Bồi dưỡng giáo viên Chương trình phổ thông mới: Học cả trên Zalo, Facebook
(Dân trí) - Một trong những yếu tố để chương trình phổ thông mới thành công là năng lực giáo viên. Từ vài trăm giáo viên cốt cán được đào tạo, đến nay con số này lên đến hàng nghìn trên cả nước.
Còn nhiều bỡ ngỡ
Giờ học hiện tại của học sinh lớp 1A, Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) khác với trước đây. Thay vì đọc chép như trước, học sinh được mời lên bảng, đóng vai mẹ - con để tự trải nghiệm.
Một giáo viên cho biết, từ khi tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ngoài chương trình, SGK, cách dạy của thầy cô cũng được đào tạo và thay đổi nhiều so với chương trình cũ.
Từ "cầm tay chỉ việc" hoặc đọc chép, thầy cô trở thành người hướng dẫn để học sinh tiếp cận bài học bằng nhiều cách khác nhau.
Được biết, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên được chuẩn bị khá kỹ càng. Đầu tiên ưu tiên giáo viên lớp 1, đây là những giáo viên có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn tốt.
Trong đó, giáo viên (GV) cốt cán là giáo viên giỏi hoặc tổ trưởng tổ môn, được bồi dưỡng qua mạng và được tập huấn trực tiếp bởi giảng viên các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT), sau đó họ hỗ trợ giáo viên khác tự bồi dưỡng qua mạng tại nhà trường, trong công việc…
Cô Phạm Thị Ngọc, giáo viên tiểu học ở Quảng Ninh cho hay, lần đầu tiên tham gia học tập trên mạng thấy nhiều bỡ ngỡ. Song, được bồi dưỡng trực tuyến nên chủ động sắp xếp thời gian hợp lý, có thể học mọi lúc, mọi nơi
"Nhờ tài liệu rõ ràng, các video minh họa rõ nét, hợp lý, được giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt thường xuyên hỗ trợ, được trao đổi với đồng nghiệp khác ở trường bạn, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về Chương trình phổ thông mới, phương pháp dạy học giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chúng tôi đã áp dụng kiến thức có được vào giảng dạy thì thấy học sinh tích cực và chủ động hơn, các em không còn e dè mà tự tin, sẵn sàng chia sẻ hơn", cô Ngọc nói.
Đồng tình với quan điểm này, cô Lê Thị Thúy, giáo viên cốt cán môn Ngữ Văn, Trường THCS TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho hay, lần đầu tiên được tiếp cận mô hình bồi dưỡng mới, từ trực tiếp, đến trực tuyến sau đó hỗ trợ giáo viên và đồng nghiệp.
Mặc dù còn bỡ ngỡ khi tiếp cận công nghệ thông tin nhưng chúng tôi thấy khá thú vị, được chỉ bảo tận tình nên giáo viên dần quen.
Ngoài khó khăn khi tiếp cận công nghệ thông tin, giáo viên cốt cán phải làm việc ngoài giờ quá nhiều lần với đội ngũ giáo viên đại trà thông qua điện thoại. Có giáo viên đại trà lo lắng, gửi 2-3 lần bài để chấm khiến giáo viên cốt cán khá vất vả.
Cô Lê Thị Bính, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Hoàng Đại, TP Thanh Hóa cho rằng, mô hình bồi dưỡng mới hình thức trực tuyến thu hút đông đảo giáo viên tham gia. Các tài liệu cũng có đầy đủ trên hệ thống LMS.
"Lúc đầu, chúng tôi còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sau khi tập huấn, các giáo viên có nhóm Zalo giáo viên cốt cán, kết nối với giáo viên đại trà theo môn học để chia sẻ tài liệu học tập", cô Bính nói.
Học qua Zalo, Facebook
Theo Bộ GD&ĐT, với mô hình bồi dưỡng mới, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, GV cốt cán được bồi dưỡng với công thức 5 - 3 - 7, (5 ngày nghiên cứu tài liệu trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS), sau đó bồi dưỡng 3 ngày trực tiếp bởi giảng viên sư phạm và 7 ngày tự hoàn thành các bài tập trên hệ thống LMS.
Đội ngũ cốt cán này sẽ đồng hành, hỗ trợ các đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng qua mạng tại trường, phát triển các cộng đồng học tập không ngừng. Các học liệu luôn có sẵn trong trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến.
Cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trường THCS Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên chia sẻ, bản thân được đi tập huấn nhiều lần. Những lần trước đây, tập huấn trực tiếp nên mất nhiều thời gian. Giờ học qua mạng là chính nên chủ động hơn nhiều.
"Chúng ta đang dạy theo phương pháp mới, nhằm nâng cao năng lực tự học của học sinh. Vì vậy, trước hết thầy cô cần nâng cao năng lực tự học của mình, học hàng ngày để phát triển nghề nghiệp.
Chúng tôi học 5 ngày nhưng không chỉ 5 ngày. Vẫn còn những vấn đề tôi chưa hiểu hoặc khi giảng dạy có khúc mắc, chúng tôi thường xuyên trao đổi trên các nhóm Zalo, Facebook hoặc tìm tài liệu để xem lại".
Cũng với quan điểm trên, cô Phạm Thị Ngọc cho rằng, sau khi được tập huấn, việc học tập vẫn chưa ngừng lại.
Bằng chứng là giảng viên các Trường ĐH Sư phạm, giáo viên cốt cán và giáo viên ở địa phương thường xuyên trao đổi qua các nhóm thông tin trên mạng như Zalo, Facebook. Ở trường, các giáo viên cũng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho nhau hàng tuần, thậm chí hàng ngày.
TS Trần Văn Hưng - Giảng viên chính, giảng viên sư phạm chủ chốt, Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng cho biết, từ hoạt động bồi dưỡng và hỗ trợ bồi dưỡng đã tạo ra các cộng đồng học tập trong cả nước như cộng đồng giáo viên phổ thông với giảng viên trường đại học sư phạm; giáo viên cốt cán với giáo viên phổ thông; giảng viên và giáo viên theo môn học... đây là điều mà các chương trình bồi dưỡng thường xuyên trước đây không có được.
Giáo viên đã tạo ra các hội nhóm để chia sẻ được những kinh nghiệm dạy học, chia sẻ quá trình thiết kế bài dạy cũng như cách tổ chức dạy học trên lớp và có những hiệu quả không ngờ.
Theo Ban quản lý Chương trình ETEP (Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), tính đến ngày 11/3/2021, đã hoàn thành bồi dưỡng 3 modul (1, 2, 3) giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán với số lượng vượt chỉ tiêu.
Đã có hơn 20.000 giáo viên cốt cán hoàn thành báo cáo kết quả hỗ trợ đồng nghiệp tại trường đã được thủ trưởng đơn vị phê duyệt.
Trên 90% giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 2 mô đun bồi dưỡng hài lòng với các hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên…