Con nhận giấy khen: Người so đo, kẻ dè chừng
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh nhất quyết “đòi quyền lợi” khi cho rằng thành tích của con chưa được “chấm” xứng đáng. Trái ngược, cũng rất nhiều phụ huynh “dè chừng” với tờ giấy khen của trẻ.
Con tôi sao không toàn diện?
Nhiều giáo viên (GV) chia sẻ, năm học này, sau khi khen thưởng HS, rất nhiều phụ huynh gọi điện thắc mắc về giấy khen của con. Có phụ huynh muốn được giải thích rõ hơn nhưng cũng có phụ huynh đòi… con mình phải đạt thành tích cao hơn.
Một GV tiểu học ở quận 3, TPHCM kể, có cô học trò của mình được giấy khen vì tiến bộ rõ rệt ở môn tiếng Anh. Phụ huynh không chịu, gọi đến phản ánh nói con mình phải được khen ở... tất cả các môn. Mặc GV giải thích, phụ huynh trách nhà trường thiên vị, không công bằng.
Có bà mẹ khác cũng tức tối khi thấy một vài em khác được khen thưởng “đạt kết quả toàn diện”, còn con mình được đánh giá “hoàn thành tốt chương trình”. Người mẹ khăng khăng, con mình đạt điểm thi học kỳ các môn đều 9 và 10 thì phải đạt toàn diện, xuất sắc.
“Việc khen thưởng theo cách mới đang gây nhiều khó hiểu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều phụ huynh một mặt nói giấy khen bây giờ không có giá trị nhưng chỉ cần không bằng bạn bè, dù không có cơ sở để so sánh, họ vẫn làm ầm ĩ lên. Nhiều người muốn hỏi cho rằng ra con mình có phải hạng nhất, hạng nhì không trong khi trường đã không còn xếp hạng HS”, cô tâm sự.
Năm học này, bậc tiểu học không còn xếp hạng Giỏi, Khá đối với HS nhưng có trường hợp, con được giấy khen đánh giá không xếp loại, phụ huynh lên trường đòi được xác nhận là Giỏi. Con phải xếp hạng cao, phải nhất để có thể tự mãn với bản thân, để khoe với mọi người là mối bận tâm của nhiều ông bố bà mẹ cho dù trong suốt năm học, có người chẳng mấy quan tâm đến quá trình học tập, rèn luyện của con như thế nào.
Phụ huynh “tỉnh” trước giấy khen
Trái ngược với nhiều phụ huynh “sốt sắng” trước tờ giấy khen, so đo từng chữ với bạn cùng lớp của con thì cũng có những ông bố bà mẹ thản nhiên, thậm chí tỏ thái độ “dè chừng”.
Con được khen với hai từ “xuất sắc” nhưng chị Trần Thu Hà, ở Bình Thạnh, TPHCM vẫn hết sức bình thản, không chê cũng cũng không khoe con thái quá. Theo sát việc học của con, chị biết rõ khả năng của con mình, mạnh yếu ở đâu, tờ giấy khen với đánh giá của nhà trường chưa nói lên được điều gì.
“Tôi treo trước bàn học của con rất trân trọng nhưng cũng nói với con rằng, đó là sự khích lệ để mình cố gắng chứ không phải khẳng định là con đã rất giỏi. Kể cả con không được giấy khen tôi cũng thấy không vấn đề gì”, chị Hà nói.
Anh Hoàng Thành, có con học tiểu học ở Sài Đồng (Hà Nội) bày tỏ, con anh được nhận giấy khen với đánh giá “Hoàn thành nội dung các môn học” là đủ với gia đình anh cho dù anh cũng hơi ngỡ ngàng khi cháu đạt đến điểm 9,5 và 10 vào cuối năm.
Anh Thành nói: “Tôi không bận tâm đến điểm số chỉ thấy nhà trường đánh giá như vậy là phù hợp với khả năng của cháu. Hoàn thành được chương trình lớp 1 đã là một nỗ lực rất lớn của cháu. Ngày đầu đến trường, con tôi bị căng thẳng, không thích nghi được, khó vào khuôn khổ vì cháu nghịch ngợm và hiếu động quá mức”.
Vợ chồng anh cũng không kỳ vọng con phải đạt cao hơn, phải bằng bạn bè mà chỉ mong cháu tiến bộ so với chính mình, thích đi học là ổn.
Không chỉ ở mức “tỉnh”, do quá “đề phòng”, không hiếm phụ huynh phản ứng thái quá với thành tích cuối năm của con. Có nhiều đứa trẻ vừa khoe giấy khen liền bị bố mẹ chê "tơi tả", bảo giờ đứa nào chả được khen, đừng nghĩ vậy mà giỏi rồi nhân tiện chê con đủ thứ để mong con không “ảo tưởng” vào những lời khen ngợi. Đứa trẻ có thể hụt hẫng và hoang mang giữa việc được khen thưởng của nhà trường với thái độ của bố mẹ.
Một lãnh đạo từng công tác ở Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ mọi người đừng nhầm lẫn giữa bệnh thành tích với kế hoạch, mục tiêu cần đạt được. Một ngôi trường đưa ra mục tiêu bao nhiêu HS giỏi đừng nghĩ rằng đó chỉ toàn tiêu cực. Đó cũng là mục tiêu để nhà trường và HS xây dựng kế hoạch dạy học tốt nhất. Tỉnh táo trước bệnh thành tích là cần thiết nhưng cũng đừng vì thế phủ nhận hết mọi cố gắng của đứa trẻ, của thầy cô.
Mục tiêu con trẻ đạt kết quả tốt, hiệu quả trong học tập, phát huy được khả năng của mình là điều cần khuyến khích. Quan trọng là con đường để đến với đến kết quả xuất phát bởi mong muốn, khát vọng và thực lực của đứa trẻ, các em đạt được gì cho bản thân chứ không để “an ủi” người lớn. Đó cũng là bản chất của thực học.