Các nhà sử học kiến nghị: Lịch sử phải là môn học bắt buộc

(Dân trí) - Chiều qua ngày 3/11, tại Bộ GD-ĐT nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam, nhiều giảng viên đại học, giáo viên dạy sử đã trực tiếp kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu để môn Lịch sử là môn học riêng biệt, bắt buộc.

Các kiến nghị trên được đưa ra tại hội thảo “Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT có đưa môn Lịch sử tích hợp trong các môn Đạo đức – Công dân, Quốc phòng – An ninh để trở thành môn Công dân với Tổ quốc. Chính vì điều này đã làm nhiều nhà sử học, giáo viên dạy sử không đồng tình và yêu cầu Bộ GD&ĐT cần nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục Lịch sử đối với thế hệ trẻ, quan tâm và chú trọng hơn nữa tới việc giáo dục truyền thống Lịch sử của cha ông trong nhà trường phổ thông.

Các nhà sử học kiến nghị: Lịch sử phải là môn học bắt buộc - 1

Phát biểu tại hội thảo, GS. Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tích hợp và biến môn học này không còn là môn riêng biệt. 

GS. Phan Huy Lê cho rằng, nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn thì bản chất là thủ tiêu môn học này. Nếu xóa bỏ môn Lịch sử trong hệ thống tri thức phổ thông là cực kỳ nguy hiểm. Công dân lớn lên mà không biết, hoặc biết mơ hồ về lịch sử Việt Nam thì ai sẽ chịu trách nhiệm hệ quả đào tạo này.

Còn ông Dương Trung Quốc nói rằng, Bộ GD&ĐT đặt vấn đề các môn tích hợp trong dự thảo chương trình mới chưa thuyết phục, cần phải xem lại.

Theo ông Dương Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới luôn coi Lịch sử là môn học cơ bản và cần thiết. Không chỉ vì kiến thức lịch sử ở nước họ quan trọng hơn so với nước khác mà ở kiến thức môn học này đã tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân như: ý thức xã hội, tinh thần tự tôn, niềm tự hào của người dân đối với quốc gia, dân tộc…

GS Phan Huy Lê khẳng định: “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tranh luận tới cùng để đưa môn học quan trọng này trở thành môn bắt buộc riêng biệt. Có thể, trong tháng 11 này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề trên”.

 


Lịch sử thành môn học tích hợp, sẽ càng thêm nhiều học sinh lơ là môn học này

Lịch sử thành môn học tích hợp, sẽ càng thêm nhiều học sinh lơ là môn học này

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thành viên ban soạn thảo Chương trình SGK mới giải thích: Môn Lịch sử không bị gạt ra khỏi chương trình giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học), nó vẫn còn và là nội dung bắt buộc, chỉ có điều chúng được tích hợp vào môn Khoa học xã hội. Môn học này gồm các phân môn Lịch sử, Địa lý là chính, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học. Đây cũng là hướng tích hợp mà nhiều nước có nền GD phát triển đã và đang thực hiện.

Đến THPT nội dung giáo dục Lịch sử vẫn được dạy bắt buộc ở môn Công dân với tổ quốc. Môn học này ngoài nội dung giáo dục Công dân, giáo dục Quốc phòng- an ninh, còn có nội dung giáo dục Lịch sử. Cùng với môn Công dân với tổ quốc, nội dung Lịch sử còn tiếp tục được dạy ở môn Khoa học xã hội là môn học tự chọn (TC2), tức là bắt buộc với tất cả học sinh định hướng nghề nghiệp về khoa học tự nhiên và công nghệ.

Đại diện Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới này cho rằng, trong thực tế xu hướng học sinh theo các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ là rất đông, cho nên chương trình giáo dục phổ thông mới chủ trương dù đi vào lĩnh vực khoa học tự nhiên thì những HS này cũng cần có những hiểu biết cơ bản về KHXH trong đó có những tri thức lịch sử.

Còn môn Lịch sử tự chọn dành riêng cho số học sinh có nguyện vọng và sở thích đi sâu vào các ngành khoa học xã hội, trong đó có ngành Sử.

Cho dù đây mới là bức tranh tổng quát về chương trình GDPT (chưa có chương trình cụ thể của các môn học) nhưng xã hội đã có thể nhìn thấy toàn cảnh về nội dung GDPT trong giai đoạn tới. Việc Bộ GD&ĐT tổ chức xin ý kiến rộng rãi là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Việc góp ý kiến của các tầng lớp xã hội là hết sức cần thiết, giúp cho Bộ GD&ĐT ngày càng hoàn chỉnh Chương trình GDPT mới tốt hơn. 

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)