Câu chuyện nước Mỹ (5): Tôi học cách bước ra ngoài giới hạn của bản thân!
(Dân trí) - Tôi luôn tin một cách sâu sắc rằng, trong mỗi cá nhân chứa đựng một tiềm năng đặc biệt. Quan trọng, là ta có dám làm những điều ta cho là không thể không. Trải nghiệm du học ở Anh và Mỹ giúp tôi có được một quan sát thú vị: Sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên Mỹ rất tự tin vào bản thân. Họ luôn dũng cảm bước qua ranh rới của sự an toàn. Các bạn luôn nói “Tớ nghĩ tớ có thể làm được”, “Tớ muốn thử sức mình xem sao”...
Đôi nét về tác giả bài viết
Tác giả Trương Thanh Mai từng là cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh ngành Chính sách công và Trợ giảng tại ĐH Arizona, Mỹ.
Trước khi du học Mỹ, Thanh Mai từng học Thạc Sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Anh (khoá học 2013-2014) theo suất học bổng Chevening của chính phủ Anh.
Bạn đã xem bộ phim "Sống chỉ một lần" (You won't get this life again) của điện ảnh Ấn Độ chưa? Nếu chưa, đừng ngại ngần dành một cuối tuần thưởng thức bộ phim này nhé. Tôi đảm bảo bạn sẽ học được nhiều bài học ý nghĩa về tình bạn, tình yêu, và cuộc sống từ “Sống chỉ một lần”.
Câu chuyện kể về Kabir, Arjun và Imraan, ba người bạn thân từ thủa thơ ấu. Khi Kabir chuẩn bị kết hôn, cả ba quyết định làm một chuyến du lịch đến Tây Ban Nha. Họ lái ô tô dọc đất nước Địa Trung hải xinh đẹp này và chơi ba môn thể thao mạo hiểm. Arjun sợ lặn. Imarann sợ nhảy dù. Nhưng thật tuyệt vời, họ đã dám vượt qua nỗi sợ của bản thân để hết mình chơi các môn thể thao mà họ chưa từng nghĩ họ có thể chinh phục được.
Tôi vẫn nhớ cảnh quay Arjun ngắm những đám mây chiều Tây Ban Nha, và đưa tay chao lượn như thể anh đang lặn dưới làn nước mát của đại dương xanh biếc. Anh chợt nhận ra anh yêu những khoảnh khắc lặn sâu dưới đại dương nơi những rặng san hô trêu đùa cùng đàn cá đủ màu sắc biết bao nhiêu.
Nếu anh mãi sợ hãi mà không dám tham gia môn thể thao ấy, có phải bây giờ anh vẫn nghĩ lặn thật chẳng có gì thú vị không. Khoảnh khắc ấy đã đạy tôi một bài học ý nghĩa: Chỉ khi bước qua miền an toàn, qua giới hạn của bản thân bạn mới biết khả năng, nội lực của mình đến đâu.
Chà, không phải ngẫu nhiên mà tuần này tôi muốn viết về chủ đề này đâu. Bạn biết không, tôi cũng vừa lấy hết dũng khí để bước qua giới hạn của mình đấy. Tôi quyết định chọn ngành học phụ (Minor) là Phương pháp Nghiên cứu (Research Methods).
Trường tôi yêu cầu sinh viên học thêm một Minor ngoài chuyên ngành chính. Ban đầu, tôi băn khoăn mãi giữa ngành Quan hệ quốc tế, Chính trị Mỹ hay một ngành gì khác, nhưng đến phút cuối tôi nhận ra tôi thích học Toán mặc dù trong tôi có đôi chút dè dặt. Có thể bạn đang thắc mắc: Chọn Phương pháp nghiên cứu thôi mà, có gì mà phải làm to chuyện đến thế?. Lý do là vì tôi chưa bao giờ nghĩ Toán là thế mạnh của mình. Nhưng tôi muốn vượt qua được nỗi sợ của mình, để xem mình có thể đi xa được đến đâu.
Trước khi chính thức đăng ký, tôi bẽn lẽn cắp cặp đến hỏi ý kiến thầy dạy tôi môn Toán kỳ này:
“Thầy, em rất thích lớp học của thầy. Thầy biến môn Statistics đầy khô khan trở nên sinh động và hấp dẫn. Thầy khiến em nhận ra môn Toán hay và em thích Toán hơn em nghĩ. Em muốn chọn ngành hẹp là Phương pháp Nghiên cứu, nhưng em cũng băn khoăn không biết chương trình thách thức đến đâu, và em có thể theo đến cùng được không? Em quen với các phương pháp định tính hơn”.
Ôi, bạn biết không, tôi đã phải suy nghĩ rất kỹ về câu chữ để làm sao những gì tôi nói ra thể hiện một tinh thần lạc quan, ham học hỏi, mà không tự ti.
“Vậy, tại đây, chúng tôi sẽ đưa em ra khỏi vùng an toàn của mình. Em phải mạnh dạn bước qua giới hạn của bản thân mới biết được tiềm năng của mình đến đâu”. Rồi thầy động viên “Em hoàn toàn có đủ năng lực. Vấn đề không phải là em có làm được không, mà là em có muốn làm không?”
Sau cuộc trò chuyện với thầy, tôi quyết định chọn ngành Phương pháp nghiên cứu là minor của mình. Đôi khi tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến kỳ thi vượt rào (Comprehensive Exam) hai năm nữa. Comprehensive Exam là kỳ thi dành cho mọi sinh viên PhD ở Mỹ. Kỳ thi sẽ kiểm tra kiến thức của bạn trong ngành học bạn chọn thông qua thi viết và thi nói.
Nếu tôi chọn ngành Phương pháp Nghiên cứu, có nghĩa là một phần trong hai tiếng thi nói, tôi sẽ bị “những bộ não siêu thông minh” của các thầy vặn vẹo về Phương pháp. Các bạn đi trước có kể với tôi là, trong buổi thi nói, các thầy sẽ đưa ra đề bài nghiên cứu và tôi phải trình bày phương pháp nghiên cứu tốt nhất để trả lời câu hỏi đó. Tôi cũng phải phân tích một cách phản biện phương pháp của một bài báo sẵn có, và đề xuất một phương pháp tốt hơn, sáng tạo hơn.
Mặc dù không hề dễ dàng chút nào, nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng hứng khởi. Tôi muốn thử xem sức mình có thể đi được đến đâu. Tôi không nên sợ toán hay số má nữa mà phải học cách chinh phục nó. Và tôi tin là tôi sẽ làm được, chỉ cần tôi cố gắng và tập trung! Mỗi lần cảm giác lo lắng xuất hiện, tôi lại nhớ đến lời thầy “Em phải bước qua vùng an toàn của mình, em mới hiểu được nội lực của mình đến đâu”.
Tôi luôn tin một cách sâu sắc rằng, trong mỗi cá nhân chứa đựng một tiềm năng đặc biệt. Quan trọng, là ta có dám làm những điều ta cho là không thể không. Trải nghiệm du học ở Anh và Mỹ giúp tôi có được một quan sát thú vị: Sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên Mỹ rất tự tin vào bản thân. Họ luôn dũng cảm bước qua ranh rới của sự an toàn. Các bạn luôn nói “Tớ nghĩ tớ có thể làm được”, “Tớ muốn thử sức mình xem sao”.
Mart, thằng bạn năm thứ ba của tôi- một người bạn rất tốt bụng, luôn gửi những ghi chú của nó về các bài đọc trong tuần trước buổi học cho tôi- đã trả lời tôi thế này khi tôi hỏi nó về kỳ thi Comprehensive Exam “Tớ tự tin là tớ sẽ làm tốt. Tớ chuẩn bị kỹ càng rồi”. Alexis, bạn cùng lớp với tôi cũng rất đáng yêu. Cách bạn đối diện với những khó khăn và thách thức đã dạy tôi nhiều bài học thú vị.
Một lần chúng tôi đi dạo quanh trường. Tôi hỏi Alexis “Cậu dùng phương pháp gì cho bài nghiên cứu cuối kỳ sắp tới”. Alexis trả lời một cách tự tin “Tớ sẽ chạy Regression. Tớ chưa làm bao giờ, nhưng tớ muốn thử xem sức mình đến đâu. Tớ tin là nếu cố gắng thì tớ sẽ làm được thôi”. Tuy chúng tôi đã ít nhiều học phương pháp này rồi, tôi không nghĩ tôi đủ tự tin để áp dụng cho bài nghiên cứu đầu tiên của mình!
Tôi cảm thấy rất ấn tượng về cách sinh viên Mỹ tự tin về bản thân mình. Sinh viên châu Á khác hẳn, dường như “khiêm tốn” hơn. Nhiều khi tôi nghĩ sự “khiêm tốn” của tôi có lẽ bị hiểu lầm là “thiếu tự tin” cũng nên. Tôi đang học cách luôn nói với chính mình “Mình sẽ làm được”, và sẵn sàng làm những thứ mà bản thân còn cảm thấy xa lạ.
Làm sao tìm được dũng khí để có những quyết định “mạo hiểm” hơn, và sẵn sàng bước ra vùng an toàn của bản thân. Đối với riêng bản thân tôi, tôi đang học cách bước qua ranh rới của sự an toàn bằng cách:
Hiểu rằng Hạnh phúc có thể đợi tôi ở phía bên kia của sự an toàn
“Sợ” là một cảm xúc rất đỗi bình thường, đó là bản năng nguyên thuỷ của loài người. Bản năng ấy giúp ta nhận ra những hiểm nguy rình rập xung quanh và tìm cách ứng phó để sinh tồn trong mọi hoàn cảnh. Nhưng bản năng ấy cũng khiến ta luôn nghĩ đến những kết quả tiêu cực khi ta phải đưa ra những quyết định dường như không “an toàn”.
Bạn cứ để ý mà xem, khi phải đưa ra những quyết định hơi “lạ”, hơi “liều” một chút, một giọng nói bi quan lẩn trốn đâu đó trong tâm ta trỗi dậy và thì thầm “Nếu mình bỏ việc này, biết đâu mình sẽ tìm được công việc còn tệ hơn”; “Nếu mình mở một trang blog, mọi người sẽ cười những gì mình viết thì sao”; “Nếu mình bỏ anh ấy/ cô ấy, liệu có gặp được ai tốt hơn nữa không”, vân và vân vân. Thật lạ, ta rất ít khi tự nhủ “Bỏ công việc này, mình sẽ tìm được công việc mới tốt hơn, khiến mình hạnh phúc hơn”, “Biết đâu mọi người sẽ đọc và phản biện những bài viết, suy nghĩ của mình nếu mình viết blog thì sao”.
Sự thật, hạnh phúc đôi khi đến từ những ngã rẽ không thân thuộc. Tôi cũng trăn trở nhiều lắm trước quyết định đi học PhD ở Mỹ. Tôi sợ liệu cuộc sống mới của mình có vui không? Liệu mình có đủ năng lực để theo đến cùng? Liệu có quá khó so với sức của mình không?
Mặc dù tôi mới đi một phần nhỏ của quãng đường thôi, nhưng hiện tại tôi có thể nói rằng, tôi không hối tiếc một chút nào về quyết định của mình. Chưa bao giờ tôi cảm thấy vui và hạnh phúc như hiện tại. Mặc dù tôi chỉ đang là một nghiên cứu sinh “quèn” thôi- có tháng tôi mua nhiều sách quá, mà phải dùng tiền tiết kiệm để ăn- nhưng tôi lại thấy rất hài lòng với những gì mình đang làm và đang có.
Nếu tôi không dám bước qua miền an toàn của bản thân một năm trước, giờ này có lẽ tôi đang lái chiếc xe zip lạc vào dòng người hối hả bận rộn trên đường phố Hà Nội, và trăn trở với câu hỏi “Chả nhẽ cuộc sống của mình mãi thế này sao?”.
Tin vào trực giác của chính mình
Trước đây, mỗi khi phải đối mặt với một quyết định có tính "mạo hiểm", tôi thường tìm một ai đó để xin lời khuyên. À, không chỉ một người đâu, tôi chẳng ngại ngần mà tìm đến nhiều người khác nhau. Nhưng kết quả thế nào? Mỗi người một ý. Tôi dần hiểu rằng, lời khuyên từ người khác chỉ mang tính chất tham khảo. Ta mới chính là người duy nhất quyết định, ta có nên đi theo con đường ít quen thuộc này không bởi chỉ có ta mới hiểu ta thật sự mong muốn gì. Chỉ có ta mới hiểu những ước vọng, khát khao và nội lực của bản thân. Ta phải hiểu rằng, người khác cho ta lời khuyên hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của bản thân họ.
Tôi vẫn nhớ, hồi tôi đang phân vân có nên đi học PhD không, tôi cũng chia sẻ với mấy người bạn đã có kinh nghiệm đi trước. Và đây là những lời khuyên mà tôi nhận được. "Đừng học, vất vả lắm, chả mấy chốc mà chán"- đó là lời khuyên từ một người bạn không tha thiết với nghiên cứu nhưng cứ đi học vì đơn giản muốn được sống ở nước ngoài. "Học đi, Mai sẽ thấy rất thú vị"- đó là lời khuyên từ một người có một quá trình học rất may mắn và thành công. Bạn thấy đấy, người ta cho bạn lời khuyên vì kinh nghiệm của họ mà thôi. Nhưng ta và họ có giống hệt nhau được không: họ có ham học như ta, có nhiều hoài bão tham vọng như ta, họ và ta có coi trọng những giá trị cuộc sống giống nhau hay không? Tính cách của ta và họ có tương đồng không?
Từ khi tôi nhận ra việc ấy, tôi quyết định hạn chế hỏi lời khuyên của nhiều người. Tôi tự lắng nghe bản thân mình xem đó có là điều tôi thực sự muốn làm hay không. Có bạn gửi cho tôi tin nhắn và hỏi tôi "Mình có nên đi du học không, vì bây giờ mình không còn trẻ nữa, có đáng để bỏ lại tất cả để đi học, rồi về vẫn chưa có gì?". Chà, nếu bạn hỏi tôi chắc chắn câu trả lời là có, bởi đối với tôi đó là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hợp với việc đi du học. Tôi đã từng gặp những bạn bị khủng hoảng vì không hợp văn hoá và cách giáo dục phương tây. Vì vậy, tôi tin rằng, không ai trả lời những câu hỏi ta đặt ra tốt hơn chính bản thân ta. Nếu trực giác nói với ta rằng “Đó là một điều nên làm”, thì ta cứ làm thôi mặc cho nỗi sợ đang bọc lấy ta.
Hiểu rằng cuộc sống rất ngắn ngủi
Tôi rất nhớ Hồ Tây, Hà Nội. Tôi nhớ những chiều gió lộng, cùng đứa bạn thân ngồi gần hồ chuyện trò tâm sự. Không hiểu sao những lúc ấy, tôi lại suy nghĩ "Cuộc sống này thật ngắn ngủi". Từ khi mới học cấp ba, tôi đã luôn sợ hãi rằng một ngày nào đó mình sẽ già đi mà mình đã không sống một cuộc đời có ý nghĩa. Có thể bạn không tin, nhưng nỗi sợ lớn nhất của tôi là sợ có một cuộc sống thiếu gia vị và nhàm chán.
Tôi tin rằng, cuộc sống thú vị không có một mẫu số chung nào. Đối với nhiều người, cuộc sống vui là một công việc ổn định, nhẹ nhàng. Với nhiều người khác, đó là được đặt chân đến những vùng đất mới, khám phá những điều ta chưa hề biết đến. Và với một ai đó, hạnh phúc là có một công việc nhiều thách thức lương cao, hay có một người chồng/người vợ thật tài giỏi thông minh. Chúng ta không ai có quyền phán xét cách sống và lựa chọn của người khác cả, không có đúng có sai chỉ có những sự khác biệt.
Đối với riêng tôi, cuộc sống thú vị là được làm điều mình yêu thích, được học những điều mới mỗi ngày, được đặt chân đến những vùng đất mới, và được thấy mình trưởng thành hơn hàng ngày. Và để làm được những điều khiến tôi vui, tôi hiểu rằng mình phải mạnh dạn bước ra ngoài giới hạn của mình, nếu không tôi sẽ mãi như chú chim tù túng trong một chiếc lồng chật hẹp, ngày ngày mơ tưởng đến thế giới bao la rộng lớn bên ngoài nhưng không dám bước ra. Ai đó đã hỏi tôi "Mình có nên làm việc này/việc kia không vì mình không còn trẻ nữa, liệu có đáng để đánh đổi". Tôi tôn trọng những trăn trở của bạn, chỉ là tôi đang cố hiểu logic của câu hỏi đó mà thôi.
Nếu ta nghĩ ta đã không còn trẻ để làm một điều gì đó nữa, liệu mỗi năm qua đi ta có trẻ lại không? Tại sao ta không làm luôn đi thay vì ngồi dằn vặt dày vò vì nếu ta sợ già thì thời gian qua đi ta chỉ có già đi thôi, chứ có bao giờ trẻ lại để thực hiện điều ấy được đâu. Tôi tin một cách sâu sắc rằng, nếu bạn muốn thay đổi, muốn bước vào một con đường không mấy quen thuộc, thà làm muộn còn hơn là không làm. Đó là quan điểm của tôi, và bạn hoàn toàn không cần...đồng ý với tôi!
Xin kết bài bằng một câu nói của Thomas Carlyle mà tôi rất tâm đắc "Hãy đi xa tới hết tầm mắt của mình; khi bạn tới đó, bạn sẽ nhìn được xa hơn nữa!".
Thanh Mai
(Từ ĐH Arizona, Mỹ)