Chia sẻ của anh “thợ sửa xe” khiến GS Hồ Ngọc Đại tự hào hơn cả GS Ngô Bảo Châu

(Dân trí) - Trong cuộc gặp gỡ mới đây, GS Hồ Ngọc Đại - “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục có nói rằng, GS Ngô Bảo Châu không phải là học trò mà ông tự hào nhất. Người khiến ông tự hào nhất, ấy là một cậu sửa xe. “Cậu sửa xe” ấy giờ là tay đua số 1 Việt Nam và như anh nói, mình là người hạnh phúc.

"Đến trường vui quá!"

GS Hồ Ngọc Đại từng cho biết trên báo chí, Ngô Bảo Châu không phải là học trò mà ông tự hào nhất. Người khiến ông tự hào nhất, ấy là một cậu sửa xe: “Cậu “thợ sửa xe” này là bạn của con trai tôi. Mặc dù có 2 bằng du học nhưng nó luôn tâm sự với con trai tôi rằng, bây giờ ngày nào nó cũng thấy hạnh phúc vì luôn được vặn ốc vít”, GS Đại nói.

Kể về điều này với chúng tôi, anh “thợ sửa xe” (nhân vật xin được giấu tên- PV) cười ngại ngùng. Anh tự nhận thấy mình không phải cậu học trò xuất sắc nhất của trường, thậm chí có thể xếp hạng kém nhất trường Thực nghiệm và không dám để thầy tự hào.

Nhưng trừ những lúc bị vợ mắng, trong mấy chục năm trở lại đây, anh nhận thấy mình là người hạnh phúc bởi từ ngôi trường ấy, anh cùng một số bạn bè tạo ra một thế hệ học trò dám là chính mình, dám làm những điều mình mong muốn chứ không phải để vui lòng bất cứ ai trong gia đình như những đứa trẻ khác.

“Thầy tôi rất chan hòa, đề cao trẻ em và đặc biệt, hết sức khôi hài trong mọi hoàn cảnh. Tôi còn nhớ có lần tôi và con trai của ông đi chơi về lúc 3h30 sáng, cũng là lúc ông dậy đi tập thể dục. Ông không trách móc mà nhìn chúng tôi hỏi hóm hỉnh: “Các anh đi đâu mà dậy sớm thế”, anh nhớ lại.


GS Hồ Ngọc Đại cho biết, người học trò mà ông tự hào nhất là một cậu sửa xe.

GS Hồ Ngọc Đại cho biết, người học trò mà ông tự hào nhất là một "cậu sửa xe".

Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ lại những ngày gần đây, khi cư dân mạng nổi sóng tranh luận về Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Tôi hỏi học trò cũ của thầy Đại: “Hồi bé anh học ra sao? Có đánh vần bằng ô vuông và tam giác hay không”?

Anh cười: "Có lẽ tôi cũng học thế. Tôi không nhớ nhiều lắm bởi lúc đó bé quá. Và cũng vì tôi nhớ Toán nhiều hơn. Nhưng tôi nhớ rất rõ những kỉ niệm chúng tôi đã có.

Chẳng hạn chuyện hồi đó, lớp tôi có hai thằng học Toán rất giỏi, đó là Đoàn Thụy Anh và Đoàn Châu Giang. Tôi còn nhớ mãi một lần gặp đề toán khó, đáng ra phải giải theo cách A mà sách giáo khoa đưa ra. Thế nhưng cả hai lại sáng tác ra cách B, C, D, F… gì đó. Và cuối cùng, cả hai nổ ra một cuộc tranh luận với thầy giáo chủ nhiệm.

Bấy giờ chúng tôi mới chỉ là học sinh lớp 10, nào đã biết gì mấy đâu. Còn thầy chủ nhiệm, có thể vì áp lực phải truyền đạt cho học sinh chính xác một cách thức nào đó trong học tập, nên việc tranh luận diễn ra khá gay gắt.

Đúng lúc đó, thầy Đại đi xuống, không có bất cứ hình phạt nào được đưa ra, không có bất cứ lời chỉ trích nào, dù nhỏ.

Thầy ôn tồn hỏi nguyên do và cho phép hai cậu học trò nhỏ tự chọn cách thức phù hợp. Cả hai cứ thế tự học ở nhà, không cần đến trường hàng ngày, chỉ đến lớp khi có giờ kiểm tra. Thầy đã rất tôn trọng hai học trò nhỏ và cho phép chúng tự chọn cách thức nào mình thấy thoải mái nhất.

Ban đầu, hai thằng bạn tôi rất tâm đắc. Thế nhưng mới ở nhà được 2 ngày, chúng đã không chịu nổi, phải vác cặp lao đi học ngay bởi đến trường vui quá.

Cả hai nam sinh ấy, giờ đều là những người có “số má” trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng. Và ngoài công việc họ vẫn có thời gian theo đuổi đam mê của mình. Với Thụy Anh, đam mê võ thuật đã biến anh thành một võ sư, và với Châu Giang, ước mơ bay như chim hồi bé đã biến anh thành tay nhảy dù có hạng ở châu Á.

Đấy là những mẩu chuyện nhỏ để các bạn hình dung được việc học của chúng tôi ở trường thực nghiệm ra sao, vì sao thông điệp mà thầy tôi đưa ra luôn hướng tới học sinh: “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Để có thể tự sửa xe, anh đã phải mua những cuốn sách dạy sửa xe rồi lôi cả xe của mình lẫn xe của bạn bè ra hết tháo lại lắp.
Để có thể tự sửa xe, anh đã phải mua những cuốn sách dạy sửa xe rồi lôi cả xe của mình lẫn xe của bạn bè ra hết tháo lại lắp.

"Suốt đời chỉ thích vặn ốc vít"

Suốt buổi trò chuyện, người “thợ sửa xe” mà GS Hồ Ngọc Đại từng nhắc đến ấy luôn “định hướng” tôi: “Hãy hỏi tôi về bạn bè, về cái cách chúng tôi đã học, đã trưởng thành từ ngôi trường thực nghiệm. Xin đừng đưa tên tôi như một nguyên mẫu”.

Được biết để sống đúng như mình mong muốn, tốt nghiệp cấp 3, cậu học sinh của trường Thực nghiệm quyết định đi du học ở Nga. Lúc đó mẹ cậu đang buôn bán ở Liên Xô đã mua cho con trai một chiếc ô tô.

Vì không có chuyên ngành nên để có thể tự sửa xe, anh đã phải mua những cuốn sách dạy sửa xe rồi lôi cả xe của mình lẫn xe của bạn bè ra hết tháo lại lắp, khiến anh trở thành một thợ sửa xe giỏi thực sự.

Năm 2007, khi về nước, mẹ đã tìm mọi cách nhờ vả để xin cho con trai một công việc ổn định trong cơ quan nhà nước. Thế nhưng anh đã bỏ việc chỉ ngay sau ngày làm việc đầu tiên bởi nhận thấy đấy không phải là nơi dành cho mình, bởi ghét sự trói buộc và yêu thích tự do.

Anh lập nhóm đua xe offroad đầu tiên ở Việt Nam, mở luôn một gara chuyên sửa xe, độ xe cho chính anh và dân offroad Việt đời đầu.

Trên các diễn đàn xe cộ, anh “thợ sửa xe” được bạn bè đặt cho biệt danh yêu mến là Gaz69. Anh đồng thời cũng là tay đua số 1 ở Việt Nam bởi trừ phi làm giám khảo còn cứ đi thi, kiểu gì cũng đoạt giải nhất.

Tất nhiên để thỏa mãn đam mê cũng phải có tiền. Vậy nên anh thêm cả buôn bán phụ tùng ô tô. Chỉ trong vòng 2 năm, “tay đua” này chi gần 1 tỉ đồng để đầu tư “độ” 1 chiếc xe chỉ để thỏa đam mê offroad.

Trao đổi về phương pháp học tập của GS Hồ Ngọc Đại đang có nhiều tranh luận trái chiều trong thời gian gần đây, anh cho rằng, thầy giáo mình không hề thay đổi gì về giáo dục. Điều đáng nói là tư duy giáo dục của ông hơi khác biệt so với quan niệm đa phần chúng ta hiện nay, đó là con phải giống bố, cháu phải giống ông nhưng quan điểm của GS Đại, là không có những con người giống nhau tuyệt đối.

Anh cho rằng, GS Hồ Ngọc Đại đi theo quan điểm này nên không được áp dụng đại trà và bị xung đột bởi các nhóm lợi ích.


Anh thợ sửa xe và các bạn học cũ thời cấp 2 ở trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại.

Anh "thợ sửa xe" và các bạn học cũ thời cấp 2 ở trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại.

"Phụ huynh không nên phiền lòng về chuyện học"

Đến bây giờ, khi anh đã là tay đua số 1 Việt Nam, nhiều người bạn vẫn hay kể về cậu “thợ sửa xe” - "thằng nghịch nhất trong lớp nghịch nhất của khóa nghịch nhất" trường Thực nghiệm. Nghịch đến nỗi, mẹ lên tận trường cầu cứu thầy có cách gì cứu con mình nhưng trong kí ức của mình, cậu học trò nghịch ngợm ấy và đám bạn chưa từng phải chịu hình phạt nặng nào. Thậm chí cái bản kiểm điểm có chữ kí của phụ huynh cũng chưa từng có trong suốt quãng thời gian theo học ở đây.

“Ngay từ lúc 6 tuổi, bố mẹ đã chọn cho tôi “chiếc xe Thực nghiệm”. Và chúng tôi, những người đã từng ngồi trên chuyến xe ấy luôn kính trọng những người thầy.

Nếu bây giờ trò team building mới thịnh hành trong các trường công lập thì từ mấy chục năm trước, chúng tôi đã từng có rất nhiều hoạt động nhóm cùng nhau. Ngay từ bé, thầy và trò chúng tôi đã cùng nhau đá bóng bùm bụp sau mỗi giờ học. Tôi rất nghịch nhưng không bao giờ bỏ học bởi đi học vui quá.

Triết lý giáo dục mà thầy tôi muốn hướng đến lúc đó và cả mãi về sau này, đó là phụ huynh không nên phiền lòng về chuyện con cái mình sẽ thế nọ thế kia. Bố mẹ có thể dạy con ở nhà cách sống thế nào, nấu ăn ra sao, đối nhân xử thế như thế nào... nhưng việc học, thầy luôn đề cao trẻ em, sao cho trẻ thoải mái nhất, hãy để cho học sinh trải qua thời thơ ấu một cách hạnh phúc, bố mẹ không nên can thiệp.

“Nếu tuổi thơ của những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những điều như vậy thì khi trưởng thành, họ cũng đối với xã hội trên tinh thần như thế”, anh chia sẻ.

Để kết thúc câu chuyện dài, đầy thú vị qua điện thoại, anh bảo tôi: “Nếu bạn hỏi mình giờ đứng về phía nào, mình chắc chắn chỉ có một phía, ấy là nói về sự thật, về những điều chúng mình đã được học ở ngôi trường đó.

Hãy nhìn thế hệ học sinh ấy, sau này có ai chửi bới gì giữa “cuộc chiến” truyền thông hay không? Tôi nghĩ là không. Và cũng như những người bạn, chúng tôi đều muốn đưa sự thật đến cho người khác theo cách riêng của mình”!

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm