Bộ Giáo dục giải đáp "nóng" một loạt sự cố trong kỳ thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Tại buổi họp báo chiều tối ngày 4/7, sau khi kết thúc 4 ngày thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giải đáp "nóng" 1 loạt sự cố diễn ra trong kỳ thi.

Từ 17h chiều ngày 4/7, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Tại cuộc họp báo này, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá bước đầu về việc tổ chức kì thi đồng thời cũng giải đáp những câu hỏi do phóng viên báo chí đưa ra.
 
Ngày 4/7 là thời điểm có nhiều tin “nóng” nhất của kì thi năm nay khi xuất hiện các đối tượng tham gia giải đề để đọc vào trong phòng thi. Vụ việc được phát hiện và đang được công an tiếp tục điều tra làm rõ. Bước đầu một đối tượng khai nhận đã thực hiện hành vi tương tự ở ngày 2/7. Đây sẽ là một trong những điểm “nóng” được báo chí “chất vấn” Bộ GD-ĐT trong cuộc họp báo chiều nay.

Bên cạnh đó, một số sai sót về nghiệp vụ như giám thi ký nhầm vị trí khiến thí sinh phải dự thi lại môn Toán bằng đề dự phòng, không giám sát thí sinh dẫn đến thí sinh cầm bài thi chạy ra ngoài khi hết giờ,…cũng sẽ là những điểm nhấn mà Bộ GD-ĐT tham gia trao đổi, giải đáp.

 
Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015
Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cho biết: Nhìn chung kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho những năm sau. Đồng thời cũng có nhiều việc làm tốt, mô hình hay cần nhân rộng để công tác chỉ đạo, tổ chức đạt hiệu quả cao.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, với việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, việc luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt và đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi.

Việc soạn thảo và sao in, vận chuyển đề thi đến các phòng thi được thực hiện tuyệt đối an toàn, bí mật. Theo đánh giá ban đầu của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi: có các câu hỏi ở mức độ cơ bản đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao để phân loại học sinh giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.

Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế, các trường hợp vi phạm kỷ luật trường thi đều được các cụm thi kiên quyết xử lý theo đúng quy chế.

Các cụm thi, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xếp phòng thi cho các thí sinh đăng ký muộn, thay đổi nguyện vọng vào sát ngày thi nhưng với tinh thần dành thuận lợi cho thí sinh đã cho phép các em tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc sửa lỗi môn thi kể cả trong ngày làm thủ tục dự thi. Tỷ lệ học sinh tới dự thi rất cao . Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau phải cách ly, không tự viết bài được cũng đã được các cụm thi tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi, không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn

Nhìn chung đã có sự phối hợp tốt và nhịp nhàng giữa các địa phương, các Sở GDĐT và trường đại học trong công tác tổ chức kỳ thi. Tất cả các cụm thi dù là do địa phương chủ trì hay do trường đại học chủ trì đều có sự tham gia của giáo viên phổ thông và giáo viên đại học từ ban chỉ đạo thi, hội đồng thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi, cán bộ chấm thi...

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết buổi thi thứ 7, tổng số thí sinh bị kỷ luật là 766, trong đó khiển trách: 49; cảnh cáo: 27, đình chỉ 690. Tỷ lệ dự thi các môn: Toán 98.68%; Ngoại ngữ 99.30%; Ngữ văn 99.03%; Vật lý 98.59%; Địa lý 98.26%; Hóa học 98.08%, Lịch sử 96,32.
 
Bộ GD-ĐT đánh giá như thế nào về kì thi THPT quốc gia?
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), ủy viên thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đang báo cáo về kỳ thi.
 
Ông Mai Văn Trinh cho biết: Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 1.005.654 thí sinh đăng ký, trong đó: 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và khoảng 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Điều đó đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo.

Phóng viên các báo đặt một loạt câu hỏi "nóng" với Ban chỉ đạo thi Bộ GD-ĐT như: Cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì ít thí sinh vi phạm trong khi đó ở cụm thi do ĐH chủ trì xử lý nhiều thí sinh vi phạm? Có tình trạng nhận lời giải từ bên ngoài vào, sự việc được phát hiện từ phía công an trong khi trong phòng thi cán bộ coi thi không phát hiện được? Có cán bộ quên nhiệm vụ coi thi thì Bộ GD-ĐT xử lý như thế nào?  Năm 2016, Bộ GD-ĐT có điều chỉnh gì để tránh việc điểm thi chỉ có 1-2 thí sinh?

Theo báo cáo kì thi an toàn, nghiêm túc, vậy cơ sở nào để đánh giá? Vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh trong phòng thi vẫn còn tình trạng quay cóp, không nghiêm túc…Bộ suy nghĩ thế nào? Đề thi Ngoại ngữ “lọt” ra ngoài vậy đã có thông tin chính thức từ phía cơ qua điều tra?
Tại sao không tổ chức kì thi THPT quốc gia vào tháng 6 hàng năm mà lại tổ chức vào tháng 7 dẫn đến thí sinh phải đối mặt với nắng nóng? Đề thi không được đánh giá tốt như kì thi “3 chung” trước đây, việc tích hợp dùng để làm hai mục đích liệu đã tối ưu? ...
Cuộc họp báo thu hút được đông đảo phóng viên các báo, truyền hình tham gia
Cuộc họp báo thu hút được đông đảo phóng viên các báo, truyền hình tham gia.
 
Ông Mai Văn Trinh: Việc cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi ĐH chủ trì không có sự phân biệt về các khâu. Việc hình thành hai cụm để tạo điều kiện cho thí sinh. Việc ở cụm thi ĐH có vi phạm nhiều hơn vì ở đây có tính cạnh tranh cao hơn và kết quả lấy xét tuyển vào ĐH nên việc thí sinh nghĩ đến việc gian lận cũng là điều bình thường.
 
Ông Mai Văn Trinh cũng phân tích: Mức độ của đề thi thì nên bình tĩnh đánh giá. Đề thi năm nay không thể so sánh với đề thi của các năm trước vì mục đích là khác nhau. Kết quả cuối cùng sẽ là cơ sở khoa học để đánh giá.

Trong tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới. Năm nay thi xong rồi mới đăng ký xét tuyển NV, cứ 3 ngày các trường cập nhật dữ liệu để thí sinh đánh giá khả năng để quyết định có nên rút hồ sơ hay không. Điều này tránh việc thí sinh đạt điểm cao nhưng không đỗ ĐH, còn thí sinh đạt điểm thấp lại đỗ ĐH.

Liên quan đến việc thông tin ở Thái Bình, Thanh Hóa thí sinh bị “ăn bớt” thời gian làm bài, ông Mai Văn Trinh giải thích: Ở đây có sự hiểu nhầm, nhiều thí sinh khi nhận đề thi nghĩ là thời gian làm bài luôn. Đối với môn thi trắc nghiệm thì phát đề lúc 14h15 phút, sau 15 phút sau thí sinh mới được phép làm bài. Trong khoảng thời gian 15 phút, cán bộ coi thi có thể điều chỉnh nếu phát hiện sai sót. Ở đây cán bộ phát hiện có hai thí sinh ngồi gần nhau cùng mã đề nên đã tiến hành thu lại và phát lại cho thí sinh. Thời gian thực hiện việc này kết thúc trước khi thời gian bắt đầu làm bài của thí sinh là lúc 14h30.

Với câu hỏi, có thí sinh không nhớ lịch thi và không đến dự thi môn Địa lý. Việc lãnh đạo Bộ giao cho các cụm thi xử lý có trong quy chế hay nằm ngoài quy chế?

Ông Mai Văn Trinh: Với thí sinh quên buổi thi, Bộ cho phép các cụm thi giải quyết cho các cháu đăng ký thi môn thi  khác để xét tốt nghiệp. Đây là sự nhân văn nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em.

 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban chỉ đạo thi giải đáp các câu hỏi của báo chí
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban chỉ đạo thi giải đáp các câu hỏi của báo chí.
 
Bộ cho biết ý kiến chính thức về việc rò rỉ đề thi môn ngoại ngữ trên Facebook?

Ngay sau khi biết thông tin, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp thực hiện điều tra. Hiện nay, vẫn đang trong quá trình điều tra để đến kết luận cuối.

Thông tin ban đầu, đây là tài khoản Facebook năm 2013, chỉ có 4 lần post thông tin lên. Lần gần nhất là  ngày 17/1/2015. Việc đăng nhiều đề thi lên tài khoản này là điều khó xảy ra trên thực tế. Như vậy Facebook này đã bị hack. Đây là thông tin chính thức từ phía công an.

Tương tự như  22 giờ hôm qua, trên 1 tài khoản Facebook có đề thi lịch sử, nhưng không phải, đây là việc lạm dụng công nghệ. Bộ GD phản ứng rất kịp thời để làm rõ việc này. Chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi khi có kết quả điều tra.

Còn việc lộ đề thi phải là biết trước khi thời điểm bóc đề thì mới gọi là lộ đề, còn sau khi bóc đề đó không phải là lộ đề.

Cụm thi ĐH Bách khoa chỉ có 1% thí sinh chọn các môn hóa học và địa lý. Có thể cho các thí sinh thi cùng một lúc trong cùng một buổi hay không?

Ông Mai Văn Trinh: Có phòng thi có 1 thí sinh, xuất phát từ việc tổ chức thi tự chọn. Đây là năng lực sở trường, đây là đam mê là định hướng nghề nghiệp của các em nên để thuận lợi cho thí sinh, giáo viên dành phần khó khăn vất vả về mình, để các cháu thuận lợi hơn.

Sự việc giải đề giải môn Lịch sử với công nghệ cao từ bên ngoài vào bị bắt vào ngày 4/7. Đối tượng bị bắt khai với công an, buổi thi 2-7 cũng trót lọt. Việc phát hiện do công an phát hiện chứ không  phải hội đồng thi.  Vậy truy cứu trách nhiệm hội đồng  thi và điểm thi như nào?

Ông Mai Văn Trinh: Sau khi nhận thông tin từ cụm thi Học viện kỹ thuật quân sự và trường ĐH sư phạm , chúng tôi yêu cầu tăng cường công tác thanh tra ở khu vực đó để phát hiện xem có sự việc gì khác không. Hiện nay chưa nhận được văn bản chính thức từ cơ quan điều tra.  Chúng tôi đang bám sát thông tin, sau khi có kết luận sẽ xử lý theo quy chế, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý hình sự.
 
Đâu là thước đo quan trọng để đưa ra kết luận kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Nhưng, một số thí sinh cho biết vẫn xảy ra nhìn bài và chép bài của nhau. Tình trạng mất trật tự diễn ra ở nhiều cụm thi địa phương?
 
Ông Mai Văn Trinh: Một kỳ thi nghiêm túc được đánh giá trên nhiều phương diện từ hình thức đến nội dung đến kết quả thi. Về hình thức, những sự lộn xộn “phao” rải trắng trường thi ở các kỳ thi trước đây không còn xuất hiện ở kỳ thi này. Việc lộn xộn “phao” trắng ở Thanh Hóa không phải ở trong trường thi mà ở ngoài trường thi, đây không phải là hình ảnh đẹp. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa tăng cường, giám sát thực hiện tốt hơn việc này.  Các buổi sau đã không có hiện tượng này xảy ra. Qua phản ánh của báo chí thì các điểm in ấn phao thi đã giảm hẳn.

 Tại sao vẫn còn nhiều vi phạm?

Mai Văn Trinh: Điều này chứng tỏ các hội đồng thi đã làm nghiêm quy chế thi, vi phạm là xử lý kỷ luật.

Nhiều ý kiến lo ngại việc chấm thi ở các cụm thi sẽ không hoàn thành vào ngày 20/7 như Bộ yêu cầu?

Ông Mai Văn Trinh: Việc chấm thi không phải bây giờ chúng tôi mới tính toán, khi có quyết định đặt cụm thi ở đâu chúng tôi đã tính toán đến việc chấm thi, có bao nhiêu giáo viên, các trường đã chủ động việc chấm thi. Khi thi xong môn đầu tiên, một số trường đã triển khai các bước của công tác chấm thi rồi.

Có cán bộ quên nhiệm vụ coi thi thì Bộ GD-ĐT xử lý như thế nào? Vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh trong phòng thi vẫn còn tình trạng quay cóp, không nghiêm túc…Bộ suy nghĩ thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kì thi nào cũng có giám thị, thí sinh vi phạm quy chế, mình cố gắng tiến tới khắc phục để không còn hiện tượng này. Kì thi năm nay có tác dụng phân luồng học sinh. Bước đầu tổ chức được như vậy là rất tốt.

Kì thi nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, sự khác biệt rất lớn so với các kì thi trước. Thi cử, kiểm tra đánh giá thay đổi đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy và học. Kì thi này nhằm được mục đích như vậy. Còn hạn chế thì chúng ta sẽ điều chỉnh để hợp lý và tốt hơn. Luật Giáo dục quy định phải có kì thi tốt nghiệp nên không bàn đến chuyện bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.

Nói chung Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt được những yêu cầu đặt ra. Mặc dù vẫn có những thí sinh vi phạm quy chế, nhưng việc kiểm soát hết không có vi phạm là rất khó chúng tôi mong muốn nhưng chưa thực hiện được và tiếp tục khắc phục những những vấn đề này trong những năm tới.

Bộ GD-ĐT kết thúc cuộc họp báo sau gần 1 tiếng đồng hồ, nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp một cách thấu đáo.

Nguyễn Hùng - Hồng Hạnh
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm