Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Chính chúng ta là thủ phạm gây ra dạy thêm, học thêm”

Giám đốc Sở GD-ĐT 5 thành phố lớn nhất cả nước đều băn khoăn với việc Bộ không cho phép thi tuyển vào lớp 6. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, chính việc này khiến ngành giáo dục là thủ phạm gây nên tình trạng dạy thêm, học thêm.

Tuyển sinh vào lớp 6 trường Hà Nội -
Tuyển sinh vào lớp 6 trường Hà Nội - Amsterdam luôn căng thẳng như thi đại học.


Thi vào lớp 6 như thi... đại học!

Chỉ thị về việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi, đặc biệt là ở “lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6 THCS. Vấn đề này khiến các giám đốc Sở GD-ĐT đau đầu trước bài toán tuyển chọn vào những trường chất lượng cao, trường đặc thù…

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ việc không tổ chức dạy thêm, học thêm để việc học ở bậc tiểu học đơn giản, không gây áp lực thi cử và học sinh phát triển bằng năng lực bản thân theo định hướng thầy cô. Tuy nhiên, Bộ cần hướng dẫn chi tiết thêm bởi các cấp quản lý còn băn khoăn về việc cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Nội dung “thi tuyển” Bộ cấm có khác với khảo sát, kiểm tra như một số trường trọng điểm, một số lớp đặc thù tiếng Pháp, tiếng Nhật... vẫn làm hay không? Sở dĩ phải làm như vậy vì nhu cầu đầu vào cao hơn khả năng đáp ứng”. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, đây là đề tài được bàn luận căng thẳng nhất trong buổi họp giao ban chuyên đề của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng vừa diễn ra ngày 7/11.

Riêng tại Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 6 THCS của một số trường trọng điểm được so sánh với... thi đại học về mức độ căng thẳng và yêu cầu cao khi tỷ lệ “chọi” không thua kém các trường đại học. Chỉ tiêu vào lớp 6 hệ THCS Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam mỗi năm chỉ khoảng 200 học sinh, nhưng số lượng đăng ký dự tuyển năm nào cũng trên dưới 4.000 học sinh. Trường THCS Cầu Giấy cũng có hơn 2.000 học sinh “tranh tài” để chọn ra 240 học sinh vào lớp 6 trường này. Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành có gần 2.600 học sinh đăng ký nhưng cũng chỉ tuyển trên dưới 200 học sinh. Lý giải về điều này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nếu chỉ xét học lực theo học bạ thì số học sinh trình độ tương đương nhau quá lớn, không đủ tiêu chí để lựa chọn nên bắt buộc phải tổ chức thi.

“Nợ” hướng dẫn tuyển sinh lớp 6

Trước thắc mắc của các Sở GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, nguyên tắc là không được thi tuyển lớp 6 THCS vì đây là bậc học đã được phổ cập giáo dục. “Nếu nhiều cháu cùng muốn vào một trường thì phải có lựa chọn nhưng chọn thế nào thì các trường phải cân nhắc. Chọn đầu vào cao thì dạy giỏi là chuyện bình thường quá...”. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Khi dùng thi-kiểm tra văn hóa để tuyển các cháu vào các lớp đầu cấp, chính chúng ta là thủ phạm gây nên tình trạng dạy thêm học thêm chứ không phải do học sinh và phụ huynh”.

Là một trong những trường thường xuyên phải tổ chức kiểm tra đầu vào, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm cho biết, hiện nay, bậc THCS Đoàn Thị Điểm vẫn tổ chức thi tuyển. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng học sinh khi số đăng ký lớn (năm 2013 trường này có 1.000 học sinh đăng ký tuyển sinh so với chỉ tiêu là 400 học sinh). “Bây giờ Bộ GD-ĐT cấm thi tuyển thì chúng tôi phải làm theo cách nào? Hiện trường vẫn chưa có cách nào khác nên rất cần hướng dẫn của Bộ” - bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.
 
Trước băn khoăn về việc làm sao tuyển chọn được những học sinh xứng đáng, phù hợp vào các trường trọng điểm, đào tạo đặc thù mà không gây ra tình trạng dạy thêm, học thêm bậc tiểu học, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu để sớm có hướng dẫn trong thời gian tới.
 

Sẽ giảm áp lực điểm số ở cấp học cao hơn

Trước thắc mắc về việc đánh giá bằng nhận xét thay vì chấm điểm ở bậc tiểu học có được đồng nhất, tiếp nối lên bậc học cao hơn, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết,  việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét như ở tiểu học sẽ được tiếp nối ở các lớp cao hơn nhằm kích thích học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập, biết ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế nhiều hơn. Đây là cách làm tất yếu để động viên học sinh tiến bộ thay vì tạo áp lực điểm số. 

 

Theo Vinh Hương

An Ninh Thủ Đô