Chế giễu cách đánh vần bằng ô vuông, hình tròn: “Nhiều người hiểu nhầm cách của GS Hồ Ngọc Đại”
(Dân trí) - Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho rằng nhiều người đã hiểu nhầm về phương pháp đánh vần của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Theo TS Minh, việc lấy một góc, một trang sách hay một clip để đưa lên chế giễu thì không phản ánh đầy đủ phương pháp luận giáo dục.
Vài ngày gần đây, một clip ghi lại cảnh cô giáo dạy học sinh đánh vần bằng ô vuông và hình tròn khiến nhiều người tranh cãi.
Đoạn clip có độ dài 4 phút, ghi lại hình ảnh cô giáo hướng dẫn học sinh đọc câu thơ: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" bằng cách nhìn vào dấu chấm, ô vuông.
Sau khi cô giáo đọc xong, một số học sinh được gọi lên bảng đọc lại theo cách cô giáo đã hướng dẫn.
Được biết, hiện có hai cách đánh vần. Cách đánh vần theo truyền thống như hiện nay các trường phổ thông vẫn đang học. Cách thứ là là theo công nghệ giáo dục. Ở cách thứ hai, học sinh được dạy theo phương pháp của các nhà ngữ âm học nhưng không thay đổi hệ thống ký tự, chữ viết.
Theo TS Đàm Quang Minh (hiện công tác tại Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ - IAE), nhiều người đã hiểu nhầm về phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại. Do đó, theo ông, lấy một góc, một trang sách hay một clip để đưa lên chế giễu không phản ánh đầy đủ phương pháp luận giáo dục.
Theo TS Minh, tác giả cách đánh vần đang gây xôn xao dư luận hiện nay là nhà giáo Phạm Toàn. Hai nhà giáo Phạm Toàn và Hồ Ngọc Đại cùng nhau xây dựng được hết chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD và sau đó không còn làm việc cùng nhau.
Triết lý căn bản của công nghệ giáo dục đã có từ trên 100 năm và đã trở thành thông dụng trên thế giới.
Gốc rễ của phương pháp chính này là học tập kiến tạo. Học tập kiến tạo cho rằng người học sẽ tự hình thành kiến thức dựa trên các trải nghiệm và suy luận mà không do thầy cô rót vào đầu. Chính vì vậy tăng cường xây dựng các trải nghiệm học tập sẽ giúp người học nhanh chóng có được kiến thức và kỹ năng.
Phương pháp học tập này cổ vũ việc thảo luận, tranh biện. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ hơn là việc giải bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.
Theo TS Đàm Quang Minh, không chỉ các trường dạy theo công nghệ giáo dục mới áp dụng phương pháp này. Thực tế, các trường quốc tế ở Việt Nam đã áp dụng từ lâu. Một số trường Việt Nam cũng thực hành phương pháp này như trường Đinh Thiện Lý, hệ thống trường Việt Úc (TP.HCM), trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, Olympia (Hà Nội). Ngoài ra, nhiều trường chuyên ở các tỉnh như Lào Cai, Tây Ninh cũng khá thành công với công nghệ giáo dục.
Chia sẻ trên trang cá nhân, chuyên gia truyền thông Trần Chí Hiếu cho biết, mình cực kì thích cách đánh vần này. Và cho đến giờ, ông có thể đi 3 bước làm một bài thơ là nhờ phương pháp tượng hình này.
Theo ông Hiếu: “Những cái bạn đang chửi chỉ là cách nhận thức đánh vần - cách đánh vần khác so với cách dạy cũ. Tuy nhiên, kết quả đọc từ cuối cùng không khác. Do đó, bạn không phải sợ rằng Tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, theo chuyên gia này, chúng ta đừng nhầm. Việc đánh vần tượng hình này không hề liên quan tới vụ cải cách ngôn ngữ của GS Bùi Hiền nên các video đọc tiếng Việt theo kiểu mới là hoàn toàn sai. Và nhiều người đang dùng điều này để chế giễu thầy Hồ Ngọc Đại”.
Nhà giáo Nguyễn Viết Sơn chỉ ra cách phân biệt TỪ, CHỮ và TIẾNG qua các ô vuông, hình tròn, hình tam giác: Thí dụ: "Ba ơi, mua siêu nhân cho con." Nếu một chữ ghi vào một ô vuông: [BA] [ƠI] [MUA] [SIÊU] [NHÂN] [CHO] [CON], có 7 tiếng.
Cách phân biệt "TỪ": Có từ đơn, từ ghép, từ láy... Từ đơn là từ có một chữ, từ ghép là từ có hai chữ trở lên. Trong câu trên, cứ một từ ghi vào một vòng tròn: (BA) (ƠI) (MUA) (SIÊU) (NHÂN) (CHO) (CON), sẽ có 7 từ đơn.
Cách phân biệt từ đơn và từ ghép: “Siêu nhân” là từ ghép. Nếu ghi vào ô tam giác cả từ đơn lẫn từ ghép, sẽ có:
Có 6 ô tam giác cho cả từ đơn và từ ghép.
M. Hà