Câu chuyện nước Mỹ (2): Hạnh phúc đến từ đâu?

(Dân trí) - Trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi còn lại một mình, tôi đưa mắt ngắm phòng làm việc của thầy- một căn phòng nhỏ được bao bọc bởi hai giá sách cao từ sàn đến trần nhà. Điều đó khiến tôi có cảm giác, chiếc bàn làm việc của thầy là một hòn đảo nhỏ nằm lẻ loi giữa hai quả núi lớn...

Đôi nét về tác giả bài viết

Tác giả Trương Thanh Mai từng là cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh ngành Chính sách công và Trợ giảng tại ĐH Arizona, Mỹ.

Trước khi du học Mỹ, Thanh Mai từng học Thạc Sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Anh (khoá học 2013-2014) theo suất học bổng Chevening của chính phủ Anh.


Tác giả Trương Thanh Mai tại trường ĐH Arizona (Mỹ)

Tác giả Trương Thanh Mai tại trường ĐH Arizona (Mỹ)

10 giờ 45 phút tôi đã có mặt trước cửa phòng thầy. Đặng gõ cửa, tôi bị hớp hồn bởi hàng chục bức vẽ biếm hoạ nhỏ bằng lòng bàn tay về người New York hiện đại và về các lãnh đạo trên thế giới cùng điểm nhấn chính sách của họ.

Hình vẽ Obama với hai cái tai to tướng và cái mặt dài ngoẵng vừa cười vừa ngậm tẩu thuốc có dòng chữ Obamacare khiến tôi suýt bật cười thành tiếng. Gì nữa đây? Khuôn mặt khả ái của Putin bị ghép vào bộ đồ của một vũ nữ ballet, kèm dòng chữ “Keep calm and blame Putin (hãy bình tĩnh và đổ hết tội cho Putin) mới hài hước làm sao.

Tôi chợt nhớ đến lời thằng Alejandro, người Mexico: “Mai này, làm trợ giảng cho thầy rất thú vị. Mai sẽ hiểu được một giáo sư tốt cần có những phẩm chất gì. Thầy rất yêu học sinh, cởi mở, và thực sự trân trọng sinh viên nước ngoài”. Tôi nghĩ Alejandro đã quên mất một điều, một người có thể trang trí cánh cửa lạ lùng đến thế này chắc chắn phải rất tinh tế và thú vị nữa. Suy nghĩ ấy khiến tôi mỉm cười, và mạnh dạn gõ cửa. Vừa thoáng thấy tôi, thầy đã hứng khởi nói:

- Mai đấy à, vào đây em. Em ngồi xuống đây. Em muốn uống nước, cafe hay trà?

- Em uống nước được rồi thầy ạ.

Vừa nói dứt lời, tôi đã thấy thầy- một người đàn ông phúc hậu, khoẻ mạnh và giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần âu tối màu- chạy vội ra khỏi cửa.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi còn lại một mình, tôi đưa mắt ngắm phòng làm việc của thầy- một căn phòng nhỏ được bao bọc bởi hai giá sách cao từ sàn đến trần nhà. Điều đó khiến tôi có cảm giác, chiếc bàn làm việc của thầy là một hòn đảo nhỏ nằm lẻ loi giữa hai quả núi lớn. Trên bàn, thầy bày nhiều đồ lưu niệm nhỏ xinh về nước Nga và Putin. Lần đầu nhìn thấy bức tượng Putin cởi trần cưỡi một con gấu đen, tôi đã bật cười thành tiếng.

Trước buổi hẹn, tôi đã kịp đọc qua thông tin về thầy trên trang web của trường. Thầy là chuyên gia duy nhất của trường về nước Nga, thầy nghiên cứu về “Russian Soul”- tâm hồn người Nga. Lẻ lỏi trong đám đồ về đất nước nằm ở hai châu lục Âu-Á ấy, về góc tay trái là bức tượng trắng nhà triết học Hy Lạp cổ đại, Plato. Phía trên giá sách là hai bằng khen của Hiệp hội Khoa học chính Trị Hoa Kỳ dành cho thầy vì đã có những đóng góp xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu.

Nhớ đến email đầy nhiệt huyết, và tràn đầy năng lượng của thầy về khoá học “The Politics of Happines” mà tôi sẽ làm trợ giảng trong kỳ học mùa thu này, tôi chợt hiểu, những bằng khen mà thầy nhận được là hoàn toàn xứng đáng.

Ấy thế nhưng, điều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi hơn cả là những tấm nam châm nhỏ có kèm các câu danh ngôn về cuộc sống, và hạnh phúc mà thầy dán trên cánh tủ đựng tài liệu. Bạn biết đấy, là một người yêu thích sưu tầm danh ngôn, tôi như một chú bướm nhỏ bị lạc vào một cánh rừng đầy hoa, tâm hồn chợt phấn chấn và hào hứng hẳn lên. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, có câu nào về hạnh phúc mà thầy không có đâu. Đức phật. Dalai Lama. Gandhi. Nelson Mandela. Enstein. Benjamin Franklin. Phải chăng tôi đang đứng trước một cuốn sách khổng lồ ghi lại các câu nói nổi tiếng của những nhân vật gây ảnh hưởng nhất lịch sử loài người?


Quang cảnh một tiết học tại trường Arizona.

Quang cảnh một tiết học tại trường Arizona.

Đang say mê đọc, tôi chợt nghe tiếng bước chân thầy về. Vừa kéo tâm trí mình khỏi thế giới của những câu danh ngôn, tôi đã thấy một chai nước suối nhỏ đặt trước mặt. Giọng nói nhanh nhưng nồng ấm của thầy vang lên:

- Nước của em đây. Tucson mùa này vẫn nóng, em uống nhiều nước vào.

Tôi cảm thấy ngại quá cơ. Cứ ngỡ thầy chỉ vào phòng rót nước, nào ngờ thầy chạy xuống tầng một để mua nước từ máy tự động cho tôi.

“Trong lúc thầy đi mua nước, em đã đọc các câu danh ngôn trong phòng thầy. Có nhiều câu em rất thích. Em cũng là người thích sưu tập các câu nói hay và ý nghĩa. Nhiều khi em cần những câu như thế để được truyền cảm hứng và lấy lại tinh thần mỗi khi bi quan”. Dòng nước suối mát lịm dường như xua tan cơn khát và truyền thêm cho tôi năng lượng để thảo luận với thầy về chủ đề này.

Và thế là thay vì bàn chuyện lớp học và những nhiệm vụ chính của tôi trong vài trò một trợ giảng, thầy và tôi trò chuyện về các câu danh ngôn, về ý nghĩa cuộc sống và về hạnh phúc. Thầy kể với tôi, mỗi câu danh ngôn là một kỉ niệm thầy mang về từ đất nước thầy đã có cơ hội đến thăm và làm việc.

“Thầy rất thích câu này của Gandhi, “Be the change you want to see in the world” (Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới). À, câu này thầy cũng rất tâm đắc, không biết em đã đọc ở đâu chưa “To the world you may be one person but to one person you maybe the world” (Đối với cả thế giới, bạn có thể chỉ là một người, nhưng đối với một người bạn có thể là cả thế giới)?

“Ôi, câu đó rất nổi tiếng ở Việt Nam thầy ơi, nhưng dường như, em thấy, hay được dùng trong các mối quan hệ lãng mạn. Còn em, em rất thích câu này ạ “Learn from everything” (Hãy học từ mọi thứ) và “It is harder to crack a prejudice than an atom”(Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử- Albert Einstein). Hai câu nói này khiến em nhớ lại những kỷ niệm khi còn là du học sinh ở Anh Quốc. Cơ hội được gặp gỡ và học tập cùng nhiều bạn bè trên khắp thế giới đã khiến em nhận ra những định kiến “xấu xí” em mang trong lòng bao năm trời”

Đang mê mải bàn về những câu danh ngôn, chợt thầy chạy vào căn phòng phía trong và lấy ra một tấm “Magnetic Wisdom” cỡ khổ giấy A4 được kết thành bởi các tấm nam châm nhỏ. Thầy đưa nó cho tôi và nói:

- Tặng em. Đây là bộ sưu tập các câu nói nổi tiếng của những người đạt giải Nobel, hi vọng em sẽ thích. Lâu lắm rồi, thầy mới gặp một sinh viên cũng thích sưu tầm các câu nói hay như thầy.

Bất ngờ quá, mất mấy giây tôi mới thốt lên nổi câu “Cảm ơn thầy”.

“Có lẽ trong các câu nói về hạnh phúc, thầy thích nhất câu này của tổng thống Benjamin Franklin. “Happiness depends more on the inward disposition of mind than on outward circumstances” (Hạnh phúc phụ thuộc vào tâm ta hơn là vào ngoại cảnh). Nếu đọc tiểu sử của Franklin, em sẽ thấy, ông ấy là một người có rất nhiều tâm sự. Cuộc đời của ông ấy không hề dễ dàng, ấy thế nhưng, đối với thầy, không ai nói về hạnh phúc hay như ông ấy.

Em biết không ở Mỹ, có câu nói “Life is hard, and you die” (tôi không nhớ chính xác câu này, nhưng ý nghĩa là như vậy). Thầy không phán xét thái độ đó của mọi người, đó là lựa chọn của mỗi người thôi. Nhưng đối với thầy, cuộc đời như một ngọn núi, và thầy muốn mình là một người leo núi vui vẻ và hạnh phúc. Leo núi có thể rất vất vả, nặng nhọc nhưng thầy muốn coi đó là một trải nghiệm nhiều thử thách, niềm vui và đáng nhớ”. Nói đến đây, thầy chợt dừng lại như đang suy ngẫm về một điều gì đó xa xôi...

“Thầy và vợ thầy rất khó khăn mới sinh được con gái”, thầy kể đến đây thì đưa tay chỉ vào tấm ảnh con gái thầy chụp tại Paris. “Từ đó, thầy tự hứa với mình rằng, điều thầy mong mỏi nhất trong cuộc đời là hạnh phúc”.

Tôi chìm đắm vào câu chuyện mà không nhận ra rằng hai tiếng đồng hồ đã trôi qua lúc nào không hay. Mãi đến cuối câu chuyện, tôi và thầy mới bàn về khoá học và những nhiệm vụ của tôi.

“Thầy có thể cho em biết vì sao thầy lại lấy tên môn học là “the Politics of Happiness” không ạ? Em đã đọc qua tài liệu của khoá học, và cảm thấy rất thú vị”, tôi nói với giọng nhiệt thành nhất.

“Đây là khoá học do chính thầy thiết kế, thầy thật lòng coi nó như đứa con tinh thần của mình. Đây là kỳ thứ chín thầy mở lớp này đấy. Hạnh phúc là đề tài muôn thuở. Nhưng em biết đấy, người ta chỉ hay nhìn hạnh phúc từ mặt tâm lý học, xã hội học hoặc triết học (thầy nói đến triết học thì chỉ tay vào bức tượng Plato trên bàn). Khoá học không dạy sinh viên làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc. Mục đích của khoá học là giúp sinh viên hiểu và tôn trọng hệ giá trị văn hoá, lịch sử, đạo đức, chính trị của các quốc gia khác trên thế giới. Mỗi quốc gia có một giá trị riêng tạo nên hạnh phúc cho người dân ở nước ấy.

Em biết không, có những người Mỹ từ chối suy nghĩ nhiều chiều. Nhiều người khi biết rằng người dân Nga yêu quý Putin, họ chỉ phê phán dân Nga ngu ngốc, kém hiểu biết mà họ không bao giờ chịu đặt câu hỏi TẠI SAO. Không phải ai ở đó cũng ngu dốt, họ biết họ muốn gì em ạ. Vì thế mười hai quốc gia thầy chọn cho khoá học, đều chứa đựng những hệ giá trị khác nước Mỹ.

Thầy chọn Thuỵ Điển, một nhà nước phúc lợi xã hội, mà người dân Mỹ không chấp nhận được. Thầy cũng chọn Pháp, nước cuối cùng trong hệ thống OECD cho phép phụ nữ tham gia bầu cử nhưng phụ nữ đã có những bước tiến quan trọng trong chính trị. Thầy chọn Bhutan, một quốc gia bé nhỏ nằm bên triền đông của dãy Himalaya, bị kẹp giữa bởi Trung Quốc và Ấn Độ nơi hiến pháp quy định bảo vệ rừng và môi trường. Rồi Hà Lan, Trung Quốc, Lebanon, vân vân. Mỗi quốc gia đều có giá trị sống, rất khác so với nước Mỹ.

Thầy mong rằng, khoá học sẽ giúp sinh viên nhận thức sự khác biệt, dần dần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, rồi từ đó phát triển lòng thấu cảm. Đồng cảm (sympathy) khác với thấu cảm em nhé. Đồng cảm là hiểu được cảm xúc và nỗi khổ của người khác. Còn thấu cảm (empathy) là luôn đặt vị trí của mình vào người khác để hiểu và đánh giá”.

Nhận thức. Chấp nhận. Tôn trọng. Thấu cảm. Đó là những giá trị sống của cá nhân thầy mà thầy sẽ không đánh đổi vì bất cứ điều gì khác.

Khi thời gian đã muộn, tôi xin phép thầy ra về. Trước khi tôi về, thầy đã nói với tôi:

- Em biết không khi nói chuyện với em- một sinh viên quốc tế, lần đầu đến Mỹ học tập- thầy luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của em để hiểu những khó khăn, và thách thức mà em sẽ gặp phải. Thầy biết con đường PhD sẽ có nhiều chông gai, nhưng em hãy coi đây như một hành trình leo núi: nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đầy thú vị. Hãy luôn hạnh phúc. Dù mới chỉ tiếp xúc với em, nhưng thầy có cảm nhận em là một người lạc quan, thầy tin em sẽ làm được.

Lời động viên của thầy thật sự rất ấm áp và chân thành. Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ về cuộc gặp gỡ này, và tự hứa với mình: chỉ cần tôi muốn hạnh phúc, tôi sẽ hạnh phúc!

“Happiness is not something ready made. It comes form your own actions” (Hạnh phúc không phải cái gì đó đã được tạo sẵn ra, mà nó đến từ chính hành động của chúng ta”- Dalai Lama

Đó là câu đầu tiên trong tấm “Magnetic Wisdom” mà thầy đã tặng tôi!

Trương Thanh Mai

(Từ ĐH Arizona, Mỹ)