Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ đang rà soát và xem lại Thông tư 30

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành nhiều tâm huyết để nói về Thông tư 30. Bộ trưởng cho rằng: “Chủ trương là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương thức áp dụng vẫn cần phải rà soát và xem lại”.

Báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm, cô Lâm Hồng Lãm Thúy - hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Kiêm cho biết trường đã có 2 năm thực hiện Thông tư 30 (TT30) theo quy định của Bộ GD-ĐT, bên cạnh những ưu điểm cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể là do số lượng học sinh đông, một giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, nên việc ghi nhận xét vào vở cho học sinh khiến giáo viên rất khó ghi hết nhận xét, sát sao đến từng quyển vở.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan vườn rau trên sân thượng của thầy trò trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan vườn rau trên sân thượng của thầy trò trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sau khi tham quan và lắng nghe chia sẻ của nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục là một quá trình lâu dài, nó cần một hướng đi đúng, định hướng đúng, một sự cố gắng bền bỉ và lâu dài. “Chúng ta đang đi đúng hướng, chỉ cần kiên định chúng ta sẽ đến đích thành công. Đổi mới giáo dục, phương thức đào tạo, đánh giá là nhiệm vụ tiên quyết. Chúng ta cần phải đổi mới từ tư duy cho đến hành động. Bởi hai thành tố ấy là nền tảng quan trọng trong việc hướng đến đổi mới toàn diện nền giáo dục”, ông Nhạ cho biết.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang rà soát để xây dựng một chuẩn GV do đó bậc Tiểu học chắc chắn cũng cần có một chuẩn mới. Vì vậy, giáo viên cần phải được bồi dưỡng nghiệp vụ, phát huy sức mạnh năng lực tiếng Anh và CNTT để từ đó có điều kiện tiếp cận với các nền giáo dục mới, hình thức học mới.


Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên

Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên

Nhà trường cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ giáo viên trong việc học tập, nâng cao nghiệp vụ. Đặc biệt là công tác nâng cao kiến thức và khoa học giáo dục, tránh tình trạng mô đun hóa tiết dạy. Việc đổi mới phương pháp tổ chức giảng dạy đóng vai trò hết sức quan trọng. Để tránh hình thức, nhà trường cần phải linh hoạt và sáng tạo.

Nói thêm về TT30, Bộ trưởng phát biểu: “Nội dung TT30 rất tốt. Đây là phương thức nhiều nước thực hiện, tiên tiến, nhân văn và không gây ra áp lực so sánh. Nhưng khi thực hiện, bên cạnh cái được, các thầy cô cũng phải thực tế, điểm gì tốt phải trân trọng”

“Chủ trương là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương thức áp dụng vẫn cần phải rà soát và xem lại. Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên. Điều chúng ta cần phải xác định với nhau chính là tránh duy ý chí trong thực hiện, phương thức triển khai, tư duy và phương thức đánh giá”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, quá trình đào tạo, đánh gía học sinh Tiểu học gắn rất chặt chẽ với phụ huynh, gia đình. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành, nhà trường là phải làm sao để phụ huynh hiểu mà cùng tham gia. Do đó, các trường học cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các buổi tập huấn cho giáo viên, để họ có phương thức đánh giá học sinh theo TT30 thật tốt.

Lê Phương