"Tràn lan" học sinh cấp 1 khá, giỏi: "Giỏi thật" là bao nhiêu?
(Dân trí) - Phụ huynh không yên tâm cho dù được thông báo con là học sinh khá, giỏi. Thầy cô lo lắng khi thấy học sinh của mình toàn giỏi. Đó là một nghịch lí vẫn đang tồn tại.
Những năm trở lại đây, con số tỉ lệ học sinh được đánh giá khá, giỏi bỗng dưng tăng đột biến. Điều này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất ở bậc tiểu học. Dạo qua các trang mạng xã hội của các bậc phụ huynh những ngày này, ngập tràn hình ảnh về kết quả học tập của con em mình: Tổng kết năm học, điểm thi Toán, Văn và các môn phụ của con toàn 9-10 điểm. Vô số trường có tới đạt tới 90% học sinh có điểm số khá, giỏi.
Tỉ lệ học sinh được đánh giá khá, giỏi quá cao ở bậc tiểu học đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. (ảnh minh họa)
Theo tìm hiểu của phóng viên tại khu vực Hà Nội, con số 90% học sinh đạt điểm khá, giỏi ở các trường cấp 1 không phải là hiếm mà có thể thấy nhan nhản.
“Con gái tôi đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình, mỗi lần đi họp phụ huynh cho cháu về, tôi và bố cháu rất trăn trở về thành tích của cháu và của lớp.
Cuối năm nay, nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo con số trên 90% học sinh đạt điểm khá giỏi, tôi cứ nghĩ lớp cháu vượt trội nhưng hóa ra khi hỏi các phụ huynh khác thì được biết có lớp đạt 95%, thậm chí có lớp đạt gần 100%. Không biết tôi nên mừng hay nên lo”, chị Nguyễn Thị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Thực tế, việc để phát hiện đánh giá xếp loại của thầy cô có đúng hay không đối với phụ huynh là điều dễ dàng thực hiện, như anh Việt (ở Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 3 vừa được đánh giá điểm toán loại giỏi, khi anh Việt đưa cho cháu một bài Toán ở mức khó hơn bình thường một chút, cháu không giải được. Thậm chí có những bài toán cơ bản trong sách giáo khoa cháu phải “vất vả” mãi mới làm xong.
“Không hiểu các cô căn cứ vào đâu mà xếp con học sinh giỏi? Kiến thức rất quan trọng nhưng điểm số giúp chúng tôi nắm được học lực của con cái. Đó là điều cần thiết.
Nếu điểm thấp, lần sau cháu sẽ phải nỗ lực hơn. Nếu điểm cao, học sinh sẽ phấn chấn hơn trong học tập. Là phụ huynh, chúng tôi có quyền đòi hỏi được biết học lực thực chất của con mình”, anh Việt chia sẻ.
Một phụ huynh chia sẻ: “Thực tế, hiện nay ở cấp tiểu học, thầy cô cho điểm giỏi và khá dễ hơn cho điểm trung bình và yếu kém. Chuyện giáo viên cho điểm thật, đánh giá thật là rất hiếm. Vì thế mà cuối năm cũng loạn học sinh khá giỏi. Theo tôi, điểm 9, điểm 10 của các cháu là do ban phụ huynh tạo nên, ban phụ huynh cứ “chăm sóc” các cô nhiều quá thì chuyện mắc bệnh thành tích là bình thường”.
Một điều dễ dàng nhận thấy, phía sau sự tự hào của nên giáo dục về con số 90% xếp loạt khá, giỏi là những lo lắng, hoang mang của những bậc làm cha, làm mẹ.
Nghịch lý vốn đã xảy ra nay càng trở nên nghiêm trọng, con học giỏi, lẽ ra phải mừng chứ sao lại lo lắng. Hàng loạt cách tranh cãi về cách giáo dục hiện nay không còn ý nghĩa với con số 90% học sinh bậc tiểu học và con số gần tương đương với bậc trung học cơ sở đều được xếp loại học tập khá, giỏi.
Ngay tại Hà Nội, trước đây đã có trường hợp em học sinh 5 năm liền là học sinh giỏi nhưng khi cha mẹ đăng ký thi đầu vào trường trung học cơ sở thì cả 2 trường em này dự thi đều được 0 điểm. Lúc này cha mẹ mới hốt hoảng khi biết kiến thức của con mình đã bị hỏng và những điểm số kia chỉ “ảo”.
Không cần phải đến những nhà quản lý giáo dục mà ngay chính từ các phụ huynh cũng đang nhận thấy “mầm họa” từ con số 90% nặng mùi thành tích. Bởi một lẽ, đánh giá kết quả học tập không đúng sẽ khiến các em học sinh không nhận thức đúng về bản thân, thêm vào đó lại gây thiệt thòi cho các cháu giỏi thật, học thật.
Học sinh không giỏi, không có kiến thức thì nghĩ mình giỏi, còn các cháu giỏi thực sự thì lại thiệt thòi, bị đánh đồng các bạn không giỏi bằng mình. Còn các bậc phụ huynh thì không biết con mình lực học đang ở mức nào, tầng nào hay chỉ là một khối “rỗng tuếch”.
Phụ huynh không yên tâm cho dù được thông báo con là học sinh khá, giỏi. Thầy cô lo lắng khi thấy học sinh của mình toàn trò giỏi. Đó là một nghịch lí vẫn đang tồn tại. Đã đến lúc, Bộ GD-ĐT phải có những sách lược vào cuộc sâu sát để nền giáo dục bớt nỗi lo về những con số "đẹp hơn hoa" trong buổi tổng kết cuối năm.
Lê Tú