Hội chứng “chập mạch” ở giảng đường

Cứ đêm đến là Minh, một sinh viên Đại học Y, mang chăn màn ra giặt. Về đến phòng thì toàn nói chuyện không đầu không cuối, bắt mọi người phải nói với mình. Đến năm thứ ba, Minh phải nghỉ học với chẩn đoán suy nhược thần kinh.

Quên đường đến lớp...

Học năm thứ 3 Đại học Y, Minh (quê Hà Tây) mong chờ ngày đêm để có thể biến ước mơ từ thuở nhỏ là làm bác sĩ thành hiện thực. Ngày Minh có tin trúng tuyển Đại học Y, cả làng đến chúc mừng với ánh mắt tự hào xen lẫn ngưỡng mộ, thèm khát. Vậy mà sau 3 năm, bố mẹ cậu đau đớn nhận giấy báo của nhà trường: Mời gia đình lên đón con về chữa bệnh vì Minh có triệu chứng thần kinh không ổn định, không thể tiếp tục theo học.

Bác sĩ chuẩn đoán Minh bị suy nhược thần kinh, không làm chủ được hành vi của mình. Bạn bè cùng phòng biết chuyện lâu rồi, ai cũng thương và cố gắng giúp đỡ cậu nhưng không được.

Gia đình Minh phải đưa con về nhà chữa trị, xin bảo lưu kết quả học một năm. Đến đầu năm học này, cha mẹ Minh lại lên xin nhà trường cho cậu bảo lưu thêm một năm nữa vì bệnh tình chưa thuyên giảm, mặc dù Minh vẫn một mực nói mình không sao, lúc nào cũng đòi lên lớp.

Trường hợp của Hưng, sinh viên khoa điện tử Đại học Mở, thì khác. Đang học năm thứ 2 thì mọi người phát hiện ra Hưng có bệnh về thần kinh. Không ồn ã, không hành động kỳ quặc như Minh, Hưng khá lặng lẽ, cứ đi về như một cái bóng, chẳng nói chuyện với ai. Mọi người cho rằng Hưng bị bệnh trầm cảm cho nên ai cũng cố gắng bắt chuyện với cậu, tạo môi trường cho cậu được giao tiếp.

Nhưng có nói chuyện, mọi người mới vỡ lẽ Hưng có vấn đề thực sự. Cậu có khi không nhớ nổi con đường từ trường về đến nhà mình, có hôm đi học đến nửa buổi mới tới nơi, mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển, vào lớp ngồi một chút lại đứng dậy đi về, thầy hỏi cũng không phản ứng gì, cứ thế ra cửa về. Thầy chỉ còn biết lắc đầu "khổ quá thôi". Ra đến cửa cậu ta ngoảnh lại nhìn thầy cười, rồi đi thẳng.

Sinh viên trường Y còn truyền tai nhau mãi về một "câu chuyện cười": Một sinh viên nữ trong giờ thực hành đã có một hành động bất thần, làm tất cả mọi người choáng váng. Cô xé toạc bộ quần áo đang mặc trên người mình. Chính cô sau này khẳng định là không biết tại sao mình làm như thế, chỉ có thể nói được rằng tại thần kinh phải làm việc quá sức cho phép.

Thầy Hoàng Thắng, Phó phòng đào tạo Đại học Bách khoa, cho biết, mỗi năm, trường có khoảng 10 sinh viên xin bảo lưu kết quả học tập vì mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, nghĩa là cứ khoảng 2.000 sinh viên bình thường thì có một sinh viên thần kinh không ổn định.

Trung, sinh viên Bách Khoa hồn nhiên: "Những trường hợp như vậy đầy rẫy. Muốn tìm những sinh viên 'dây đồng dây nhôm' thì cứ lên các lớp cử nhân tài năng mà hỏi. Khóa nào chẳng có vài đứa. Trượt vào đâu được".

Nguyên nhân?

Tiến sĩ Vũ Diễn, Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên, Đại học Y Hà Nội, một chuyên gia thần kinh, cho rằng: "Thông thường sinh viên hay nói với nhau rằng học nhiều quá nên thần kinh mới bị quá tải như vậy. Thực ra thì đấy cũng là một trong các nguyên nhân. Nhưng lật lại vấn đề ta sẽ thấy, tại sao cùng chương trình đào tạo ấy, bao nhiêu thế hệ đã học qua vẫn có rất nhiều người không làm sao cả, thậm chí còn có những người còn học rất nhiều chuyên ngành, đôi khi các chuyên ngành đó không hề liên quan gì đến nhau mà họ vẫn không bị làm sao, vẫn khỏe mạnh và nghiên cứu bình thường.

Trước khi bước vào năm học mới, các sinh viên đều phải trải qua các kỳ kiểm tra sức khỏe. Với quy cách kiểm tra sức khỏe như hiện nay thì thật khó phát hiện ra các hiện tượng lâm sàng của bệnh về thần kinh. Thông thường, các bệnh này chỉ được phát hiện sau một thời gian sinh viên đã học tập tại trường.

Việc phát hiện bệnh lý rất khó khăn còn vì những sinh viên này thường cố giấu bệnh hoặc không biết mình bị bệnh. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ thì họ sẽ không có biểu hiện gì nhiều để người ngoài có thể phát hiện. Phải nói chuyện, tiếp xúc thật nhiều mới thấy dấu hiệu không bình thường ở họ".

Theo con số thống kê không chính thức, số sinh viên tại các trường thuộc khối ngành khoa học tự nhiên có tỷ lệ mắc các chứng bệnh về thần kinh nhiều hơn so với các các khối ngành khác. Theo thầy Hoàng Thắng thì nguyên nhân của tình trạng này cũng xuất phát từ đặc thù của ngành học.

Các ngành học thuộc khối tự nhiên cần có bộ não thật khỏe mạnh, ổn định. Chính vì thế, trong quá trình học tập, sinh viên phải có sự tập trung cao độ, tư duy cả chiều sâu lẫn chiều rộng, có vậy mới bao quát được vấn đề. Khi sinh viên không đáp ứng được, lượng kiến thức thông thường sẽ trở thành quá tải, gây ra các áp lực không thể tránh khỏi về thần kinh.

Thầy Vũ Diễn, nhận định rằng, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này là áp lực từ phía gia đình các em. Đây là hậu quả để lại từ các năm trước. Cha mẹ không đánh giá đúng năng lực của các em, hoặc cố tình bỏ qua do mong muốn con mình phải làm được như con người ta mà không nghĩ rằng sức con mình chỉ có đến thế.

Các em cố gắng hết sức để thi vào trường đã là kỳ tích. Và khi phải gồng mình lên để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp cùng các bạn khác thì lúc ấy hậu quả là khó lường. Lúc đó, không chỉ có bản thân các em phải chịu khổ mà cả gia đình, nhà trường và xã hội cũng bị thiệt thòi.

Các sinh viên mắc chứng bệnh tổn thương về thần kinh đều được bảo lưu kết quả học tập, sau khi chữa khỏi bệnh vẫn có cơ hội đi học tiếp. Thời gian bảo lưu không quá nửa so với thời gian học. Nghĩa là nếu học trường Y học trong 6 năm thì sinh viên bảo lưu về vấn đề sức khỏe không được quyền nghỉ quá 3 năm. Đó là quy chế chung cho tất cả các trường.

Song thực tế, đa số các bạn mắc căn bệnh này thường không còn khả năng theo tiếp ngành nghề của mình. Cá biệt có những trường hợp có chứng nhận là khỏi bệnh, nhưng vào học thì nợ chương trình rất nhiều, học tới mấy năm mà không lấy được bằng.

Theo Hà Hương
Sinh Viên Việt Nam

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.