Bạn đọc viết:
Chạnh lòng vì tâm lý môn Lịch sử: "Phải học thuộc lòng bằng hết"
(Dân trí) - Nếu yêu Sử, học sinh sẽ tự tìm cho mình được những cách học nhẹ nhàng, không nhồi nhét kiến thức hay rơi vào tâm lý "phải học thuộc bằng hết".
Đọc bài viết "Không thích môn Sử vì phải học thuộc lòng như một cỗ máy" tôi bỗng cảm thấy có chút gì đó thật chạnh lòng. Ông nội tôi là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc chiến tàn khốc để giữ lấy từng tấc đất nguyên vẹn, giành lấy cuộc sống hòa bình cho thế hệ sau. Không chỉ có ông tôi, thế hệ cha anh đã nằm xuống, đau thương đến nay vẫn còn chưa nguôi. Vậy mà một bộ phận người trẻ lại cảm thấy việc học Lịch sử là gánh nặng và áp lực tâm lý?
Việt Nam là một dân tộc với bề dày lịch sử hơn 4000 năm, nên nếu môn Lịch sử chỉ được giảng dạy đến hết cấp 2 thì có khác nào cho học sinh "cưỡi ngựa xem hoa". Nếu vẫn giữ lối tư duy rằng Sử là môn "học thuộc lòng" thì học sinh sẽ chẳng bao giờ có hứng thú với nó. Khi tường tận và hiểu những trang sử thì chắc chắn ai cũng dâng lên niềm tự hào dân tộc mãnh liệt.
Lịch sử chỉ có một, không hề thay đổi, và học sinh được tiếp thu kiến thức suốt nhiều năm liền. Ngày xưa còn là học sinh, tôi không hề xem Lịch sử là một gánh nặng hay ảnh hưởng quá nhiều đến kỳ thi đại học. Nếu yêu Lịch sử, học sinh sẽ tự tìm cho mình được những cách học nhẹ nhàng, không nhồi nhét kiến thức hay rơi vào tâm lý "phải học thuộc bằng hết".
Những dữ liệu lịch sử luôn có sự liên quan mật thiết với nhau, từ nguyên nhân - diễn biến - kết quả hay sự kiện này là bàn đạp cho sự kiện tiếp theo… Bạn có thể chọn cách ghi nhớ những mốc thời gian đặc biệt thay vì cố "học vẹt" để rồi học trước quên sau. Thật tình mà nói, những kiến thức lịch sử tôi có phần lớn là từ thời đi học, bởi sau khi ra trường, cuồng quay với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền tôi hầu như không còn thời gian để nghiền ngẫm nó nữa. Nhưng ít nhất, tôi vẫn tự hào vì là người "tường gốc tích nước nhà".
Nếu nói về sự khô khan, nhàm chán thì Lịch sử không phải là môn xếp thứ tự đầu tiên. Chẳng hạn như môn Toán, học sinh "mệt phờ" với những bài đạo hàm, tích phân mà có khi chính các em cũng không biết kiến thức này dùng để làm gì khi ra đời, đi làm. Hay những phương trình hóa học phức tạp rồi cũng bị quên lãng khi kỳ thi kết thúc. Sau này bước vào đời, trừ những người làm việc đúng chuyên ngành, hầu như chúng ta đều không dùng đến nó. Nhưng Lịch sử thì khác!
Tôi vẫn cho rằng "bỏ học Sử như người mất gốc" mà một khi đã không nhớ về nguồn cội của mình thì làm sao có thể thành người? Lịch sử cho ta hiểu nguồn gốc, nhìn về quá khứ để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Lịch sử cũng nhắc nhở chúng ta sống biết ơn và sống tử tế, bởi có được cuộc sống hôm nay là sự đánh đổi mồ hôi, xương máu của thế hệ cha anh. Bởi thế, nếu quay lưng lại với môn Lịch sử thì chẳng khác nào ngược đãi và chối bỏ quá khứ, nguồn gốc của chính mình.
Độc giả Lê Anh
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.