Cách học hiệu quả và tránh được stress
Ôn luyện có hiệu quả cao phải dựa trên năng lực tư duy là chính. Đừng ỷ lại vào trí nhớ, càng không nên lạm dụng trí nhớ máy móc - Ông Nguyễn Quang Dương, chuyên viên tư vấn tâm lý gợi ý.
Theo ông, cách học hợp lý là ôn luyện từ đầu, ôn từng chút, luyện từ từ nhưng liên tục trong suốt chặng đường "lên đỉnh Olympia"... nó sẽ thấm mạnh và hằn sâu vào ý thức rồi nhẹ nhàng trở thành tiềm thức của ta từ lúc nào không hay.
Sau những giờ học nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Phải biết cách ôn luyện hợp lý trong tình trạng "khẩn cấp, nước rút": Bổ túc ngay những kiến thức và kỹ năng cơ bản còn bị hẫng hoặc non yếu; phân loại khối lượng kiến thức trong mỗi bài, mỗi chương và mỗi phần, xác định chỗ trọng tâm, chỗ căn bản; đào sâu vào những điểm cơ yếu, tìm cách minh họa và triển khai các ý chính, luyện kỹ năng ứng dụng và thực hành...
Cần học tập có phương pháp
Năm nào ở trường chúng tôi cũng có một - hai HS phải xin nghỉ một học kỳ do bị áp lực quá lớn trong học tập, năm học tiếp theo mới dần ổn định được tâm lý. Áp lực quá lớn từ gia đình, nhà trường đối với các em HS là điều khó tránh khỏi. Lý do: đầu vào đại học quá hẹp, buộc các em phải phấn đấu ghê gớm, hơn sức học bình thường. Do đó, các em phải học tập có phương pháp, có thời khóa biểu rõ ràng, và quan trọng nhất là phải học đều trong cả năm học!
(Thầy Võ Anh Dũng, Hiệu phó chuyên môn Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM).
Theo Người lao động