Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm: Cần cả sự vào cuộc của phụ huynh!

(Dân trí)-Chỉ thị ngày 3/11 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh dạy thêm học thêm bậc tiểu học nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc các “lệnh cấm” ở chỉ thị này không có gì mới, vậy cơ sở nào để có niềm tin?

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Hữu - Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: Không phải chờ đến khi có chỉ thị trên thì những quy định cấm mới được đặt ra mà trong những năm qua nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã đề cập, quy định rõ. Cụ thể, ở Thông tư thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đã có quy định nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học dưới mọi hình thức.

Trong công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học của cấp tiểu học, hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đều lưu ý việc không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Bộ GD-ĐT cũng đã có những văn bản quy định không tổ chức thi học sinh giỏi tiểu học, không tổ chức lớp chọn ở tiểu học và THCS, cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6...

Chỉ thị của Bộ trưởng vừa ban hành nhắc lại những nội dung đã quy định để các Sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, việc nhắc nhở lần này xuất phát trên nên tảng mới đó là sự ra đời của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học.

Thưa ông, trong những năm qua ngành đã có những quy định về việc cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, đặc biệt là trường dạy hai buổi/ngày. Tuy nhiên dường như “lệnh cấm” này vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, thậm chí có hiện tượng bắt ép học sinh đi học thêm. Ông nghĩ sao về điều này và kì vọng gì ở chỉ thị của Bộ trưởng?


Ông Nguyễn Đức Hữu - Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT)
Ông Nguyễn Đức Hữu - Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT).

Ông Nguyễn Đức Hữu: Ngành đã có quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc thì có nhiều nguyên nhân. Một phần nguyên nhân là do cơ quan quản lý giáo dục các cấp chưa sát sao, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Một phần do công tác tuyên truyền chưa tới được từng giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh.

Ngoài ra cũng có một bộ phận giáo viên chưa thực hiện đúng quy định chuyên môn, có hiện tượng ép buộc, gợi ý học sinh học thêm. Nhiều bậc phụ huynh cũng chưa thay đổi nhận thức, gây áp lực cho con em khi bắt học sinh phải học thêm, học nâng cao, tham gia quá nhiều lớp học, câu lạc bộ một cách thiếu khoa học.

Báo chí cũng phản ánh nhiều ý kiến bức xúc của phụ huynh khi con em mình bị ép buộc phải đi học thêm dù không có nhu cầu. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng không cho con đi học sẽ bị điểm kém, ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ. Đây là những biểu hiện có thật đang tồn tại ở các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn.

Với việc Bộ trưởng ra chỉ thị lần này tôi hi vọng những áp lực, lo lắng bấy lâu nay của phụ huynh sẽ được xóa bỏ. Sự ra đời của Thông tư 30 sẽ là “liều thuốc” mạnh giải quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm biến tướng hiện nay.

Với quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét theo chiều hướng tích cực, động viên, khuyên khích học sinh. Giáo viên được kiểm chứng khách quan chất lượng học tập khi bàn giao học sinh… Đây sẽ là tiền đề để phụ huynh yên tâm, không phải lo lắng tới những sự tác động “tiêu cực” mà lâu nay vẫn nghĩ: con không đi học thêm thì bị điểm kém, bị cô chê… Khi phụ huynh có niềm tin để “đấu tranh” với việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định thì thiết nghĩ sẽ giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Nếu như trước đây thì Bộ GD-ĐT vẫn cho phép tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học thì ở chỉ thị của Bộ trưởng lại là “cấm”. Ông có thể giải thích rõ hơn về quy định này?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Đúng là trước đây, sau đợt nghỉ hè có trường tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học để đánh giá chất lượng học sinh nhằm có biện pháp giáo dục phù hợp khi giáo viên tiếp nhận học sinh từ lớp dưới lên. Tuy nhiên, ở trong Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT đã có những quy định rõ ràng về đánh giá, bàn giáo chất lượng học sinh. Cụ thể, phải bàn giao học sinh từ giáo viên dạy lớp dưới với giáo viên nhận học sinh để lớp trên tiếp theo, thể hiện qua hồ sơ đánh giá học sinh, qua bài kiểm tra cuối năm và trao đổi trực tiếp giữa giáo viên với nhau, do nhà trường tổ chức thực hiện.

Chính vì thế không cần thiết phải tổ chức một kỳ kiểm tra chất lượng. Thêm một kỳ thi không cần thiết, có thể học sinh sẽ phải học thêm, sẽ bị tăng áp lực. Như chúng ta đã biết, nhiều trường lấy kỳ kiểm tra chất lượng là căn cứ để xếp lớp, tuyển học sinh vào lớp chọn, gây nên hiện tượng chạy đua, học thêm để được vào lớp tốt, thậm chí là có cả tiêu cực. Việc ban hành “lệnh cấm” với việc không tổ chức khảo sát đầu năm học cũng nhằm mục đích giảm áp lực cho học sinh và ngay cả đối với các bậc phụ huynh.

Thưa ông, nhiều giáo viên băn khoăn về chỉ thị của Bộ trưởng yêu cầu không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Tuy nhiên, một số cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức lại có yêu cầu thành lập các đội tuyển tham gia. Điều này có gì đó mâu thuẫn?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Sở dĩ yêu cầu không thành lập các đội tuyển là để tránh việc học sinh phải chịu áp lực thi phải ganh đua, cạnh tranh nhau. Các trường vì mục tiêu phải có giải nên tạo sức ép lên các em, điều này là không tốt. Nếu tham dự cuộc thi mang tính chất vui chơi, giao lưu… thì Bộ không cấm đoán. Tinh thần là làm sao để các em cảm thấy thích thú tham gia chứ không phải là bị “ép buộc”.

Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi điều lệ một số cuộc thi để tránh áp lực, ganh đua... giữa 
Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi điều lệ một số cuộc thi để tránh áp lực, ganh đua... giữa các học sinh, nhà trường.

Bộ GD-ĐT có phối hợp tổ chức một số cuộc thi như giải toán qua mạng, cuộc thi Tiếng Anh qua mạng… dành cho học sinh tiểu học. Điều lệ các cuộc thi này đúng là có việc thành lập các đội tuyển. Trên tinh thần chỉ thị của Bộ trưởng chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh điều lệ của các cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức để làm sao nó là một sân chơi cho các em, không áp lực, không vì thành tích…

Hiện nay có nhiều trường thực hiện khá nghiêm túc khi không giao bài tập về nhà cho học sinh đối với các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên vẫn còn một số trường chưa thực hiện tốt việc này. Theo ông thì nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Tôi biết rất nhiều trường thực hiện nghiệm túc việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn hiện tượng giao bài tập cho học sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cần thay đổi nhận thức của phụ huynh để tránh gây áp lực cho học sinh.
Cần thay đổi nhận thức của phụ huynh để tránh gây áp lực cho học sinh.

Một trong số đó chính là tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh. Sở dĩ tôi nói vậy là vì: nhiều giáo viên không muốn giao bài tập cho học sinh nhưng phụ huynh lại yêu cầu vì sợ buổi tối con không ôn luyện sẽ quên kiến thức.

Để giải quyết dứt điểm việc này thì phụ huynh cần thay đổi quan niệm. Với những trường học 2 buổi/ngày tôi có thể khẳng định các em đã được dạy đầy đủ kiến thức mà không cần phải làm bài tập ở nhà. Chính vì thế, phụ huynh không nên tạo sức ép cho các em. Mỗi tối các bậc phụ huynh nên dành thời gian để hỏi han việc học hành theo chiều hướng tích cực, động viên khích lệ con em mình để các em ngày càng hoàn thiện hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)