Bộ GD-ĐT sẽ chế tài trường ĐH tuyển thí sinh dưới 10 điểm và tổ hợp lạ
(Dân trí) - PGS.TS Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh điều này thông tin trên tại hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 cho các trường phía Nam được tổ chức ở trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Trong 2 ngày 6-7/6, đại diện các trường ĐH phía Nam tham dự hội nghị tập huấn tuyển sinh năm 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đây là năm đầu tiên có sự tham gia của các trường trung cấp có đào tạo giáo viên.
Tập huấn kỹ để lọc ảo tốt
Tại hội nghị, Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết phần mềm tuyển sinh chạy chung một hệ thống trên toàn quốc với 365 mã ngành tuyển sinh khác nhau do đó đòi hỏi phải có sự thống nhất thực hiện theo đúng hiệu lệnh, thực hiện các thao tác kỹ thuật phải đúng để đảm bảo cho toàn hệ thống có thể chạy. Tương lai, Bộ sẽ tổ chức thêm đợt thực hành cho tất cả các trường trong toàn quốc các bước lọc ảo, tránh tình trạng một số trường thao tác chưa được chuẩn, gây khó khăn cho toàn bộ hệ thống.
Còn đợt tập huấn lần này sẽ tập trung vào 6 nội dung: những điểm mới của quy chế tuyển sinh năm 2018; những lưu ý trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong đó gồm việc đăng ký nguyện vọng của các thí sinh và những lưu ý đối với các trường tham gia công tác coi thi tại các địa phương; những bước chuẩn bị trong công tác xét tuyển; quy trình xét tuyển, lọc ảo của các trường trong và ngoài nhóm; thực hành hệ thống lọc ảo.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, năm nay Bộ không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng nhưng ngoại trừ các ngành đào tạo giáo viên, để đảm bảo nâng cao chất lượng thì Bộ sẽ quy định ngưỡng với 2 điểm. Với đối với những trường xét kết quả bằng học bạ, Bộ quy định ở trình độ ĐH, CĐ tuyển những thí sinh có điểm học lực lớp 12 giỏi trở lên, riêng một số ngành đặc thù như Mỹ thuật, giáo dục thể chất thì học lực khá trở lên; ở trình độ trung cấp sẽ phải từ khá trở lên, những ngành đặc thù thì từ trung bình trở lên. Còn đối với hình thức xét tuyển từ kết quả thi, hội đồng điểm sàn của Bộ sẽ họp đưa ra mức đảm bảo ngưỡng đầu vào.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh với các trường trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. “Vừa qua, báo chí và Bộ cũng nhắc nhiều đến việc khả năng một số trường những đợt xét tuyển sau đợt 1 sẽ hạ thấp điểm đảm bảo đầu vào với mong muốn tuyển đủ chỉ tiêu. Chúng tôi khuyến cáo sẽ theo rất sát các trường công bố ngưỡng đảm bảo đầu vào. Đối với những trường có ngưỡng đầu vào quá thấp như tổng 3 môn dưới 10 điểm thì sẽ có chế tài cụ thể. Bộ sẽ công bố danh tính cụ thể các trường có “điểm sàn” quá thấp như vậy để cảnh báo”.
Bên cạnh đó, đối với việc xác định tổ hợp lạ, không phù hợp với bản chất của ngành Bộ cũng đã nhắc nhiều. Thời gian qua Bộ cũng đã tổ chức các đoàn thanh tra đến các trường sau khi có cảnh báo về việc đặt ra những tổ hợp không phù hợp như ngành Công nghệ thông tin mà tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa... Bộ đã nhắc nhở nhưng nhiều trường vẫn cho rằng đó chỉ là tổ hợp phụ, tuy nhiên quy chế đã xác định rõ “đưa ra tổ hợp xét tuyển phải phù hợp bản chất, nội dung của ngành đào tạo. Bộ cũng đã có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm này”.
Nhiều biến động trong đợt thay đổi nguyện vọng
Về mốc điều chỉnh nguyện vọng, theo ông Trần Anh Tuấn, năm nay sẽ có nhiều biến động lớn trong thời điểm điều chỉnh nguyện vọng, vì đây là năm thứ hai áp dụng quy định này.
“Trong đợt đăng ký xét tuyển tháng 4/2018, có rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Việc này không phải thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng mà chỉ đăng ký để được quyền dự thi và sẽ điều chỉnh sau khi biết điểm thi. Vì vậy công tác điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian tới sẽ khá phức tạp. Nhiều khả năng ngày 10/7, các địa phương sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia”, ông Tuấn nhận định.
Đến 30/7, các điểm tiếp nhận sẽ chốt danh sách thay đổi nguyện vọng. Bộ lưu ý, các trường phải công bố ngưỡng đầu vào trước ngày 19/7. Bộ sẽ công bố phổ điểm sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và đó là căn cứ quan trọng để các trường đưa ra ngưỡng đầu vào. Các trường không nên công bố ngưỡng đảm bảo quá chi tiết mà chỉ nên công bố mức chung. Đây là mức tối thiểu để trường tiếp nhận hồ sơ xét tuyển, nếu đặt mức ngưỡng quá chi tiết sẽ gây khó cho việc xét tuyển trực tiếp vào trường.
Công tác rà soát thông tin của thí sinh như: kết quả sơ tuyển, điểm năng khiếu, điểm ưu tiên, xét tuyển thẳng... trước 17g ngày 31/7 để cập nhật lên phần mềm.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), kết quả thống kê cho tới thời điểm hiện nay cho thấy tổng số thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia là trên 900.000 em, cao hơn năm ngoái khoảng 80.000 em. Còn số lượng nguyện vọng là hơn 2 triệu nguyện vọng. Tính trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ và TC.
Lê Phương