"Không thích môn Sử vì phải học thuộc lòng như một cỗ máy"
(Dân trí) - Em tôi "chán ngán" với những tiết học Sử vì mang nặng tính lý thuyết, học thuộc. Em phải học thuộc lòng từng mốc sự kiện, từng câu, chữ…
Tự chọn hay bắt buộc đối với môn Lịch sử trong trường phổ thông vẫn đang là câu chuyện khiến dư luận quan tâm thời gian qua. Có 2 luồng ý kiến được đưa ra; một bên phản đối với lý lẽ "dân ta phải biết Sử ta"; còn một bên ủng hộ vì nguyên do "không nên gây áp lực tâm lý rằng học sinh phải biết tuốt".
Em tôi theo học khối Khoa học tự nhiên, với mong muốn đậu trường đại học chuyên ngành Kinh tế. Bởi vậy những tiết học Sử ở trường phổ thông bỗng nhiên trở nên nặng nề, hoặc học đối phó, rồi quên bẵng không đọng lại chút gì sau khi kết thúc những bài kiểm tra.
Em tôi cho rằng, để hiểu được "gốc tích nước nhà" thì học sinh có nhiều cách để tìm hiểu - thông qua mạng xã hội, sách báo, internet… chứ không nhất thiết phải là môn bắt buộc ở trường. Em chán ngán với kiểu học thuộc lòng từng câu, từng số giống như một cỗ máy. Hơn thế nữa, với những bạn có cùng định hướng nghề nghiệp như em, môn Sử không phục vụ cho kỳ thi đại học. Việc cố nhồi nhét lượng kiến thức "khổng lồ" khiến các em rơi vào trạng thái căng thẳng, không tập trung và học trước quên sau.
Ở khía cạnh nào đó, việc để môn Lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ phần nào giảm bớt áp lực tâm lý cho học sinh, đặc biệt là các em cuối cấp. Song, có nhiều nỗi đắn đo được đặt ra: Khi Sử không còn là môn bắt buộc thì học sinh sẽ mơ hồ, mông lung về lịch sử nước nhà.
Thực chất, Lịch sử không hề là môn học khô khan, nhàm chán như nhiều người lầm tưởng. Có chăng bởi cách truyền đạt, giảng dạy trong nhà trường chưa tạo được sự hứng thú của học sinh đối với môn học này.
Tôi còn nhớ, hồi học cấp 3, cô giáo phụ trách môn Sử lớp tôi đã biến những tiết học khô cứng trở nên sôi nổi và đầy say mê. Thay vì buộc học sinh phải ghi chép đầy đủ thì cô sẽ hệ thống kiến thức một cách ngắn gọn, dễ hiểu bằng sơ đồ tư duy. Sau đó, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện lịch sử hoặc những video, tư liệu liên quan đến bài học nhưng không có trong sách giáo khoa.
Hay đơn giản như khi xem những video về lịch sử trên mạng, với cách truyền tải đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn và cách dẫn chuyện mới mẻ cũng khiến em tôi cảm thấy hứng thú xem hết video này đến video khác. Thế mới thấy, không phải bản thân môn Sử nhàm chán hay học sinh không muốn tiếp thu, mà giáo viên cần có sự thay đổi trong cách giảng dạy, đưa môn học trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn.
Thật khó tưởng tượng được hệ lụy của việc giới trẻ "mù tịt" môn Sử. Một khi học sinh chủ động tìm hiểu, trau dồi kiến thức lịch sử thì việc môn học này bắt buộc hay tự chọn có lẽ không còn khiến nhiều người đau đáu nữa…
Độc giả Minh Tuệ
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.