng lớn và đẩy mạnh trưng bày, quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chợ trong nước.
Hai em Hào và Mức trong chương trình sinh viên khởi nghiệp ở Cần Thơ
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, Giám đốc Vườn ươm khởi nghiệp trường Đại học Cần Thơ, đánh giá: “Nếu tận dụng tốt, tối đa giá trị của bùn thải thì không chỉ giúp ngành nông nghiệp phát triển mà còn giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường đất. Đây là một ý tưởng hết sức có giá trị của hai em”.
Khánh An