Thông tư 30: Vì sao giáo viên phản ứng?
(Dân trí) - “Trung bình một giáo viên dành gần 94 phút/ngày chỉ để ghi nhận xét vào sổ. Họ phải làm việc mọi lúc mọi nơi, kể cả giờ nghỉ giải lao trên lớp. Thậm chí có giáo viên dạy mĩ thuật phải dạy 31 lớp, có 62 cuốn sổ ghi chất lượng giáo dục với 1.240 nhận xét”... trên đây là một trong những con số được các nhà khoa học (Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) công bố qua khảo sát ở 5 tỉnh thành.
Không giảm sĩ số, không thể áp dụng thông tư
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam tại 5 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình, Đà Nẵng cho thấy, 95,2% giáo viên được hỏi đều khẳng định họ vô cùng vất vả khi thực hiện thông tư 30, phần lớn thời gian họ dành cho ghi nhận xét học sinh. Điều này được các hiệu trưởng, cán bộ quản lý phòng và sở giáo dục thừa nhận. Trung bình một giáo viên phải dành gần 94 phút/ ngày chỉ để ghi nhận xét vào sổ. Họ phải làm việc mọi lúc mọi nơi, kể cả giờ nghỉ giải lao trên lớp lẫn ở nhà.
Đặc biệt, giáo viên các môn chuyên như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... có người dạy 31 lớp, phải gánh 62 cuốn sổ ghi theo dõi chất lượng cùng lúc cho khoảng 1.240 học sinh (tính trung bình 40 em/lớp). Ở một trường tiểu học tại thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên dạy mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét gần 800 học sinh. Khảo sát khẳng định đó là tình trạng chung ở mọi trường tiểu học.
Cũng theo cuộc khảo sát, có tới 582 trong số 630 giáo viên cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 93,47 phút.
Do số lượng học sinh quá nhiều, giáo viên không có điều kiện theo dõi từng học sinh. Nhiều người chỉ có thời gian ghi lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như "em học tốt", "em cần cố gắng hơn"... mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào để các em nỗ lực.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, để Thông tư 30 thật sự hiệu quả, cần giảm số lượng học sinh trong lớp. Tiếp tục hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về cách đánh giá học sinh để tạo được sự đồng thuận cao hơn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Việt Hùng (Liên Hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam) cũng cho rằng, mỗi lớp trung bình 50, 60 học sinh như hiện nay, giáo viên áp dụng thông tư 30 rất khổ. Vì thế, họ mới phản ứng. Do đó phải giảm sĩ số nếu không, không thể áp dụng thông tư này.
Giáo viên còn ngại đổi mới?
Trao đổi ý kiến tại Diễn đàn khoa học Đánh giá 1 năm thực hiện Thông tư 30/2014-BGDĐT về đánh giá học sinh thông qua nhận xét, bà Nguyễn Thị Bích Huệ (Phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD&ĐT Hải Dương) cho biết, nếu trước hàng trăm giáo viên mà hỏi “có muốn trở về thông tư cũ để đánh giá học sinh thông qua chấm điểm hay không”? chắc chắn ai cũng muốn.
Sở GD&ĐT Hải Dương cũng đã tiến hành thăm dò ý kiến của giáo viên cơ sở, quả thật giáo viên cực kì quá tải với nhận xét học sinh, nhất là giáo viên chuyên như: Mỹ thuật, nhạc họa... Điều đáng nói, giáo viên phải nhận thức được thông tư 30 là hợp xu thế đổi mới trong giáo dục. Tuy nhiên, cần thay đổi bằng cách đánh giá cả định lượng và định tính (cả cho điểm và nhận xét). Việc đổ dồn cả năm học chỉ căn cứ vào điểm số cuối học kỳ như hiện nay, chưa được hợp lý.
Ông Nguyễn Đắc Hưng cũng nhận định, nhìn chung giáo viên ngại đổi mới, không muốn thay đổi và thích cho điểm. Thực tế tại một số tỉnh, huyện, xã và các trường, những giáo viên được tập huấn về Thông tư 30 bài bản thì không có băn khoăn, trăn trở điều gì và đều thực hiện tốt.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Công Khanh – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, mọi đổi mới đều tạo ra phản ứng trái chiều. Nó giống như việc đưa ra một món ăn mới lạ và cần có cơ sở để người dùng tin tưởng sử dụng.
“Xếp loại bằng cách cho điểm rất nhanh nhưng chưa giúp học sinh tiểu học hiểu về bản thân còn thiếu gì, cần khắc phục như thế nào, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của các em. Nếu đánh giá bằng nhận xét sẽ thúc đẩy tốt hơn cho việc học.
Hiện giáo viên kêu vất vả, vậy phải đặt câu hỏi tại sao thực hiện khó khăn? Làm sao cho giáo viên đỡ vất vả chứ không phải là phủ nhận Thông tư 30”, ông Khanh nói.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng cho rằng, Thông tư 30 còn nhiều hạn chế. Vấn đề vướng mắc là giáo viên chưa được đào tạo, chuẩn bị đầy đủ để thực hiện cách đánh giá bằng nhận xét thay vì chấm điểm như trước đây.
Xung quanh những hạn chế, bất ổn khi thực hiện Thông tư 30, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, đúng là có rất nhiều khó khăn trong việc triển khai cái mới. Nhưng thấy khó mà không làm thì không bao giờ đổi mới được, mà phải bắt tay vào làm mới dần dần tháo gỡ được khó khăn.
“Khó khăn nhất đang nằm trong nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên” - ông Hiển nhấn mạnh. Có rất nhiều vấn đề khi triển khai đại trà như việc nhầm lẫn dẫn đến chỉ đạo sai tinh thần thông tư, cán bộ quản lý máy móc trong thực hiện khiến giáo viên bị quá tải... Tất cả bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh” - ông Hiển nói.
Thông tư 30/2014- BGDĐT được ban hành tháng 8/2014 và được triển khai rộng rãi ở tất cả các trường tiểu học trên quy mô toàn quốc vào tháng 10 năm 2014. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau gần 2 năm thực hiện thông tư “cơ bản đã được xã hội chấp nhận”.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)