Bé gái 7 tuổi nói tiếng Việt với bạn, bị mẹ tát tai, "lêu lêu" cô lập
(Dân trí) - "Chúng ta đừng chơi với bạn My, cho bạn ấy chơi một mình", người mẹ nói với nhóm bạn của con và còn rủ rê đám trẻ: "Chúng ta "lêu lêu" bạn nào".
"Chúng ta "lêu lêu" bạn nào..."
Chị Nguyễn Hoài Trang, nhà ở phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, chị vừa rút ra khỏi nhóm "Cho con gặp gỡ giao lưu..." của một nhóm phụ huynh vì quá... sợ hãi.
Đầu mùa hè, thông qua lời mời trên mạng, chị Trang và một số phụ huynh có con trong độ tuổi 6-11 lập thành nhóm, cùng tổ chức cho các con gặp gỡ, vui chơi. Trong nhóm có đề cập đến việc tạo môi trường cho các con nói tiếng Anh cùng nhau.
Theo lịch, mỗi tuần một lần vào chủ nhật, phụ huynh sẽ cùng đưa các con đến điểm hẹn vui chơi. Mỗi buổi thường có từ 6-10 trẻ tham gia.
Khi gặp gỡ, vui chơi với các bạn, chị Trang cho hay, nhiều trẻ không chịu nói tiếng Anh như yêu cầu của bố mẹ. Con trai 8 tuổi của chị Trang cũng chỉ nói vài câu xã giao ban đầu rồi sau đó đi ăn, đi bơi, nói chuyện thì cứ... tiếng Việt mà "bắn".
Với chị Trang không có vấn đề gì nhưng một số phụ huynh tỏ ra căng thẳng, bắt con phải nói tiếng Anh với bạn suốt buổi đi chơi, không được nói tiếng Việt.
Có người suốt buổi kè kè cạnh để nhắc nhở con phải nói tiếng Anh, con hở một lời tiếng Việt liền bị "nắn" ngay. Có phụ huynh còn nhắc luôn cả con của người khác là: "Cháu không được nói tiếng Việt".
Có người bực mình khi con không chịu nói tiếng Anh, sau khi quát mắng thì... phạt bằng cách bắt con về giữa chừng. Có người véo tai, tát con ngay trước mặt bạn bè.
Chị Trang nói về trường hợp người mẹ từ Gò Vấp đưa con gái 7 tuổi đến tham gia. Chị ta rất nhiều lần la mắng, chê bai và cả tát tai con gái khi cháu né tránh hoặc chỉ nói vài ba câu tiếng Anh.
Khi đó, có phụ huynh khuyên chị đừng quá áp lực, có người cũng trao đổi nếu thấy con không phù hợp bố mẹ có thể rút, không nên ép con tham gia.
Chủ nhật tuần vừa rồi, buổi thứ 4 tham gia, chị Trang sốc khi người mẹ này.... dùng chiêu cô lập con với bạn bè. Chị ta nói với nhóm trẻ: "Bạn My không nói tiếng Anh, chúng ta đừng chơi với bạn My (con của chị này), cho bạn ấy chơi một mình đi".
Chưa dừng lại, người mẹ còn chỉ tay về hướng con gái, rủ rê đám trẻ: "Chúng ta lêu lêu bạn nào, lêu lêu cái đồ không biết nói tiếng Anh".
Một số trẻ nhỏ làm theo, một số trẻ quay đi. Cô con gái chị đứng cúi mặt...
Quá hoảng sợ, chị Trang phản ứng gay gắt trước cách hành xử của người này rồi lập tức xin phép ra về, không tham gia vào hoạt động mà với chị là quá độc hại này.
"Nhiều bố mẹ rất kinh khủng. Bên ngoài nói muốn con có sân chơi, kết nối vui vẻ nhưng thực chất họ chỉ muốn con thực hiện theo trò chơi mà mình mong muốn", chị Trang nói.
Trên thực tế, việc cưỡng ép con về mặt ngôn ngữ trong các gia đình hiện nay diễn ra không ít. Nhiều bố mẹ làm mọi cách "tắm" tiếng Anh cho con như cấm con nói tiếng Việt kể cả khi ở nhà, bắt con nói tiếng Anh nói lúc mọi nơi bất chấp nhu cầu của con...
Còn có trường hợp, trẻ còn không được giao tiếp với ông bà, bạn bè, hàng xóm, thà nói chuyện với máy tính, điện thoại khi bố mẹ chỉ cho phép nghe, nói bằng tiếng Anh.
Trẻ phải được quyền dùng tiếng mẹ đẻ
Trong chương trình mới đây tại TPHCM, trước câu hỏi, bố mẹ có cần nói tiếng Anh với con ở nhà, "tắm" con trong tiếng Anh không, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, cũng là một giáo viên tiếng Anh nhấn mạnh: "Không cần thiết".
Ông Nguyên cho hay, chúng ta cần tôn trọng bối cảnh. Môi trường cộng động của chúng ta không nói tiếng Anh mà là tiếng Việt, khác với nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2.
Theo ông Bùi Khánh Nguyên, mỗi học sinh có một cách khác nhau để đạt được trình độ tiếng Anh ở mức cao nhất. Chiến lược để các em nói tiếng Anh sẽ khác với một người bản xứ, khác với một người ở quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Chuyên gia này cho hay, qua quan sát ở TPHCM gần 20 năm qua có thể thấy hiện học sinh có trình độ tiếng Anh rất tốt, điểm IELTS 7.0, 8.0 đã trở nên dễ thấy hơn.
Các em có thể không dùng tiếng Anh ở nhà vì điều đó trái với tự nhiên khi chúng ta không phải là quốc gia nói tiếng Anh. Nhưng khi gặp người nước ngoài hay ra nước ngoài, các em có thể nói rất tốt. Thông thường, trẻ sẽ lựa chọn ngôn ngữ nào khiến các em thấy thoải mái nhất, hiệu quả nhất để giao tiếp.
Ông Nguyên bày tỏ, thứ quan trọng nhất để học ngoại ngữ là động lực. Động lực của học sinh ở đâu thì điểm kết thúc của các em sẽ ở đó.
Ông Nguyên gợi ý, việc cha mẹ có thể làm là thỉnh thoảng có thể nói chuyện tiếng Anh với con với điều kiện con thấy thoải mái.
Ông Bùi Khánh Nguyên cũng đưa ra quan điểm, ngay cả các trường quốc tế cũng không nên cưỡng ép ngôn ngữ với học sinh.
Học sinh phải có quyền dùng tiếng mẹ đẻ, cần tạo ra môi trường, khuyến khích học sinh dùng tiếng Anh nhưng đừng hành chính hóa việc nói ngôn ngữ tiếng Anh. Điều này trái với nghiên cứu trong giáo dục, trái với khoa học tâm lý với lứa tuổi học sinh.
Lãnh đạo một trường học ở TPHCM cho biết, khác với trước đây, hiện nay học sinh Việt Nam ra ngoài du học ít khi gặp khó khăn về ngoại ngữ. Khó khăn với các em đến từ kỹ năng thích nghi với môi trường xung quanh, hiểu biết về văn hóa, xã hội và đến từ việc các em thiếu sự tự tin, động lực học tập.
Sự tự tin, động lực của học sinh, ông cảnh báo có thể bị tước mất trong quá trình bị cưỡng ép học tập không phù hợp. Đặc biệt trong gia đình, việc cưỡng ép này không chỉ với việc học tiếng Anh mà còn ở nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khác.