"Chuyển từ trường tư sang trường công, con tôi bị xếp vào nhóm cá biệt"
(Dân trí) - Nhận thấy những bất ổn ở một số trường tư thục, một số phụ huynh đã chuyển con về học tại các trường công lập. Nhưng tại đây, các cha mẹ cũng phải chật vật giúp con vượt qua cơn "sốc văn hóa".
Nhất ở trường tư, bét ở trường công
Đầu năm học này, anh Lê Minh Trí (Hà Nội) đã chuyển con về học tại một trường công lập. Trước đó, con gái anh học tại một hệ thống giáo dục tư thục nổi tiếng, tiền học phí và các khoản dịch vụ lên đến gần 100 triệu đồng/năm học.
Sau gần một học kỳ tại trường công, anh Trí thấy con có những chuyển biến tích cực. Con đã tự đi xe đi học chứ không được nhà trường đưa đi đón về như trước, biết tự giác học tập chứ không "nằm dài" ra sau bữa tối. Tuy nhiên, thời gian đầu, con đã phải đối mặt với cú "sốc văn hóa" tại trường công.
Anh Trí kể, mới đầu năm học, con đã được giao cả "núi" bài vở và phải hoàn thành trong ngày. Đều đặn vào mỗi buổi sáng, thầy cô sẽ kiểm tra bài tập của con. Trước kia, chưa bao giờ con ngồi học quá một tiếng vào buổi tối, còn bây giờ có khi con phải thức đến 12 giờ đêm để thuộc bài.
Thời gian đầu còn chưa quen với kỷ luật ở trường công, con thường xuyên không học bài cũ và chuẩn bị bài mới. Cứ cách vài ngày, anh Trí lại nhận được cuộc gọi của giáo viên chủ nhiệm. Cô phê bình con không làm bài tập, yêu cầu bố mẹ thường xuyên kiểm tra bài vở trước khi con đi ngủ.
Về trường công, điểm đánh giá thường xuyên của con ở các môn chính đều dưới trung bình. Sau đợt kiểm tra giữa kỳ, anh Trí lại phải nghe điện thoại của cô giáo với phản ánh rằng con không nắm được kiến thức cơ bản môn Toán và Ngữ văn, coi thường các môn Lịch sử và Địa lý.
"Trước kia, năm nào con cũng được xếp loại khá trở lên, chưa bao giờ có dưới 5 điểm. Đang được thầy cô khen ngợi ở trường tư, năm nay, con tôi bị xếp vào nhóm học sinh cá biệt trong lớp", anh Trí nói.
Suốt từ đầu năm đến giờ, tối nào vợ chồng anh cũng phải chờ con học xong để kiểm tra bài rồi mới dám đi ngủ. Anh Trí thừa nhận, áp lực học tập của con ở trường công gấp nhiều lần trường tư.
"Tôi cũng chịu áp lực từ cả con lẫn cô giáo. Có lần, tôi lỡ tay đánh con vì con vừa học bài vừa bấm điện thoại, thỉnh thoảng lại đi pha sữa, lấy đồ ăn vặt nên hết cả buổi tối chưa thuộc bài cũ. Nhưng nhìn con phải thức khuya, có hôm sáng dậy đã mở sách đọc lại bài, tôi rất xót", anh Trí kể.
Trước kia, có xe buýt đưa đón con đi học. Chuyển sang trường công, anh Trí để con đi xe máy điện đến trường. Anh mất 2 tháng lẽo đẽo đi theo để kèm con trên đường đi học dài 5km.
Nhớ lại ngày con mới về trường công học, chị Nguyễn Thu Phương (Hà Nội) còn nguyên nỗi ám ảnh. Năm ngoái, chị chuyển con trai từ trường tư thục về một trường cấp 2 công lập. Quyết định này được đưa ra sau khi gia đình đón thêm thành viên mới. Gánh nặng kinh tế buộc vợ chồng chị phải cho con trai lớn nghỉ học ở trường tư đắt đỏ.
Chị Phương cho biết, ở trường tư, chưa bao giờ chị phải lo chuyện học hành của con. Bởi vì con luôn đứng top đầu lớp trong nhiều năm liền.
"Tôi đinh ninh là con đã học tốt ở trường tư với những triết lý giáo dục, phương pháp dạy học tiên tiến thì khi về trường công, con sẽ vượt trội hơn các bạn khác. Điều duy nhất tôi băn khoăn là con không được hoạt động ngoại khóa nhiều như ở trường tư. Nhưng sau đó, gia đình tôi đau đầu khi biết lực học của con chỉ ngang với những bạn top dưới", chị Phương nói.
Con về trường công học được vài tháng, chị liên tục được giáo viên chủ nhiệm mời đến trường. Cô giáo khen con tích cực hoạt động ngoại khóa, tập thể dục thể thao, tuy nhiên, con chỉ học khá môn Tiếng Anh, lực học các môn còn lại chỉ trung bình. Các thầy cô phản ánh con "học hành lớt phớt", không ghi chép bài, làm bài tập đầy đủ. Tuần nào con cũng làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua của lớp.
"Lúc đó, tôi cãi cô rằng do con chưa kịp làm quen với môi trường mới, còn lực học không đến nỗi tệ. Để trả lời tôi, cô gọi con lên cho làm một đề kiểm tra môn Toán thì con chỉ được 5 điểm. Cô lấy xấp bài kiểm tra của lớp con với đề bài tương tự để đối chiếu, bạn có điểm thấp nhất cũng đạt 6,5 điểm", chị Phương kể.
Trong các buổi họp phụ huynh, lúc nào chị cũng "muối mặt" khi nghe kết quả học tập của con. "Con nhà mình lúc nào cũng bị nêu tên đầu tiên vì học dốt, hay lý luận để cãi thầy cô", chị Phương nói.
Từ đó, chị cho con nghỉ hoạt động ở tất cả các câu lạc bộ năng khiếu. Chị bắt con đi học thêm Toán, Ngữ văn và Vật lý. Đó là những môn mà con thường xuyên đạt điểm trung bình. Thay vì háo hức được đi học đàn, học vẽ, con quay sang sợ những buổi tối cuối tuần phải học thêm. Bài tập, đề kiểm tra ở lớp học thêm cũng "chất đống".
"Nhiều lần con xin tôi cho về trường cũ học nhưng tôi không đồng ý. Thứ nhất là vợ chồng tôi không chi trả nổi, hơn nữa, nếu vậy thì có thể con sẽ không phải thức khuya, dậy sớm học bài như bây giờ, nhưng kiến thức trong đầu con lại rỗng tuếch. Tôi không yên tâm với cách đánh giá học sinh của các thầy cô trường tư", chị Phương cho biết.
Khoảng cách thầy và trò trong trường công
Đầu năm nay, gia đình anh Nguyễn Quốc Bình chuyển về quê ở Thái Nguyên sinh sống. Con gái anh phải theo gia đình về học tại một trường THCS công lập ở Thái Nguyên. Trước đó, con có 7 năm học tại một trường liên cấp tư thục ở Hà Nội.
Theo anh Bình, ở trường tư, bảng điểm của con gái không có điểm dưới 8. Năm học nào, con cũng được khen thưởng với học lực giỏi. Con tự tin mình học giỏi môn Toán nhất. Vì vậy, khi chuyển về trường công, con lập tức xin vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường.
"Con vỡ mộng ngay sau đó khi không vượt qua nổi bài kiểm tra đầu vào đội tuyển Toán. Cô giáo động viên con ôn tập thêm để sang năm tiếp tục thử sức", anh Bình nói.
Đang quen việc suốt ngày được khen, lần đầu tiên bị loại, cô bé về nhà với hai hàng nước mắt. Con kể mình bị các bạn trêu là "học dốt mà đòi đi thi học sinh giỏi". Mỗi lần con "nói leo" hay phát biểu sai trên lớp, các bạn đều lấy đó làm trò cười.
Anh Bình cho rằng, khoảng cách giữa thầy và trò trường công không gần gũi như ở trường tư. Trước kia, chỉ cần bị trêu chọc hay bắt nạt, con sẽ gặp thẳng giáo viên chủ nhiệm để tố cáo. Sau đó, thầy cô ngay lập tức họp lớp để giải quyết, đồng thời thông báo, thậm chí gửi lời xin lỗi tới gia đình.
"Từ khi về trường công, con nhiều lần mách cô việc mình bị các bạn trêu chọc, tôi cũng gọi điện có ý kiến với cô nhưng cô chỉ giải thích là các con còn trẻ con, chỉ đùa thôi chứ không có ý gì. Thậm chí, có lần cô còn cáu lại với con vì con thưa gửi nhiều quá.
Có lần con kể với bố mẹ việc một bạn bị cô giáo véo tai trước lớp, hành động con chưa từng được chứng kiến ở trường cũ. Lâu nay, tôi không thấy cô giáo phàn nàn rằng con phát biểu tự do trong giờ, hay mách các bạn phạm lỗi. Tôi đoán là do con đã sợ thầy cô hơn", anh Bình cho biết.
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi