Tổ hợp “lạ”: Khó cho thầy và trò
Các chuyên gia cho rằng việc các trường tuyển sinh bằng những tổ hợp không liên quan ngành học sẽ gây ra thiệt hại lâu dài về nhân lực.
Thời gian qua, nhiều trường ĐH khiến dư luận bất ngờ khi công bố đề án tuyển sinh các ngành với những tổ hợp môn không phù hợp để xét tuyển hoặc tổ hợp môn "lạ" chưa từng thấy.
Ảnh hưởng đến tương lai của thí sinh
Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai "gây sốc" khi dùng tổ hợp văn - sử - địa, văn - sử - giáo dục công dân xét tuyển các ngành công nghệ như kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin. Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, Trường ĐH Thái Bình Dương, Trường ĐH Nam Cần Thơ sử dụng tổ hợp văn - sử - địa và văn - sử - giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng. Trường ĐH Đông Đô dùng tổ hợp văn - sử - địa để tuyển sinh các ngành: Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, điều dưỡng. Trường ĐH Bình Dương gây "sốc" không kém khi thay vì tuyển sinh ngành văn học bằng tổ hợp… toán - lý - hóa!
Trước tình trạng này, TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - bình luận: Việc các trường tuyển sinh bằng tổ hợp "lạ" bất chấp sự không liên quan đến ngành học sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của thí sinh. "Các em thường quan niệm vào ĐH là xong nhưng thực tế không phải như vậy. Đó còn là quá trình học tập và làm việc sau này". Theo TS Lý, việc chọn tổ hợp thế mạnh của thí sinh không phù hợp với chương trình đào tạo sẽ gây nên sự lãng phí cho thí sinh, gia đình, xã hội.
"Đó là một trong những nguyên nhân khiến lượng sinh viên bị đuổi học ngày càng nhiều. Sinh viên không học tốt những môn học trên ĐH không thuộc sở trường lúc ở THPT khiến các em không theo hết chương trình. Nếu có tốt nghiệp cũng khó làm việc tốt bởi đó không phải sở trường của mình" - TS Lý cho biết.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - cho rằng nếu tổ hợp xét tuyển quá chênh lệch với chương trình đào tạo, môn xét tuyển trái hoàn toàn hoặc không có môn trọng tâm của chương trình đào tạo là điều đáng lo. Điều này sẽ khiến cho việc giảng dạy khó khăn do người học không cùng khối kiến thức cơ bản đào tạo dẫn đến gặp trở ngại rất lớn trong việc tiếp nhận kiến thức. Đồng thời, không chỉ bản thân các em mà nhà trường cũng bị ảnh hưởng do nguy cơ bỏ học của sinh viên rất cao.
Theo ông Sơn, việc các em thuộc nhiều nhóm đối tượng có kiểu tư duy có phần khác nhau (nhóm khoa học tự nhiên và nhóm khoa học xã hội) sẽ gây khó khăn cho giảng viên khi giảng dạy. Thực ra, điều này không sai luật và cũng chẳng có cơ sở khoa học nào ở Việt Nam chỉ ra là nên tuyển nhóm môn nào cho từng ngành. Tuy nhiên, do cách học, cách dạy ở THPT có thiên hướng lệch, học sinh xác định tổ hợp xét tuyển ĐH môn nào thì sẽ tập trung cho các môn đó, hơi lơ là các môn còn lại. Do đó, kiến thức nền tảng giữa các môn không đồng đều, thậm chí rất lệch nhau gây khó khăn cho cả thầy và trò.
Học sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên
Theo ghi nhận, nhiều trường THPT đã tổ chức tăng tiết để chủ động học nâng các môn cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH. Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết trong chỉ đạo chuyên môn, sở vẫn yêu cầu các trường THPT thực hiện chương trình của bộ. Việc tổ chức học phân hóa được các trường tổ chức tùy thuộc vào điều kiện của trường, như tăng cường vào buổi 2 đối với trường 2 buổi/ngày hay trường 1 buổi thì tổ chức các tiết ngoài giờ. Việc này cũng phù hợp với nhu cầu của học sinh.
Ghi nhận tại các trường THPT tại TP HCM cho thấy đa phần học sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Trường THPT Lê Quý Đôn năm nay có 408 học sinh khối 12 thì 2/3 chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, còn lại là chọn bài thi khoa học xã hội, số ít chọn cả 2 bài thi. Ông Hà Hữu Thạch, hiệu trưởng nhà trường, cho biết thế mạnh của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn là 3 môn toán - văn - tiếng Anh và đây lại là 3 môn bắt buộc nên rất thuận lợi cho các em. Việc thi thêm môn tự chọn để thỏa mãn điều kiện của kỳ thi, đồng thời cũng giúp tăng thêm cơ hội trúng tuyển.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết học sinh ở trường học phân ban từ năm lớp 10 nhưng đến năm lớp 12 học phân hóa theo môn. Trường có 15 lớp 12 thì có 13 lớp học nâng cao các môn khoa học tự nhiên.
Tương tự, Trường THPT Nhân Việt có 7 lớp 12 thì 5 lớp học nâng cao các môn khoa học tự nhiên, 2 lớp học nâng cao khoa học xã hội…
Lưu ý đăng ký bài thi tổ hợp
Hiện có không ít học sinh hiểu nhầm về việc đăng ký môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp để xét tuyển ĐH. Theo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, thí sinh thi để xét tốt nghiệp thì phải thi 3 môn bắt buộc và 1 bài thi tự chọn hoặc cả hai. Nếu muốn sử dụng môn thành phần trong bài thi tổ hợp để xét tuyển ĐH thì phải đăng ký thêm bài thi tổ hợp và phải thi đủ các môn để tránh điểm thi thành phần rơi vào trạng thái điểm liệt, không được xét tốt nghiệp THPT quốc gia.
Theo Lê Thoa - Huy Lân
Người Lao Động