Bố mẹ bán đất, ở nhà trọ để chuyển con từ trường công sang trường tư

Hoài Nam

(Dân trí) - Chị Hà vừa rao bán lô đất ở Đồng Nai để lấy tiền đóng học phí năm học tới cho hai con tại một trường tư thục ở quận 7, TPHCM.

Cách đây 3 năm, chị Trần Ngọc Hà, ở TPHCM chuyển con vừa kết thúc lớp 1 sang một trường tư thục ở quận 7 có mức học phí dao động 200 triệu đồng/năm. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn khi điều kiện kinh tế gia đình chị không phải quá dư giả.

Để có tiền cho con theo học, gia đình chị chi tiêu rất tiết kiệm. Chồng chị bớt hẳn khoản mua sắm đồ công nghệ, hiếm khi nhậu nhẹt. Cả nhà mỗi tháng chi tiêu không quá 10 triệu đồng, cắt hết những khoản không cần thiết. Cạnh đó, anh chị cũng chăm chỉ làm việc để tăng thu nhập.

Bố mẹ bán đất, ở nhà trọ để chuyển con từ trường công sang trường tư - 1

Giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh ở TPHCM (Ảnh: N.D).

Trước đây vợ chồng chị có gom góp mua được một lô đất ở Đồng Nai, chị tính toán khi cần có thể bán đất lấy tiền cho con ăn học. 

Mới đây, chị Hà rao bán lô đất này để chuẩn bị tiền đóng học phí năm học tới cho đứa đầu vào lớp 4 và đứa sau cũng chuẩn bị vào mầm non cùng hệ thống. Chị tính toán, lô đất bán được 3,5 tỷ đồng, chị giữ lại 1 tỷ còn lại sẽ tìm mua một mảnh đất khác giá thấp hơn. Như vậy chị vẫn có đất, vừa có tiền đóng học cho con.

Nói về việc chấp nhận bỏ một khoản lớn cho việc của con, chị Hà trải lòng, trước đây chị chưa từng nghĩ sẽ cho con học trường tư. Cứ nghĩ đơn giản con đến trường như mọi đứa trẻ, tháng đóng 1-2 triệu đồng, không phải áp lực chuyện tiền nong. Chị từng nói cho con học tư là lãng phí, đua đòi. 

Nhưng rồi, khi con vào học lớp 1 chị đã thay đổi góc nhìn. Con học hết nửa học kỳ chị mới phát hiện con thường xuyên nhịn uống nước vì sợ nhà vệ sinh. Chưa hết, con chị cũng có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi thường xuyên bị cô giáo dùng thước đánh vào tay, la mắng lúc viết chữ dẫn đến biểu hiện sợ đi học. 

Nhiều khi nghe con kể chuyện ở trường, chị Hà đau thắt tim vì thương con. Chị mất niềm tin vào một lớp học mà 40 - 50 học sinh nhưng đến chỗ đi vệ sinh của các con cũng không được an toàn. 

Trước đây, chị phản đối việc cho con học trường tư thì giờ chị hiểu rằng, mô  hình này là có thêm lựa chọn môi trường cho con.

Con qua trường tư, lớp chưa đến 20 học sinh, nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho, con vui vẻ đến trường... Với chị như vậy là quá đủ để lựa chọn, chấp nhận việc bán đất cho con theo học. Chị cũng dừng ngoài mọi tranh cãi nên cho con học trường công hay tư, chỉ chọn làm tốt nhất có thể cho con cho khả năng của mình.

Hai con học tại một trường song ngữ mới vài năm tuổi có tiếng ở quận 2, TPHCM, ai nhìn cũng tưởng gia đình chị Lê Ngọc Ngoan phải khá giả lắm. Mỗi năm, tiền học phí cho hai đứa hơn 300 triệu đồng. 

Chị Ngoan cho biết, khi con lớn vào lớp 1, con thường xuyên bị cô đánh, chì chiết vì viết tay trái và bắt luyện viết tay phải cho bằng được. Người mẹ đã trao đổi mong cô không áp lực bắt cháu viết tay phải nhưng cô gạt đi, làm theo ý mình. 

Cô giáo thường xuyên gửi đến chị những nhận xét vô cùng tiêu cực về con làm  chị vô cùng căng thẳng. Đến khi con viết được tay phải, cô kể công lao của mình nhưng vẫn không ngừng chê bé kém, dở và đưa ra đề nghị cho bé đến nhà để cô kèm.

Chị Ngoan từ chối vì không thể để con rơi vào cảnh vừa học ở trường lại phải đi học thêm. Lớp một của con trải qua đầy nước mắt cho đến khi chuyển con sang trường tư, cháu mới tìm lại được niềm vui đi học. Đứa sau chị cho học tư ngay từ khi vào lớp 1. 

Để có tiền cho con theo học, vợ chồng chị cho thuê căn hộ cao cấp ở quận Bình Thạnh, còn cả gia đình về thuê trọ tại một căn hộ nhỏ gần trường giá 6 triệu đồng. Ngoài ra, các chi tiêu anh chị cũng tiết kiệm hết cỡ với kế hoạch để hai con cùng học hết phổ thông ở môi trường tư thục. 

Chị Ngoan bày tỏ, không phải trường tư không có vấn đề. Cũng có lúc chị đau đầu về chuyện này chuyện nọ nhưng ở trường tư mọi ý kiến của phụ huynh đều được lắng nghe, ghi nhận, nếu hợp lý nhà trường sẽ nhìn nhận vấn đề để cùng khắc phục. 

Hơn nữa, con chị học ở trường là đủ cho việc phát triển ngoại ngữ, không phải đi học ở trung tâm, không phải lo chuyện "học thêm học bớt". Ở đó các con không phải ganh đua điểm số, thành tích, chỉ tập trung vào việc phát triển bản thân. Ngoài thời gian học, hai con có thời gian đọc sách, chơi thể thao, chơi đàn, vẽ... 

"Sống chết gì tôi cũng cho con học trường tư", chị Ngoan nêu quan điểm của mình. Đó cũng là câu chuyện của nhiều gia đình nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí vay nợ để con theo học tư thục. 

Tranh cãi trường công trường tư diễn ra từ lâu nay nhưng không thể phủ nhận sự phát triển không ngừng của giáo dục tư thục tại các thành phố lớn trong nhiều năm qua. 

Bố mẹ bán đất, ở nhà trọ để chuyển con từ trường công sang trường tư - 2

Trẻ em TPHCM trải nghiệm tại ngày tuyển sinh của một trường tư thục (Ảnh: H.N).

Theo báo cáo 2021 của Công ty Tư vấn chiến lược toàn cầu L.E.K. Consulting về tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành giáo dục hiện nay, thị trường giáo dục tư thục cho học sinh Việt Nam được dự báo còn tiếp tục phát triển nhanh trong giai đoạn tới, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11% trong giai đoạn 2016-2020.

Dựa trên phân loại mảng giáo dục thành các nhóm riêng biệt là quốc tế, song ngữ, tư thục trong nước và dân lập, báo cáo của L.E.K đánh giá mảng giáo dục tư thục cho học sinh (bao gồm các cấp học từ mẫu giáo đến THPT) sẽ còn phát triển mạnh dựa vào nền tảng quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tăng nhanh.

Các trường giáo dục từ bậc mầm non cho đến THPT cung cấp chương trình đào tạo quốc tế có số lượng tuyển sinh tăng nhanh hơn so với các trường tư thục nói chung. Trong giai đoạn năm học 2015-2018, chương trình đào tạo quốc tế đạt CAGR từ 5-6%, trong khi CAGR của nhóm tư thục lên đến 11%.

Nhu cầu về các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh chất lượng cao đang tăng nhanh, từ đó nở rộ các trường giảng dạy song ngữ. Theo đó, phân khúc giáo dục song ngữ ở TPHCM và Hà Nội đã tăng trưởng 17% trong giai đoạn năm học 2016-2020.

Năm 2020, thị trường giáo dục tư thục ở TPHCM ước tính đạt khoảng 560 triệu euro (tương đương 15.200 tỉ đồng), với 25% thị phần nằm ở các trường song ngữ cao cấp.

Một chuyên gia giáo dục tại TPHCM bày tỏ, giáo dục tư thục góp phần giải quyết sự bức bí về chỗ học, thiếu trường thiếu lớp ở các thành phố. Ngoài ra, mô hình này đáp ứng được nhu cầu của nhiều phụ huynh trong việc giáo dục con cái. 

Bà cũng trải lòng, giáo dục tư thục là nơi đi đầu trong các đổi mới về giáo dục, áp dụng các mô hình tiên tiến. Bà chứng kiến rất nhiều hoạt động giáo dục quốc tế về học hỏi, giao lưu, áp dụng các mô hình mới... chủ yếu chỉ các trường tư thục tham gia. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm