Kinh tế khó khăn, chuyển con từ trường quốc tế về trường công có khả thi?
(Dân trí) - Nhiều gia đình "đứt gãy dòng tiền", rơi vào khó khăn trong quá trình cho con theo học trường quốc tế, song ngữ lo lắng con đường... quay về trường công lập.
Đó là thắc mắc, vấn đề được đặt ra tại tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 8/8.
Đặc biệt, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, quá trình cho con theo học trường quốc tế không ít gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Khi đó, các gia đình có nhu cầu chuyển con từ trường quốc tế về trường công lập.
Theo ông Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh hệ thống Trường quốc tế Á Châu, phụ huynh cần phân biệt trường con mình theo học dạy chương trình quốc tế hoàn toàn hay trường dạy hai chương trình, chương trình của Bộ GD&ĐT và chương trình quốc tế.
Khi học theo chương trình của Bộ, tốt nghiệp lớp 9 các em vẫn có thể tham gia thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT, hết lớp 12 xét tuyển, thi tuyển vào các trường đại học trong nước nếu có nhu cầu.
Ông Tư chia sẻ trong những năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do tác động đến kinh tế, phụ huynh dịch chuyển từ các trường quốc tế về trường lập không ít. Học sinh vẫn chuyển sang các trường công lập học bình thường, gia đình không gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi chương trình.
Giải đáp rõ về thắc mắc này, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM thông tin Bộ GD&ĐT có quy định về việc chuyển đổi từ chương trình nước ngoài sang chương trình Việt Nam.
Khi có nhu cầu chuyển con từ trường quốc tế về trường công lập, phụ huynh cần nắm thông tin xác nhận về chương trình. Trường tiếp nhận sẽ căn cứ vào đó để tiến hành các thủ tục tiếp nhận bằng cách kiểm tra một số môn học, do các môn học này chỉ có trong chương trình của Việt Nam và ngược lại.
Việc kiểm tra này nhằm xem xét khả năng đáp ứng của học sinh theo chương trình của Việt Nam. Trên cơ sở đó, hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định việc tiếp nhận và xếp lớp sau khi đánh giá năng lực.
Ông Lê Duy Tân cũng chia sẻ, các trường thực hiện chương trình tích hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT đều có ràng buộc rất kỹ về đầu ra. Ngoài việc kiểm tra đạt tiêu chí của chương trình tích hợp đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, học sinh có thể tham gia các kỳ thi tương ứng với các cấp lớp mà Bộ quy định trong chương trình Việt Nam. Đồng thời có thể tham gia kỳ thi lấy bằng nước ngoài.
Ông Lê Duy Tân khẳng định việc chuyển đổi từ trường quốc tế về trường công 3lập không khó khăn, phụ huynh có thể yên tâm lựa chọn học tiếp hay chuyển đổi giữa các chương trình.
Tuy nhiên, nhà quản lý này lưu ý phụ huynh cần hiểu, cần biết năng lực đáp ứng của con em mình. Dù ở bất cứ chương trình nào, bất cứ sự chuyển đổi nào, kể cả chuyển đổi từ trường quốc tế sang trường công lập, hay công lập sang quốc tế cũng sẽ gặp những khó khăn, thử thách.
Bởi vậy, các em cần có sự quan tâm từ gia đình, thầy cô và nhà trường đồng hành, hỗ trợ trong quá trình thay đổi.
Ông Lê Duy Tân nhấn mạnh, hiện nay một số bộ phận phụ huynh học sinh cho con em theo học chương trình quốc tế có nhu cầu chuyển đổi sang trường công lập. Các trường phải thực hiện đầy đủ các điều kiện tiếp nhận trên cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập và năng lực học tập của học sinh.
Một chương trình chưa nói lên được chất lượng của một trường học
Qua quan sát, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyện cho biết, có tín hiệu đáng mừng là học sinh Việt Nam đang được tiếp cận nhiều chương trình giáo dục tốt trên thế giới.
Nghị định 86 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã tạo ra bước đột phá trong tiếp cận chương trình giáo dục nước ngoài ở Việt Nam. Tất cả các chương trình dạy học trên thế giới, từ Anh, Mỹ, Singapore, Phần Lan, Đức, Pháp, Nhật… đều đang hội tụ ở Việt Nam mà thế hệ cha mẹ trước đó chưa từng được học.
Theo ông Bùi Khánh Nguyên, giáo dục công lập ở các quốc gia luôn là người anh cả chịu trách nhiệm lớn cho giáo dục của quốc gia. Còn các trường tư thục phát triển đã và đang san sẻ gánh nặng quá tải cho các trường công lập.
Tại Việt Nam, chuyên gia này cho rằng cả hệ thống trường công và trường tư đều song hành, phát triển mạnh mẽ.
Khi tư vấn về trường học cho học sinh, ông Nguyên nói rõ quan điểm, trường công lập có vai trò trong đáp ứng quyền được học tập, giáo dục đại trà nói chung cho học sinh. Còn phụ huynh có điều kiện, mong giáo dục đáp ứng được những nhu cầu cá nhân, riêng biệt từng gia đình thì có thể cho con học trường tư.
Tuy nhiên, ông Bùi Khánh Nguyên nhấn mạnh, một chương trình thì không nói lên được chất lượng của một trường học, chương trình chỉ là một phần của ngôi trường.
Một trường tốt thì dạy chương trình nào cũng tốt, một trường không tốt thì có thể dạy một chương trình uy tín nhưng có thể triển khai không tốt.