Chấm chặt nên hàng trăm thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử là tất yếu

(Dân trí) - Trong những kỳ thi trước đây, ở các Sở GD-ĐT thường nới lỏng việc chấm thi trong kỳ thi tốt nghiệp, nhưng kỳ thi này là do Bộ GD-ĐT tổ chức, lại chặt chẽ hơn, nên nhiều học sinh trượt là tất yếu.

GS.TS Đỗ Thanh Bình – Nguyên trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định về điểm liệt môn Lịch sử Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Đề thi Lịch sử năm nay không khó, do thí sinh không chịu học nên mới bị điểm kém
Đề thi Lịch sử năm nay không khó, do thí sinh không chịu học nên mới bị điểm kém

Theo dữ liệu thống kê của Bộ GD-ĐT vừa công bố, số lượng điểm yếu môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi do các trường Đại học chủ trì là hơn 1200 thí sinh. Trong đó, có 258 thí sinh bị điểm “chết”.

Trước thực trạng trên, GS.TS Đỗ Thanh Bình – Nguyên trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đưa ra những nhận định cùng các giải pháp khắc phục.

Theo ông Bình, những học sinh chọn thi và bị điểm yếu trong môn Lịch Sử chủ yếu ở các tỉnh, tỷ lệ đông đảo là miền núi, vùng nông thôn; bởi những học sinh chọn môn Sử thường mang hy vọng là chép được bài, và những học sinh bị điểm 0 là có học lực cực kỳ yếu.

Không phải lý do chủ quan mà đánh giá giáo viên dạy môn Sử ở các vùng núi dạy kém hay học sinh nghĩ môn Sử không quan trọng, mà còn liên quan đến ngành học, nghề nghiệp, nên việc lựa chọn môn thi cũng bị thực dụng theo.

Trong những kỳ thi trước đây, ở các Sở thường nới lỏng việc chấm thi trong kỳ thi tốt nghiệp, nhưng kỳ thi này là do Bộ GD-ĐT tổ chức, lại chặt chẽ hơn, nên nhiều học sinh trượt là tất yếu.

Trong để thi sử, có những câu hỏi thật sự là dễ như câu 1 chẳng hạn, thế nhưng có những học sinh lại chẳng biết gì cả. Công bằng mà nói, khi bộ ra đề là đã đảm bảo mức độ kiến thức rất trung bình trong tất cả các môn, nghĩa là lực học rất trung bình cũng dễ dàng đạt được ngưỡng điểm tốt nghiệp.

Lý giải nguyên nhân vì sao các học sinh ở vùng núi thường hay bị điểm yếu điểm liệt trong các kỳ thi, GS, TS Đỗ Thanh Bình chia sẻ, số lượng thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử ở các vùng núi luôn nhiều hơn các Thành phố, vùng đồng bằng; không thể nói là do giáo viên giảng dạy chưa đạt, chủ yếu là do trình độ nhận thức của các em.

Bởi nhận thức và định hướng nghề nghiệp đã dẫn đến tình trạng thực dụng môn Sử ở các Thành phố và vùng đồng bằng.

Ngoài ra, những học sinh theo học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng không ngoại lệ, vừa học vừa làm hoặc có nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT mà không đầu tư cho các môn học.

Đặc biệt một vấn đề nổi cộm hiện nay là nhiều người trẻ hiện nay đã tiếp thu rất nhiều và rất rõ lịch sử nước ngoài, cụ thể là lịch sử Trung Quốc, nhưng lại rất mập mờ hoặc biết rất ít về lịch sử Việt Nam.

Theo nhà giáo Đỗ Thanh Bình, lịch sử Trung Quốc được xây dựng và hư cấu thành phim, truyện nên việc các thế hệ học trò hiểu biết sâu rộng về lịch sử nước ngoài, cụ thể là lịch sử Trung Quốc chủ yếu qua các kênh giải trí như phim ảnh, truyện tranh là điều hiển nhiên.

Nhiều khi cái tích chỉ có vậy nhưng người ta nhân cách hóa lên, chỉnh sửa đi, để người xem tưởng đó là lịch sử thật và vô tình để lại ấn tượng trong lòng người xem. Đó cũng là một cách mà “dân” mình biết đến lịch sử Trung Quốc nhiều hơn.

Ta phải chấp nhận một sự thật rằng, “dân ta” không phải cầm quyển sách giáo khoa lên để học và biết đến Sử, mà chủ yếu là xem qua những câu chuyện, những bộ phim, chương trình được phát sóng.

Trên thực tế, các kênh thông tin của Việt Nam nhắc đến đề tài Lịch sử lại rất ít, có thể thiếu cả tính hấp dẫn, lôi cuốn người xem, và còn chưa tính đến việc các học sinh học đối phó với môn Sử.

Nhà giáo Đỗ Thanh Bình cũng chia sẻ phương pháp đẩy lùi số lượng điểm yếu trong những kỳ thi tiếp theo bằng cách chung tay thực hiện đồng bộ các ngành chứ không riêng ngành giáo dục, phối hợp tuyên truyền lịch sử văn hóa nước nhà cho các thế hệ trẻ.

Các nhà trường tự thay đổi cách thức tổ chức thi để học sinh nhận thức được tầm quan trọng của môn Sử. Thậm chí là có sự chỉ đạo về môn Sử ở những nơi không được coi trọng.

Tích cực đưa thông tin lịch sử qua các kênh, như đề biển tên đường phố mang tên những nhân vật lịch sử kèm theo dòng chú thích các sự kiện chính về nhân vật đó, qua phim ảnh, nhân rộng các chương trình phát sóng,…

Chính vì điều này, hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã rất quan tâm và đã có báo cáo dự thảo xung quanh vấn đề Lịch sử kiến nghị lên Bộ GD trong Đại hội Giáo dục sắp diễn ra.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)