Câu chuyện nước Mỹ (4): Muốn đến đích nhanh phải đi thật chậm!
(Dân trí) - Angela Duckworth, nhà tâm lý học, giáo sư tại ĐH Pennsylvania, đã chỉ ra rằng, thành công không đòi hỏi nơi ta một chỉ số IQ cao vời vợi, một chỉ số thông minh cảm xúc ấn tượng, một ngoại hình thật đẹp, và một sức khoẻ thể chất tuyệt vời. Theo cô, thành công cần ở ta một sự đam mê, kiên trì bền bỉ theo đuổi mục tiêu trong một thời gian dài. Tôi tin rằng, dù làm bất cứ việc gì, cứ đi từ từ rồi ta sẽ đến đích!
Đôi nét về tác giả bài viết
Tác giả Trương Thanh Mai từng là cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh ngành Chính sách công và Trợ giảng tại ĐH Arizona, Mỹ.
Trước khi du học Mỹ, Thanh Mai từng học Thạc Sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Anh (khoá học 2013-2014) theo suất học bổng Chevening của chính phủ Anh.
Hôm ấy, lớp tôi rủ nhau đi ăn trưa trong cantin. Đang trò chuyện rôm rả về bóng đá Mỹ, thì một bạn trong lớp bỗng chuyển chủ đề sang việc học. Bạn hỏi cả nhóm:
-Có bao giờ mọi người thấy hoài nghi khả năng làm nghiên cứu của chính mình không? Liệu đến một ngày nào đó, mình có thể smart và hiểu biết nhiều như các thầy được không?
Có lẽ sinh viên PhD năm đầu ai cũng có lần tự đặt cho mình câu hỏi ấy. Chúng tôi cùng nhìn nhau rồi cười. Thằng bạn Hàn Quốc bỗng lên tiếng:
-Mọi người có biết theo lối truyền thống, kimchi ở Hàn Quốc được làm thế nào không?
Chúng tôi đứa nào cũng thích ăn kimchi, nhưng có đứa nào biết nấu đâu, nên tất thảy đều lắc đầu và chờ câu trả lời từ nó. Tôi thầm nghĩ “đang nói chuyện học PhD, sao tự nhiên nó lại hỏi đến kim chi, chả liên quan gì cả. Lạ thật đấy”. Đang cười thầm trong bụng, thì nó tiếp tục câu chuyện về kimchi:
-Ở Hàn Quốc ngày xưa, vào mùa hè người ta giữ kimchi dưới giếng nước hoặc suối có luồng nước mát chảy qua để làm chậm quá trình lên men. Tới mùa đông, người Hàn Quốc xưa dùng một nồi sành được chôn dưới đất để giúp kimchi không bị đông lạnh và giữ được hương vị trong một thời gian dài. Sau một thời gian dài lặng lẽ, bình tĩnh sống dưới lòng đất, nồi kim chi mới trở nên thơm ngon như thế cho ta thưởng thức đấy.
Thế nên mọi thứ đều cần thời gian, chúng ta cứ bình tĩnh, thầm lặng “sống dưới lòng đất” 4-5 năm nữa đi. Đến một ngày, ta cũng sẽ trở nên thông minh như các thầy và đạt được những điều ta muốn. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn.
Khi nó nói chúng tôi hãy bình tĩnh “sống dưới lòng đất” là nó nói nghiêm túc đấy, không phải ví von đâu. Chúng tôi có một phòng riêng dành cho nghiên cứu sinh nằm gọn gàng ở góc trong cùng dưới tầng một.
Khác với các trường khác nơi mỗi sinh viên PhD có một phòng làm việc riêng, tất cả sinh viên PhD ở khoa tôi đều cùng làm việc trong căn phòng “dưới lòng đất” ấy. Ban đầu tôi cũng thấy bất tiện lắm bởi nhiều khi tôi cứ mải nói chuyện với mọi người mà không thể tập trung vào việc của mình được. Nhưng dần dần, căn phòng ấy đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Làm việc và trò chuyện với mọi người “nơi lòng đất” ấy khiến con đường nghiên cứu của tôi bớt căng thẳng hơn rất nhiều.
Thằng bạn Hàn Quốc ít tuổi hơn tôi, nhưng nó nói nhiều câu rất triết lý và uyên thâm. Có lần tôi đánh bạo hỏi nó “Sao thỉnh thoảng cậu nghĩ ra được mấy câu ví von triết lý, nhưng chuẩn xác thế”. Nó trả lời tôi “Thầy hướng dẫn ở Hàn Quốc đã khuyên tớ như thế trước khi sang Mỹ học đấy. Thầy nói nếu tớ muốn đến đích thật nhanh, tớ phải đi thật chậm và điềm tĩnh”.
Đôi khi tôi cũng hay mất bình tĩnh lắm. Hồi mới bắt đầu năm học, tôi nhận thấy cái gì mình cũng non nớt, từ phương pháp luận đến Cơ sở lý thuyết trong chuyên ngành mình chọn. Tôi cũng hay tự hỏi, liệu mình có năng lực để đi theo con đường này đến cùng không. Nhưng thời gian trôi qua, tôi nhận thấy bản thân mình ngày càng tiến bộ. Tôi khi đang viết bài blog này, so với tôi hai tháng trước khi mới bắt đầu PhD đã khác rất nhiều. Niềm vui của tôi mỗi ngày là được học thêm một điều mới, được thấy mình tiến bộ hơn, được thấy mình suy nghĩ thấu đáo hơn.
Một lần thằng bạn Hàn Quốc tâm sự với tôi “Mai này, càng ngày tớ càng thấy khác, tớ thấy mình viết tốt hơn, đọc nhanh hơn, và bắt đầu hiểu hơn về Cơ sở lý thuyết trong chuyên ngành của mình. Mỗi ngày qua đi, tớ thấy mình trở thành một người tốt hơn”.
Tôi cũng cảm nhận thấy điều đó nơi bản thân mình. PhD không phải một chuyến tên lửa, bay vèo cái đến đích. Đó là một quá trình dài đòi hỏi sự bền bỉ và kiên nhẫn. Tôi rất quý các bạn cùng lớp vì lúc nào các bạn cũng giữ một thái độ lạc quan. Câu cửa miệng của chúng tôi là: “We can do it- Chúng ta sẽ làm được”, “Mỗi ngày qua đi được học một điều mới là một ngày vui”.
Thầy tôi có lần nói với cả lớp “các em đừng lo nếu bây giờ các em không hiểu được các phương pháp tác giả dùng để thực hiện nghiên cứu này. Một tháng, hai tháng, hoặc một năm sau, hãy quay lại đọc bài báo ấy, có thể các em sẽ thốt lên “à, thì ra là thế”.
Tôi vẫn nhớ những bài báo tôi phải đọc hồi mới đi học, tôi luôn cảm thấy “bất lực” vì không hiểu được phần phương pháp luận của tác giả. Phương pháp luận là phần xương sống của một bài nghiên cứu bởi kết luận của bạn có đáng tin hay không là dựa vào phương pháp bạn chọn có khoa học hay không. Nhưng vì chưa hiểu phương pháp nên tôi cảm thấy rất khó để suy nghĩ một cách phản biện. Tôi thấy mình như một ông bác sỹ, bị bắt phải phán đoán bệnh của bệnh nhân mà chỉ được phép nhìn những biểu hiện bên ngoài chứ không được khám xét bên trong.
Ấy thế nhưng, thời gian qua đi, một ngày học một chút, tôi đã dần thấy phần phương pháp luận trong các bài báo trở nên “gần gũi” và dễ hiểu hơn. Thời gian là liều thuốc hiệu nghiệm thế đấy!
Càng ngẫm tôi càng nhận thấy, mọi sự trên đời từ việc nhỏ như học cách nuôi mèo, đọc một cuốn tiểu thuyết, tìm hiểu về tác giả bạn quan tâm, đến những việc lớn hơn như học tiếng Anh, xin học bổng, viết một cuốn sách, viết blog, hiểu người ta yêu thương, tất thảy đều đòi hỏi nơi ta thời gian, sự bền bỉ, kiên nhẫn trong một thời gian dài. Tôi tin một cách sâu sắc rằng, nếu ta muốn làm một việc gì đó, chỉ cần ta kiên nhẫn theo đuổi, ta sẽ làm được.
Angela Duckworth, nhà tâm lý học, giáo sư tại ĐH Pennsylvania, đã chỉ ra rằng, thành công không đòi hỏi nơi ta một chỉ số IQ cao vời vợi, một chỉ số thông minh cảm xúc ấn tượng, một ngoại hình thật đẹp, và một sức khoẻ thể chất tuyệt vời. Theo cô, thành công cần ở ta một sự đam mê, kiên trì bền bỉ theo đuổi mục tiêu trong một thời gian dài. Tôi tin rằng, dù làm bất cứ việc gì, cứ đi từ từ rồi ta sẽ đến đích!
Mấy tháng trước, có bạn gửi tin nhắn cho tôi và xin tôi lời khuyên để nâng cả kỹ năng tiếng Anh và xin học bổng. Bạn nói “Em đã học tiếng Anh bao năm nay rồi, mà không thể tiến bộ được. Em nghĩ em không có năng khiếu học ngoại ngữ”. Một bạn khác hỏi tôi làm sao tìm được thời gian viết bài luận xin học bổng vì bạn đi làm cả ngày không có thời gian. Tôi trả lời “nếu em phải đi làm, mỗi ngày em dành một chút buổi tối viết luận, mỗi ngày chút chút vậy thôi, sau một tuần, mười ngày hay hai tuần, em sẽ thấy kết quả hiện ra”.
Thế rồi, gần đây, tôi tình cờ trò chuyện với các bạn, bạn vẫn chưa dành được thời gian học tiếng Anh và viết luận để tìm học bổng. Thật lòng, tôi không tin vào những “nguỵ biện” như “không có năng khiếu” hay “quá bận không có thời gian”. Khả năng của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nếu ta bền bỉ và kiên nhẫn, ta có thể học được đến mức cao nhất trong phạm vi năng lực của bản thân.
Nếu bạn không có khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ, thì bạn cần nhiều thời gian hơn để học một ngoại ngữ so với những người có thiên hướng về lĩnh vực này. Có thể họ chỉ cần 3-4 tháng thôi, nhưng bạn sẽ cần 5 tháng, 6 tháng, hay vài năm. Có sao đâu! Không quan trọng 3 tháng, 2 tháng, 1 tuần hay mấy năm. Điều quan trọng là chỉ cần ta không từ bỏ thì ta sẽ làm được. Dĩ nhiên nếu bẩm sinh trong bạn không có thiên hướng về toán, thì dù bạn học bao nhiêu bạn cũng không thể trở thành nhà toán học đại tài được.
Nếu bạn nói bạn đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không thể làm được, có lẽ ta cần xem lại khái niệm “cố gắng hết sức”. Nếu bạn “cố gắng hết sức” như tình huống dưới đây, thì tôi e rằng, hoàn thành một mục tiêu nhỏ xíu thôi cũng đã khó rồi:
Từ hôm nay, ta sẽ quyết tâm nâng cao kỹ năng tiếng Anh, điều ta đã mong muốn từ lâu. Tối nay ăn cơm dọn dẹp nhà cửa xong, 7h30 ta ngồi vào bàn làm việc thì thấy facebook báo có tin nhắn mới. Ta tặc lưỡi “thôi, trả lời bạn cái nhỉ, mấy phút thôi, rồi học cũng không muộn mà”. Bạn nói chuyện vui quá, mãi ta không dứt ra được, thế là vèo cái đã ..9 giờ rồi. Thôi muộn rồi, học bây giờ cũng không được mấy, ta đi xem phim cái đã, mai làm việc cũng được.
Vậy là một buổi tối qua đi, ta vẫn dậm chân tại chỗ. Ngày mai, ngày kia, kịch bản lại lặp đi lặp lại. Nếu không phải vì chát với bạn thì ta cũng bận đi party, đi ngắm gió, đi hội này hội kia. Vèo cái, một tháng, hai tháng đã qua đi, mà ta vẫn cứ chẳng có gì mới!
Nếu “tình huống tưởng tưởng” tôi nêu ra ở trên có gì na ná với bạn, thì chắc chắn bạn chưa “cố gằng hết sức”. Tác giả Nguyễn Duy Cần, đã từng viết một câu mà tôi rất tâm đắc “Biết từ chối đó là một sức mạnh của tâm hồn”. Nếu những mong muốn của bạn đã hiện ra rõ ràng rồi, hãy học cách chống trả những dụ dỗ của cuộc sống xa hoa phù phiếm xung quanh. Để làm được điều này, đòi hỏi nơi ta một sự cản đảm và quyết tâm rất lớn.
Nếu bạn hỏi tôi làm sao để chống trả lại những dụ dỗ ấy, thật lòng tôi cũng không biết. Bản thân tôi cũng rất nhiều lần, vì lười, vì ngại, vì thích những thứ dễ dàng, mà không đạt được những kế hoạch mà tôi đề ra. Có lẽ lời khuyên mà tôi có thể nghĩ ra lúc này là hãy xác định được điều quan trọng nhất đối với bạn lúc này, và tập trung năng lượng vào điều ấy.
Nếu bạn không thể dành năng lượng, thời gian cho điều ấy, tôi tin rằng, đó không phải là điều quan trọng nhất đối với bạn lúc này. Và có lẽ từ trong sâu thẳm, đó không phải là điều bạn thật sự muốn! Tôi thật sự tin như thế!
Tôi xin kết bài bằng một câu nói mà tôi rất thích của Lỗ Tấn “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Thanh Mai
(Từ ĐH Arizona, Mỹ)