Bị "chê" khi được mở ngành Y-Dược, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh... lên tiếng

(Dân trí) - Trước việc dư luận băn khoăn lo lắng về việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành đào tạo Y-Dược, sáng 28/11, GS Trần Phương – Hiệu trưởng Nhà trường đã tổ chức họp báo để làm rõ một số vấn đề. GS Trần Phương khẳng định: Quá trình đào tạo và quá trình học sẽ quyết định đến khâu chất lượng đầu ra.

Mở ngành Y - Dược không phải vì lợi nhuận

Tại buổi họp báo này, GS Trần Phương cho hay, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường phi lợi nhuận, đào tạo nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nói là phi lợi nhuận là vì những người góp vốn xây dựng trường chỉ nhận một khoản lợi tức giống như lợi tức gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Điều này được thực hiện từ khi trường thành lập đến năm 2012.


Việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y - Dược thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí

Việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y - Dược thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí

“Vì là trường phi lợi nhuận nên bất cứ ngành học này đất nước cần, chúng tôi có xin phép Bộ mở ra. Cụ thể, đầu tiên chúng tôi xin phép đào tạo kinh tế - kinh doanh, sau là kỹ thuật công nghệ và giờ là xin mở ngành Y - Dược. Như vậy, các trường tư không bị khống chế bởi phạm vi đào tạo nào, khác với trường công lập, nhà nước hoặc các cơ quan, bộ ngành căn cứ vào nhu cầu của bộ ngành hay đất nước mà quy định phạm vi hoạt động của trường” – GS Trần Phương nói.

Cũng theo GS Trần Phương, lý do trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội quyết định xin phép mở ngành Y – Dược là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hiện nay. số bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho nhân dân Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ trên một vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ trên một vạn dân. Về dược sĩ, chúng ta chỉ có 1,5 dược sĩ trên 1 vạn dân, trong khi đội ngũ này đóng vai trò quan trọng.

Ở Việt Nam trên 90% dược liệu phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, thuốc chữa bệnh cho người Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài sản xuất. Trong khi đó Việt Nam có đến khoảng 4.000 cây có thể dùng làm dược liệu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu, chiết xuất, chế biến nên gần như vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

GS Trần Phương cũng lãnh đạo khoa Y và khoa Dược của trường trả lời những thắc mắc của các cơ quan báo chí
GS Trần Phương cũng lãnh đạo khoa Y và khoa Dược của trường trả lời những thắc mắc của các cơ quan báo chí

 

“Quan điểm của trường là đào tạo dược sĩ còn để chế biến dược liệu từ nguồn sẵn có trong nước phục vụ dân mình. Động cơ đó hoàn toàn không có mục đích lợi nhuận, kinh doanh mà chỉ là mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân và khai thác nguồn dược liệu của Việt Nam” – GS Trần Phương bày tỏ.

“Chưa dùng đến thì trang bị ngay để làm gì?”

Trước câu hỏi của nhiều phóng viên báo chí về việc biên bản thẩm định ghi chưa chuẩn bị đầy đủ nhưng vẫn được Bộ GD-ĐT ký quyết định mở ngành, GS Trần Phương giải thích: Việc đăng ký mở ngành Y – Dược đã được trường triển khai từ giữa năm 2012, tính đến thời điểm Bộ GD-ĐT cho phép thì nhà trường đã chuẩn bị hơn 3 năm như vậy không thể nói là thời gian ngắn được.

Đến cuối 2015, khi các điều kiện chuẩn bị xong, trường đã báo cáo và Bộ GD-ĐT yêu cầu lập Hội đồng thẩm định các chương trình đào tạo. Kết quả, chương trình đào tạo Y - Dược đã được Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành thông qua một cách thuận lợi.

Để mở ra 2 ngành này, Bộ GD-ĐT còn có một số điều kiện nữa, trong đó có 2 điều kiện quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Theo quy định của Bộ Y tế, muốn mở ngành Y đa khoa phải có 50 giảng viên từ trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II đến GS, PGS; trong đó phải có 6 người là GS, PGS hay tiến sĩ thuộc về 4 bộ môn quan trọng nhất. Ngành Dược đòi hỏi ít hơn.


Phòng thực hành Dược liệu - Thực vật của Khoa Dược trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Phòng thực hành Dược liệu - Thực vật của Khoa Dược trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Phòng thực hành Giải phẫu
Phòng thực hành Giải phẫu
Bị "chê" khi được mở ngành Y-Dược, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh... lên tiếng - 5

“Chúng tôi đã ký thỏa thuận với 47 vị là GS, PGS, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ. Khi thẩm định, có đồng chí trong Hội đồng thẩm định nói Bộ Y tế yêu cầu những 50 người, nhưng trường mới có 47 nên chưa đủ. Nhưng tôi cho rằng, để dùng 50 người này phải trong 6 năm mới dùng đến. Nên số 47 là cho 2 năm trước mắt, còn dần dần chúng tôi sẽ mời tiếp. Hay khi thẩm định về cơ sở vật chất, chúng tôi đã chuẩn bị 28 phòng học, phòng thực hành và chi ra 80 tỷ đồng để trang bị cho những phòng thực hành đó.

Nhưng cũng có đồng chí trong đoàn thẩm định nói là vẫn chưa đủ. Tôi trả lời: Nếu mua để 5 – 6 năm nữa mới dùng thì sẽ hỏng. Nên chúng tôi mua cho hai năm đầu đã, rồi từ năm thứ 3 trở đi sẽ mua dần. Chúng tôi đã ký hợp đồng với các công ty thiết bị y tế, khi nào cần, chỉ một vài tuần là sẽ có ngay. Trong biên bản thẩm định ghi chưa chuẩn bị đầy đủ là theo nghĩa đó” – GS Trần Phương nói.

GS Trần Phương cũng nhấn mạnh: Đoàn thẩm định 2 Bộ gồm 8 người đã đi xem cơ sở, kiểm tra hồ sơ của gần 100 giảng viên, sau đó đã ký vào biên bản. Nhưng trước khi Bộ GD&ĐT cho phép cũng đã rất cẩn thận yêu cầu Bộ Y tế gửi trả lời chính thức có cho phép trường mở hai ngành đó hay không. Khi Bộ Y tế có ý kiến thì lúc đó Bộ GD-ĐT mới ký quyết định. Như vậy việc thẩm định của 2 Bộ có thể nói là quá chặt chẽ.


Khu vực phòng khám của ĐH Kinh doanh và Công nghệ cơ sở Bắc Ninh

Khu vực phòng khám của ĐH Kinh doanh và Công nghệ cơ sở Bắc Ninh

 

Cũng theo GS Trần Phương, trước mắt trường thành lập phòng khám đa khoa, về lâu dài sẽ xây dựng bệnh viện trong trường để sinh viên có thể thực tập, các bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư thì có thể khám sức khỏe cho nhân dân, sinh viên… Về cơ sở vật chất hiện tại thì có 28 phòng thực hành tại chỗ đã sẵn sàng dùng cho 2 năm trước mắt.

Ngoài ra, chỗ sinh viên thực tập, theo Bộ Y tế, phải có bệnh viện từ loại 1 trở lên, nhà trường đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện loại 1 (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Tràng An). Các bệnh viện này đều sẵn sàng nhận lời và cử giáo viên hướng dẫn. Với ngành Dược, Nhà trường cũng đã ký hợp đồng với Công ty Dược phẩm TW1, Công ty Dược phẩm DGC.

Việc dạy ngành Y thì cần phải có nhà xác để thực hiện giải phẫu người, trong khi đó trường lại không có?

“Hiện nay, chỉ có hai cơ sở đào tạo Y dược lớn cả nước mới có nhà xác, còn các trường khác chủ yếu thực tập trên mô hình. Chúng tôi sẽ có cách để dạy giải phẫu” – PGS.TS Nguyễn Văn Tường – Phó Chủ nhiệm khoa Y ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ (PGS.TS Tường, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Đào tạo Bộ Y tế).

Tốt nghiệp xong đâu phải được hành nghề ngay

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế- Chủ nhiệm khoa Dược ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2020 có 2,4 dược sĩ trên một vạn dân. Như vậy con số phải bổ sung đến năm 2020 là 17.600 người, nghĩa là 1 năm phải cho ra trường 3.500 dược sĩ.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế- Chủ nhiệm khoa Dược
PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế- Chủ nhiệm khoa Dược

 

Bên cạnh đó, ngày 16/3/2012 văn bản của Bộ Y tế về quy hoạch phát triển nhân lực Y tế năm 2012-2020 có bàn đến giải pháp đạo tạo, trong đó có nhấn mạnh: Ở vùng Đồng bằng Sông Hồng khuyến khích hình thành trường hoặc khoa Y-Dược ngoài công lập đào tạo bậc ĐH Y – Dược.

Mấy hôm nay tôi có đọc báo, các ý kiến đều lo lắng về chất lượng, đó là điều quá đúng. Nhưng rõ ràng số lượng sẽ tạo nên chất lượng, chất lượng không phải từ con số 0. Ta chê việc đào tạo tuyến xã quá kém, nhưng chắc chắn người ở tuyến xã được đào tạo 6 năm sẽ hơn anh lang băm. Không nên so sánh bác sĩ tuyến xã, huyện với các Giáo sư ở các bệnh viện Trung ương.

Bên cạnh đó, tốt nghiệp ĐH mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ vì người dược sĩ muốn hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện có chứng chỉ cũng rất khắt khe. Đó là chưa kể, sau mỗi 5 năm, cơ quan quản lý về y tế sẽ kiểm tra lại để xem xét có cấp thêm một chu kỳ nữa hay không.

“Đó là rào cản về kỹ thuật để những dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp ra trường phải đạt đến dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước mới được “đụng” đến người bệnh, hay tư vấn người bệnh sử dụng thuốc” – PGS.TS Lê Văn Truyền nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Tường cho biết thêm: Trong quá trình đào tạo còn có công tác hậu kiểm, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế phải tiến hành giám sát, kiểm tra xem trường dạy như thế nào, cơ sở vật chất, đội ngũ ra sao, việc đào tạo ra trường có đảm bảo chất lượng hay không…

Theo tài liệu của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cung cấp thì chủ nhiệm Khoa Y là GS.TSKH Lê Anh Tuấn – nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Hai Phó chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, GS.TS Phạm Vinh Quang (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện 103 –HV Quân Y); Phụ trách Phòng khám đa khoa là Bác sĩ Chu Tiến Cường, nguyên Trung tướng, Cục trưởng Cục Quân Y, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

 

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm