Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ trả lời chất vấn về “Khen thưởng học sinh tiểu học”
(Dân trí) - Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong các ngày 11, 12 và 13/6, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng cùng 4 Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận sẽ trả lời nhiều vấn đề ”nóng” của giáo dục, trong đó có phần đánh giá học sinh tiểu học năm 2015.
Cụ thể, trong phiên chất vấn tới, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận là người trả lời, làm rõ các nội dung như biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải làm rõ việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Trong thời gian qua, vấn đề “nóng” nhất của giáo dục mà mọi người quan tâm và có nhiều ý kiến là cách đánh giá học sinh tiểu học sau 1 năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp mới trong nhận xét, đánh giá học sinh, tưởng rằng sẽ khiến các thầy cô, các bậc cha mẹ và các em thở phào vì các con không còn phải ganh đua điểm số. Nhưng kết quả cuối năm học này đã khiến nhiều thầy cô, phụ huynh và cả các em còn nhiều băn khoăn, trăn trở, thậm chí có bậc phụ huynh rất bức xúc.
Theo Thông tư 30, Hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình. Căn cứ vào tỷ lệ này, tập thể lớp sẽ bình chọn với 3 tiêu chí: Về học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện. Số còn lại, ở một số trường, sẽ xem xét, học sinh nào tích cực về mặt học tập, có thể có 4-5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập, còn em nào có ý thức tốt thì tuyên dương về năng lực phẩm chất.
Với cách đánh giá mới này, nhiều giáo viên tiểu học cho biết họ có nhiều bức bối, phải cân nhắc nhiều yếu tố. Đơn cử như việc, đáng lẽ số lượng các cháu được khen thưởng trong tiêu chí xuất sắc phải cao hơn nhưng chỉ tiêu lại khống chế ở một mức nên phải lựa chọn, gây căng thẳng cho giáo viên.
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh cũng khá “lạ lẫm” trước những giấy khen ghi những lời nhận xét như: Đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; hoàn thành tốt nhiệm vụ của học sinh; học sinh tiêu biểu; ứng xử thân thiện, biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè...
Sau một buổi họp tổng kết năm học ở một trường tại quận trung tâm của TP Hà Nội, một phụ huynh bày tỏ: Tôi cầm kết quả học tập của con với một dấu hỏi rất to về Thông tư 30, một thông tư được Bộ Giáo dục đánh giá là "giàu tính nhân văn" vì với kết quả 10 toàn diện các môn và duy nhất điểm 9 Tiếng Việt, tham gia nhiệt tình và đầy đủ tất cả những hoạt động tập thể của lớp, nhưng kết quả cháu không được khen một mặt nào.
Được biết, khi bỏ chấm điểm, không xếp loại học sinh Giỏi, Khá mà đánh giá trên nhiều mặt thì có những trường… toàn bộ học sinh được giấy khen. Một chuyên gia giáo dục đã thốt lên: "Phải nói giấy khen dùng để phát chứ không còn đúng nghĩa từ trao tặng".
Hồng Hạnh