Đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc: Giáo viên, hiệu trưởng nói gì?
(Dân trí) - Tự chọn hay bắt buộc đối với môn Lịch sử trong trường phổ thông vẫn đang được bàn luận, chưa có hồi kết. Với giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục ở cơ sở người băn khoăn, người mong chờ.
Lịch sử phải có một vị trí trong trường phổ thông
Đưa Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT thời gian qua đã nhận được không ít những ý kiến, quan điểm trái chiều của dư luận.
Theo quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.
Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường.
Mới đây, ngày 23/5, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đưa ra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp.
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Lịch sử THPT tại Thanh Hóa - chia sẻ, bản thân cô ủng hộ môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong trường THPT.
"Là một giáo viên đứng lớp, việc yêu cầu tất cả học sinh tiếp cận, đều được học môn Lịch sử sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện cho học sinh. Không chỉ đơn giản là nhận thức một sự kiện hay một vấn đề lịch sử mà học sinh có thể học được rất nhiều bài học khác để vận dụng trong cuộc sống. Môn Lịch sử là môn định hình nhân sinh quan, lòng biết ơn cho học sinh", cô Hà chia sẻ.
Dù là môn học tự chọn hay bắt buộc, điều cô Hà mong chờ là có sự đổi mới trong nội dung, giảm tải một số lượng kiến thức, thêm những tiết học mang tính trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế cho học sinh. Như vậy thì tính chất giáo dục của môn Lịch sử sẽ hiệu quả toàn diện hơn so với hiện tại.
Theo cô Hà, môn Lịch sử hay bất kỳ một môn học nào ở các trường phổ thông thì cơ bản vẫn duy trì việc học môn đó đến hết lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Có chăng, sang học kỳ 2 lớp 12, các nhà trường mới bắt đầu thay đổi, ưu tiên tạo điều kiện thêm thời gian để học sinh ôn theo tổ hợp môn thi mà bản thân các em đã đăng ký.
Hiện tại, chương trình sách giáo khoa thiết kế là cho học sinh học chuyên sâu, lượng kiến thức và số tiết nhiều hơn. Trong trường hợp phải thay đổi chương trình sách giáo khoa mới ở thời điểm khi năm học mới chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu theo cô Hà sẽ không kịp và không đảm bảo yêu cầu của bộ môn.
Còn thầy Hạnh ở Thanh Hóa - chia sẻ: "Đối với học sinh, thiên hướng của các em nếu tự chọn, chắc chắn nhiều em sẽ không chọn môn Lịch sử. Còn khi trở thành môn bắt buộc thì phải có phương pháp, biên soạn lại, tinh giản bớt chương trình để việc học của các em không trở thành gánh nặng".
Từ chủ quan, thực tế và xét chiều dài lịch sử đất nước, thầy Hạnh mong muốn môn Lịch sử phải có vị trí trong nhà trường.
"Quan điểm không phải bảo vệ môn mình dạy nhưng chúng tôi mong muốn dù bắt buộc hay tự chọn thì Lịch sử phải có một vị trí trong trường phổ thông. Tôi xem qua chương trình sách giáo khoa mới thấy những kiến thức gắn thực tế rất nhiều, không dàn trải. Mỗi khi thay đổi thì sẽ rất vất vả về chương trình, công nghệ. Thay đổi lớn nhất là tư tưởng, tinh thần, thái độ của học sinh bây giờ khác xưa rất nhiều, mình không khéo léo xử lý một tình huống nào thì sẽ dễ gánh chịu hệ lụy", thầy Hạnh chia sẻ.
Sẽ có những xáo trộn
Hiệu trưởng một trường THPT tại Thanh Hóa cho biết, bản thân là người quản lý ở cơ sở nhưng cũng đang rất băn khoăn việc Lịch sử sẽ là môn học tự chọn hay bắt buộc. Bởi, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ban hành, giao cho ngành giáo dục thực hiện nhiều năm nay.
Trong khi đó, đối với nhà trường, từ đầu tháng 5, đã lên kế hoạch giáo dục cho năm học 2022-2023 theo các phương án hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác dạy học văn hóa. Nhà trường cũng đã phổ biến cho giáo viên, thậm chí mời các trường THCS đến nắm bắt, thông qua kế hoạch để các đơn vị này về phổ biến cho học sinh chuẩn bị dự thi lớp 10. Hơn nữa, thời điểm này, nhà trường vừa tập trung cho việc tổng kết năm học, ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh và vừa nghe ngóng về "số phận" môn Lịch sử.
"Việc thực hiện thay đổi, điều chỉnh hay không thì phải làm sớm để các đơn vị cơ sở có sự chuẩn bị. Nếu phương án môn Lịch sử là bắt buộc được thông qua, về mặt đội ngũ cơ bản đảm bảo được. Tuy nhiên, điều khiến nhà trường còn lúng túng là khi đưa vào môn học bắt buộc rồi thì khung thay đổi thế nào. Trước đây là 7 môn bắt buộc, bây giờ giữ 7 môn hay tăng lên 8 môn bắt buộc, còn nếu đổi thì đổi môn nào", vị hiệu trưởng chia sẻ.
Thầy Long, hiệu trưởng một đơn vị khác tại Thanh Hóa, chia sẻ: "Nếu đưa môn Lịch sử bắt buộc theo tôi là đúng, chắc chắn sẽ xáo trộn nhiều nhưng giáo viên rất đồng tình. Hôm qua đến giờ nghe tin Quốc hội bàn luận về vấn đề đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc bản thân tôi rất vui. Khi môn Lịch sử là môn bắt buộc thì phải thay đổi các tổ hợp môn tự chọn, trên cơ sở đó nhà trường mới xây dựng phương án. Chúng tôi mong muốn sớm có phương án chốt và có hướng dẫn của Bộ để nhà trường thực hiện".
Theo thầy Long, nhà trường đã xây dựng 8 phân môn gửi về các trường THCS để học sinh chuẩn bị dự thi vào lớp 10 THPT lựa chọn. Trong trường hợp "chốt" môn Lịch sử là môn bắt buộc thì nhà trường sẽ phải thay đổi kế hoạch. Có thể có những xáo trộn, tuy nhiên, quan điểm của thầy Long ủng hộ việc môn Lịch sử là môn học bắt buộc.
Trong chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho môn Lịch sử như sau:
Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.
Giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).
Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.