Câu chuyện giáo dục:
Bật khóc ôm con chạy khỏi trường công sau cuộc gặp "cô có đánh con không?"
(Dân trí) - Con chị và một số bạn trong lớp được dẫn xuống văn phòng. Ở đó, hiệu phó và cô chủ nhiệm hỏi các con: "Cô có đánh con không?".
Con lớn nhà chị L.N.A, ở TPHCM học song ngữ từ bé, đứa sau cũng học mầm non tư. Năm cháu sau vào lớp 1 trùng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, kinh tế khó khăn nên chị quyết định cho con học trường công gần nhà cũng được xem là trường điểm.
Kỳ một năm học đó, do dịch bệnh nên các con học online, bức tranh đối lập giữa hai chị em.
Cô chị học vui vẻ, nhảy múa, hát hò, làm dự án, kể chuyện, gặp khó khăn sẽ được giáo viên và cả các bộ phận của trường cùng hỗ trợ. Ngay cạnh đó, cậu em mới vào lớp 1, ngồi trước máy tính toàn là lời giáo viên la hét, chửi rủa, dọa nạt, chê bai... Đến giờ học là con căng thẳng, sợ hãi, có khi bật khóc.
Không thể chịu nổi "tiếng chửi bới của cô", chị A. và một số phụ huynh đã xin chuyển lớp cho con ngay khi trường học mở cửa. Như đánh số, may mắn đã không đến với họ.
"Cô có đánh con không?"
Ở lớp mới, cô giáo thường xuyên la hét, chửi bới, dọa nạt học với chất giọng chói tai. Không ít lần cô đánh học trò bằng tát tai, chít véo, hay dùng chiếc thước sắt dài đập khắp các bàn học và có lúc cả tiện thể "gảy" luôn học sinh.
Đặc biệt, con chị A. đã nhiều lần bị đánh, có thể do cháu là con lai không nói rõ tiếng Việt. Trong giờ học, cô không cho học sinh đi vệ sinh nên đôi lần con chị tè trong lớp bị cô đánh tay, chê bai giữa lớp.
Lần đó, chị đến đón con, con khóc kể cô lấy thước sắt đánh tay con. Chị cầm bàn tay toàn vết lằn thâm tím, chảy máu của con tìm gặp hiệu phó. Người này hẹn chị, mai đến trường giải quyết.
Tối đó, nhiều phụ huynh trong nhóm zalo của lớp xác nhận với chị các cháu về kể lại cô đánh con chị A.
Chị N.A. kể, giữa buổi học ngày hôm sau, chị đến trường làm việc theo lịch hẹn của trường. Khi chị đến, con chị chạy ra ôm lấy mẹ, nói nhỏ: "Mẹ ơi, cô dặn không được nói là cô đánh con".
Người mẹ bủn rủn, luống cuống...
Giữa văn phòng nhà trường lúc đó có hiệu phó, cô chủ nhiệm, có chị, con chị và một số học sinh khác được cô giáo dẫn xuống để đối chứng.
Ở đó, cô giáo hỏi con chị: "Cô có con đánh con không?". Cháu lắc đầu... Hiệu phó và cô giáo tiếp tục hỏi các bạn còn lại: "Cô có đánh bạn Đ. (con chị A.) không?". Trước thầy cô, các bé cũng... lắc đầu.
Vết thương trên tay con chị cuối cùng được giải thích là có thể do cháu cầm thước chơi tự đập trúng hoặc do các bạn cầm thước chơi quơ trúng.
Phía quản lý nhà trường nhận phần lỗi theo hướng sẽ nhắc nhở giáo viên điều tiết âm lượng giọng nói, giáo viên sẽ đổi sang sử dụng cây thước nhỏ hơn.
Thế là xong! Chị ra về, vừa chạy xe vừa òa khóc.
Chưa hết, sau sự việc, cô giáo chuyển sang bạo lực lạnh với con chị. Cô giáo cô lập cháu, tách cháu ra khỏi nhóm, nói các bạn không chơi cùng, gọi cháu là kẻ nói dối... Cháu rơi vào khủng hoảng, hoảng loạn.
Hành trình tìm cho con môi trường học tập dân chủ, tôn trọng
Vợ chồng chị thống nhất, sẽ cắt giảm mọi khoản chi tiêu có thể để dành tiền cho con học. Phải rút con khỏi đó, phải chữa lành cho con...
Họ chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con, rồi chuyển con qua một trường tư thục ngay khi chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm học. Cuối năm đó, chị biết có 3-4 phụ huynh khác trong lớp cũng chuyển trường cho con.
Con chị A. đi học, các cô khen con ngoan, hiểu chuyện, bắt nhịp nhanh chứ không phải đứa trẻ hư, hỗn, lì như chị nghe phản hồi trước đó.
Đã hơn một năm con học ở đây, cháu được khuyến khích, tôn trọng, hỗ trợ khi gặp khó khăn. Rồi góp ý của phụ huynh nếu phù hợp sẽ được lắng nghe, những vấn đề của trẻ luôn được giải quyết riêng tư...
Có những khi nghĩ lại giai đoạn đó, người mẹ vẫn gợn lên sự dằn vặt vì mình đã để con trải qua thời gian khủng hoảng, đau đớn.
Nơi đó, giáo viên lên lớp la hét, chửi mắng, chê bai và có cả hành vi đánh trẻ không là cá biệt. Rồi khi có sự cố, để bảo vệ mình, họ đưa trẻ ra chất vấn để có câu trả lời mà họ mong muốn.
Vị hiệu phó ở ngôi trường đó giải thích rằng, gọi trẻ lên hỏi "ba mặt một lời" là cách lâu nay trường vẫn áp dụng để cho sự việc rõ ràng, tránh hiểu nhầm.
Theo chị N.A., câu chuyện của mình không đại diện cho mô hình giáo dục nào thì tốt hơn mô hình nào, mô hình nào cũng sẽ cái này cái kia.
Nhưng có một thực tế, nhiều gia đình như vợ chồng chị, chấp nhận bỏ ra khoản chi phí lớn cho con học trường tư không hẳn để con thoải mái, không phải học nhiều, không phải học thêm, cơ sở vật chất tốt, nhà vệ sinh sạch đẹp.
Mà hơn hết, đó còn có thể là hành trình tổn thương, vùng vẫy của bố mẹ trên con đường đi tìm môi trường học tập có bầu không khí dân chủ, tôn trọng học sinh, giáo viên không ngừng học hỏi, trường nỗ lực áp dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến...
Một chuyên gia giáo dục tại TPHCM chia sẻ, việc đưa đứa trẻ ra chất vấn giữa văn phòng hiệu trưởng với câu hỏi "cô có đánh con không?" là cách xử lý bà đã từng gặp ở trường học không chỉ một lần.
Theo vị này, đó phải gọi đó là "người lớn ác một cách hồn nhiên". Cách xử lý tưởng như rất công bằng, minh bạch nhưng thật ra vô cùng phản giáo dục khi người lớn là quản lý, là giáo viên chèn ép một đứa trẻ, trút hết lỗi sang học trò nhằm bảo vệ mình.
Học trò khi đó bị rơi vào thế chơ vơ, bị cô lập về mặt tâm lý, còn bị xem là một đứa trẻ đặt điều, nói dối. Ngoài ra, trẻ phải chứng kiến người lớn, người đó lại là cô giáo của mình, không dám thừa nhận việc mình làm mà còn đổ lỗi sang học sinh. Hơn nữa, cách xử lý này gieo vào con trẻ tiềm thức sợ nói lên sự thật...