Công nghệ giáo dục: Một cái nhìn toàn cảnh - phần 2

(Dân trí) - Cựu du học sinh Việt tại Mỹ Nguyễn Siêu chia sẻ về những nội dung khác biệt trong chương trình Tiếng Việt - Giáo dục Công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại mà bản thân đã được học 5 năm. Theo đó, học sinh được học làm thơ năm lớp 2, học Truyện Kiều năm lớp 4, Văn học Nga năm lớp 5.

Dưới đây là phần 2 bài phân tích “Công nghệ giáo dục – một cái nhìn toàn cảnh” của tác giả Nguyễn Siêu - cựu học sinh trường Thực Nghiệm có 5 năm trọn vẹn học chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.

7. Chúng tôi được học làm thơ năm lớp 2, học Truyện Kiều năm lớp 4, Văn học Nga năm lớp 5

Lên lớp hai, Công nghệ giáo dục tiếp tục trọng tâm vào dạy âm thanh. Chúng tôi được học thanh bằng và thanh trắc sớm hơn nhiều chương trình khác. Chúng tôi được học về cách gieo vần trong thơ. Có hai cách chúng tôi làm quen ở thời điểm này là vần chân và vần lưng. Vần chân là vần cuối câu, ví dụ như “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa.” Vần lưng là vần giữa câu, ví dụ như “Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa/ Một buổi trưa nắng dài bãi cát”.

Một lần nữa, cách gọi “vần chân” và “vần lưng” tiếp tục giúp tư duy hình ảnh của chúng tôi được phong phú hơn (nhìn dáng thơ như một dáng người). Chúng tôi hồi ấy rất thích được ngồi làm thơ trong lớp. Cô đọc một câu thơ 4 chữ, chúng tôi sẽ gieo vần chân hoặc vần lưng để viết nên hẳn một bài thơ. Những bài học này giúp tôi cảm nhịp, cảm vần khá tốt.

Lên lớp 4, chúng tôi được học Truyện Kiều, một điều có lẽ không có trong đại đa số chương trình khác. Một trong các đoạn trích được học là “Kiều ở lầu Ngưng Bích,” nên khi học lại ở chương trình lớp 8 tôi không còn bỡ ngỡ chút nào. Chúng tôi bên cạnh đó cũng được đọc rất nhiều tác phẩm nước ngoài, từ Chekov tới Leo Tolstoy.

Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện “Vanka” về cậu bé nghèo khổ, bất hạnh của nhà văn Chekov, khi đọc tôi khóc rất nhiều. Tôi tưởng tượng ra cuộc sống éo le của một đứa bé phải mưu sinh trong khu ổ chuột trên ở Nga xa xôi.

Đọc những tác phẩm này từ khi còn rất sớm, chúng tôi được học cách cảm thông. Cảm thông với số phận của cô Kiều. Cảm thông với Vanka bất hạnh. Học Tiếng Việt, nhưng không chỉ học về ngôn ngữ, mà còn học về cảm xúc, về cách đối nhân xử thế, cách nhìn thế giới to rộng ngoài kia. Có mỗi câu chuyện “Bé xách đỡ mẹ” mà ai cũng nhao nhao lên chửi, trong khi những tác phẩm trưởng thành, những bài học làm người trong cùng một chương trình thì người ta không đoái hoài tìm hiểu quan tâm.

Để học về sự cảm thông, khả năng thấu cảm con người, chúng tôi cũng thường xuyên có bài tập phải kể lại một câu chuyện dựa trên con mắt của một nhân vật. Tôi vẫn muốn viết một chút về điểm này dù nhiều bạn ở trường khác cũng được dạy làm văn tương tự. Chúng tôi không kể lại truyện “Cây tre trăm đốt” theo lời anh nông dân hay theo lời ông Bụt, mà phải hoá thân thành phú ông.

Chúng tôi phải đóng vai ác! Nhưng khi đóng vai ác, chúng tôi không thể viết rằng “tôi là phú ông và tôi ác”. Chúng tôi phải thật sự đặt mình vào tâm lý của nhân vật để hiểu, vì sao phú ông làm thế, với tư cách là một con người. Tại sao người ta làm việc ác? Từ những bài văn này, chúng tôi học được một điều là mặc dù truyện cổ tích luôn rõ ràng “thiện” - “ác,” nhưng trong thực tế, chẳng ai hoàn toàn “thiện” mà cũng chẳng ai hoàn toàn “ác.” Ai cũng có những lý do của mình để thực hiện một điều gì đó. Tâm lý con người là rất phong phú, nên trước khi tìm hiểu, kết luận về ai đó, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Tư duy phản biện, một lần nữa, lại được chú trọng trong cách giảng dạy này.


Nguyễn Siêu - tác giả bài viết, tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0), hiện làm việc tại tập đoàn truyền thông Paramount Network, Mỹ.

Nguyễn Siêu - tác giả bài viết, tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0), hiện làm việc tại tập đoàn truyền thông Paramount Network, Mỹ.

8. Chúng tôi học toán từ hệ nhị phân trước, rồi mới tới hệ thập phân

Hồi ấy khi học Toán về, bố tôi rất ngạc nhiên vì tại sao tôi lại đếm các số liên tiếp là “0, 1, 10, 11, 100, 101, 110”. Hóa ra là chúng tôi được học hệ đếm nhị phân trước khi học hệ đếm thập phân. Bắt đầu từ những nấc thang nhỏ, những thứ đơn giản nhất, chúng tôi học một hệ đếm chỉ có hai số 0 và 1. Sau đó, mở rộng ra là hệ 3, tức là chỉ có 3 số 0, 1, 2.

Dần dần, chúng tôi mới học lên hệ 10, tức là hệ số thập phân gồm các chữ số từ 0 tới 9. Học hệ nhị phân trước cho tôi một tư duy số rất khác, rất logic, tức là nếu có một điều luật, và luật quy định chỉ có hai số 0 và 1, thì mình chỉ được tập trung vào hai số này, quây giới hạn không cho những chữ số khác được xuất hiện. Chính nhờ điều này mà sau này, khi học Tin học, tôi nắm vững khái niệm hệ nhị phân khá nhanh.

9. Chúng tôi được học tập hợp từ năm lớp 1, trong khi chương trình đại trà chỉ dạy tập hợp vào lớp 6

Ngày ấy, khi tôi nói về khái niệm “tập hợp” với các bạn ở trường khác, không một ai hiểu tôi đang nói về điều gì. Hoá ra, ở trường Thực nghiệm, chúng tôi đã được học khái niệm này sớm hơn chương trình đại trà.

Từ những ngày đầu đi học, chúng tôi đã được học vẽ sơ đồ Venn, học phép hợp, phép giao, phép hiệu. Chúng tôi học cái gì được có mặt trong một tập hợp, cái gì bị bỏ ra ngoài, cái gì là của chung, cái gì là của riêng. Học về tập hợp là một cách để chúng tôi có thể quan niệm hoá thế giới xung quanh: ai thuộc lớp 1A, ai không thuộc lớp 1A, ai học trường Thực nghiệm, ai không học trường Thực nghiệm.

Nhờ khái niệm tập hợp, chúng tôi cũng tự xây dựng được những khái niệm “giống nhau,” “khác nhau,” và học cách trân trọng sự khác biệt. Không phải cái gì cũng phải nằm trong một tập hợp nào đó. Mỗi phần tử của tập hợp nhỏ không hề kém quan trọng hơn các phần tử của tập hợp to. Tư duy khác biệt bắt đầu từ những cái nhỏ như vậy. Học về tập hợp cũng khiến môn Toán trở nên bớt khô khan, vì con số chỉ là con số, còn sơ đồ Venn là hình vẽ, mà với trẻ con 6 tuổi như chúng tôi thì thấy hình vẽ tất nhiên sẽ hứng thú học hơn. Điều này cũng giải thích cho phương pháp học phát âm “tiếng” nêu trên.

10. Chúng tôi học Tiếng Anh song song với Tiếng Việt từ lớp 1

Ngày tôi học tiểu học, nhiều trường khác bắt đầu dạy tiếng Anh từ năm lớp 3, thậm chí không dạy mà phải để học sinh bắt đầu học ở cấp THCS. Trường Thực nghiệm thì khác. Chúng tôi bắt đầu tiếng Anh từ học kỳ 2 của lớp 1, cũng theo chương trình riêng của trung tâm Công nghệ giáo dục. Tôi còn nhớ mình hứng thú học tiếng Anh lắm.

Được học hai ngôn ngữ song song một lúc là một trong những điều tôi cảm thấy biết ơn nhất, vì nó dường như đã định hình cả chặng đường phát triển ngôn ngữ của tôi. Điều này chính bố mẹ tôi cũng rất nhiều lần công nhận. Tôi vừa được tư duy theo tiếng Việt, vừa tư duy theo tiếng Anh, mà ở lứa tuổi tò mò và hiếu kỳ ấy thì não mình sẽ mở cửa chào đón mọi thứ mới lạ để tiếp thu, thoả mãn lòng hiếu học.

Tôi có khởi đầu ở môn tiếng Anh như thế, mà chính xuất phát sớm ấy đã giúp tôi nắm chắc tiếng Anh để tiếp tục học giỏi bộ môn này ở cấp 2 và đỗ vào lớp chuyên Anh Ams cấp 3. Bên cạnh học cách nói, chúng tôi cũng được dạy tập viết từng chữ cái đặc biệt trong tiếng Anh, ví dụ như f hay z. Điều thú vị là khi các bạn ở các trường khác được dạy viết chữ f có cái đuôi nửa dưới ngoặt ra phía bên trái, thì chúng tôi lại làm tròn cong nó lên ở phía bên phải, rồi thắt nơ ở trên. Sau này, khi sang nước ngoài, tôi thấy ai cũng viết chữ f như mình được học ở trường Thực nghiệm, còn chữ f như nhiều trường khác dạy thì chỉ thấy người Việt viết là nhiều. Chữ z chúng tôi cũng được dạy viết giống giống lặng đen trong âm nhạc, chứ không phải 3 nét ziczac như ký tự in.

Các cô giáo ở trường Thực nghiệm rèn chữ rất tốt. Cách viết hoa, viết thường đều được trau chuốt, và chính vì thế mà nhiều người vẫn khen chữ tôi rất đẹp (cái này tôi tự hào thật sự). Đấy là do tôi được giáo dục cách chú ý tới từng chi tiết, từng đường kẻ, từng nét cong, cẩn thận hơn vội vàng. Cách giáo dục này để lại ấn tượng trong tôi tới mức nó đã trở thành triết lý sống của tôi và giúp tôi rất nhiều ở thời điểm hiện tại: chú trọng mọi thứ tới từng chi tiết, không chỉ nhìn bức tranh toàn cảnh không thôi.

11. Một vài bộ môn và kỷ niệm khác

Ở trường Thực nghiệm, hồi lớp 3, tôi còn nhớ có môn Kỹ thuật, chúng tôi được học cách sử dụng kim chỉ. Nhờ kỹ năng này, nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi, “Tại sao con trai mà biết may vá thêu thùa thế này”. Lên lớp 4, lớp 5, chúng tôi cũng được học đan lát. Tất cả những kỹ năng này sau này đều khá có ích trong cuộc sống. Không phải vì tôi suốt ngày đan lát, thêu thùa, mà vì tôi học được nhiều điều về hình khối, về tính chính xác trong từng hành động, về sự khéo tay.

Trong lớp Âm nhạc, tôi còn nhớ được khuyến khích tự viết lời hát, cũng là một bài học sáng tạo khác trong trải nghiệm Thực nghiệm của tôi. Chúng tôi không có môn “Đạo đức” như nhiều trường, mà thay vào đó là “Giáo dục lối sống”. Chúng tôi học những điều sát với cuộc sống: lễ phép với cha mẹ, ông bà như thế nào, trước khi ăn mời cơm ra sao, trong cuộc sống thế nào là công bằng, v...v...

12. Trường Thực nghiệm chỉ chấm điểm A, B, C, D và không xếp hạng

Một trong những khác biệt lớn nhất ở trường Thực nghiệm là thầy cô chỉ chấm điểm cho chúng tôi bằng chữ, tức A, B, C, D, chứ không chi li ra từng số. Điều này giúp chúng tôi biết tự đánh giá sức học của mình, nhưng cũng không quá áp lực về điểm số. Tôi thấy đây là cách giáo dục hay hơn cách chấm điểm bằng số, vì rõ ràng bệnh thành tích là một trong những căn bệnh nặng nhất của giáo dục Việt Nam, và áp lực điểm số khiến học sinh Việt luôn luôn cảm thấy buồn chán, nặng nề, ghét đi học.

Để đấu tranh với bệnh thành tích, chúng tôi cũng không xếp hạng học sinh trong lớp như nhiều trường khác. Mỗi học sinh tự cố gắng vượt lên trên bản thân mình là đủ, thay vì so sánh mình với người này, người kia. Đây là một điều rất nhân văn mà tôi trân trọng ở môi trường giáo dục Thực nghiệm. Kể cả trong ngày Trung thu, mỗi lớp chúng tôi đều bày một mâm cỗ, nhà trường sẽ không trao thưởng là “Mâm cỗ đẹp nhất” thuộc về lớp nào, mà trao thưởng theo kiểu mâm cỗ của lớp này là “Mâm cỗ màu sắc nhất,” của lớp kia là “Mâm cỗ có cảm hứng Hà Nội đậm đà nhất”.

Trường Thực nghiệm khiến học sinh chúng tôi chương bao giờ phải ganh đua nhau, phải tị nạnh nhau, phải cạnh tranh nhau. Mẹ tôi từng thắc mắc, “Nếu con không cạnh tranh với các bạn thì lấy động lực gì để học”. Tôi chỉ trả lời, “Vì mỗi ngày đến trường là một ngày vui.”

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cùng với “Đi học là hạnh phúc” là hai phương châm duy nhất của trường Thực nghiệm. Chúng tôi không có “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng tôi không có “Học, học nữa, học mãi”, và một lần khi tôi hỏi tại sao lại không treo khẩu hiệu này thì cô giáo bảo rằng học sinh tiểu học sẽ không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó, mà cứ nghĩ mình phải học suốt ngày, không được nghỉ ngơi, tức là một cách học không khoa học, trường Thực nghiệm không khuyến khích.

Trường Thực nghiệm có thể khác biệt, nhưng chính vì những khác biệt ấy mà hồi đó tôi thích đi học hơn ở nhà. Đến trường, tôi được làm thơ. Đến trường, tôi được đọc Kiều. Đến trường, tôi được vẽ tập hợp. Đến trường, tôi được nói tiếng Anh. Đến trường, tôi không phải tập khai giảng mấy ngày liên tục dưới nắng. Đến trường, tôi không phải cạnh tranh với bạn bè vì điểm số. Đến trường, tôi không cảm thấy gì khác ngoài yêu thương cho thầy cô, bè bạn. Đến trường, tôi được phát triển kỹ năng tư duy của chính mình và xây dựng chính kiến của riêng mình.

Trong giáo dục, khi có một sự thay đổi dù là nhỏ, chúng ta ngay lập tức nhạy cảm, lo lắng. Cái gì “mới” cũng mạo hiểm, và “cũ” thì vẫn an toàn hơn. Cái mới là mạo hiểm, nhưng mạo hiểm mới mang tới những điều vĩ đại.

Nguyễn Siêu

(Từ New York, Mỹ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm