Bất ngờ bài tập nộp phạt khiến giáo viên xúc động rớt nước mắt

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Nhà trường phạt học sinh đọc sách - viết cảm nhận, tưởng chừng những thu hoạch sẽ khô khan hoặc "viết cho có"… thì kết quả lại rất bất ngờ.

Bất ngờ bài tập nộp phạt khiến giáo viên xúc động rớt nước mắt - 1

Cô Trương Thị Trị - Tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân - đọc những bài cảm nhận được viết ra sau khi học sinh bị phạt (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Cầm những tập bài nộp phạt trên tay, cô Trương Thị Trị - tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) vui mừng lật giờ từng trang viết.

Những dòng cảm nhận từ việc bị phạt đọc sách của học sinh được trình bày ngay ngắn, sạch đẹp, đề cập những giá trị làm người, phát triển bản thân và thể hiện tình yêu thương với cha mẹ, tình cảm thầy cô, bạn bè.

Việc này bắt đầu từ chủ trương hồi đầu tháng 4/2023 của nhà trường, thay hình thức phạt học sinh từ viết kiểm điểm, lao động công ích,… sang đọc sách, cảm nhận.

Trao đổi với Dân trí, cô giáo Trị cho biết rất xúc động bởi những bài viết của học sinh rất chân thật.

"Qua bài viết, tôi thấy các em đã nhận thức được những sai sót, khuyết điểm của mình, từ đó bổ sung, hoàn thiện mình hơn. Đây là điều rất tốt", nữ giáo viên này chia sẻ.

Tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, cô rất tâm đắc với cách giáo dục học sinh có tính nhân văn này.

Trong hàng chục bài thu hoạch được trình bày sạch sẽ, chữ viết nắn nót, học sinh N.Đ.K. - lớp 11A10 - cảm nhận về tác phẩm "Hành trình xa thẳm".

K. viết: "Có người đã từng nói rằng: "Hãy vươn lên bầu trời cho dù ta không thể hái được vì sao sáng nhất, nhưng ít ra bạn cũng có thể đứng giữa muôn vàn tinh tú để thắp sáng ước mơ".

Chỉ khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, bạn mới thật sự đang trải nghiệm thế giới này theo cảm nhận của bản thân. Mẫu chuyện "Hành trình xa thẳm" cũng thế, khi kết thúc những trang sách, ta mới dường như nhận ra rằng bản thân đang ở đâu giữa cuộc đời rộng lớn này".

Bất ngờ bài tập nộp phạt khiến giáo viên xúc động rớt nước mắt - 2

Bài viết của N.Đ.K. - lớp 11A10 - về tác phẩm "Hành trình xa thẳm" (Ảnh: HN).

Trong bài viết, K. đã bày tỏ những chiêm nghiệm về sức mạnh của tình bạn sẽ giúp chúng ta nhìn nhận ra những sai sót, khuyết điểm của bản thân, cùng nhờ có bạn mà ngày càng trưởng thành hơn, dám đối diện với chính mình.

Nhưng, K. cũng thấy trong cuộc sống vẫn còn tồn động những tình bạn đi sai hướng, bao che, lôi kéo nhau vào những thói hư, tật xấu thay vì giúp đỡ nhau sửa đổi.

"Sống là được tự do chinh phục những bước ngoặt hương sắc của cuộc đời", Đ.K. viết trong đoạn kết.

Hay như T.N.A.N. - lớp 11A12 - đã bày tỏ những suy nghĩ qua cảm nhận cuốn sách "Hoa thạch thảo" của tác giả Phương Uyên.

"Ta đang trong giai đoạn đẹp nhất của đời người, đó là tuổi thanh xuân. Đó là một hành trình năng nổ nhất của con người, là nơi mà ta đánh dấu được sự nổi bật của bản thân. Mình đôi khi lại để bản thân trôi qua một cách lãng phí mà bản thân không hề hay biết, đôi khi qua sự lười biếng trong việc học. Nhưng đến khi hối hận vì không kịp, vì thời gian luôn đối nghịch với tuổi tác…", nữ sinh trăn trở.

Bất ngờ bài tập nộp phạt khiến giáo viên xúc động rớt nước mắt - 3

Cảm nhận về cuộc sống, tuổi trẻ của A.N sau khi đọc sách (Ảnh: HN).

Để thanh xuân không trôi qua một cách lãng phí, A.N. cho rằng chỉ có việc học là một chìa khóa vàng để mở được cánh cửa thành công nhanh.

"Em sẽ cố gắng học thật giỏi, không vi phạm nội quy nhà trường để không uổng công sinh thành và mồ hôi công lao của ba mẹ dành cho em", A.N. tự hứa.

Với bài viết gần ba trang giấy ô ly sau khi đọc "Ba cô mèo cài hoa phượng", P.M.P.A. - lớp 11A4 - nói rằng qua việc đọc câu chuyện, em thấy bản thân cần thay đổi cách sống.

"Sống phải có những đặc điểm riêng biệt, dám nghĩ, dám làm… Bản thân phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt", P.A. rút ra bài học.

Chia sẻ với Dân trí, Lưu Nguyễn Quỳnh Trâm - học sinh lớp 12A10 - bày tỏ sự thú vị, tò mò với hình thức xử phạt mới.

"Em chưa được trải nghiệm hình xử phạt "lạ" như vậy nên cảm thấy khá thú vị. Em cho rằng dù xử phạt thế nào thì thầy cô cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất tới học sinh. "Hình phạt" đọc sách và viết cảm nhận cũng nhằm động viên các bạn lên thư viện hơn. Biết đâu nhìn sự đồ sộ cũng như kiến thức của thư viện, các bạn sẽ thích và sẽ nhớ lâu hơn", Quỳnh Trâm chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho hay, để giáo dục học trò có nhiều hình thức nhưng xử phạt bằng lao động chân tay không phải là một hình thức hay.

Đọc sách là có một hình thức xử phạt vừa nhân văn, vừa mang lại thông điệp giáo dục để thuyết phục người bị xử phạt.

Lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh đây là cơ hội giúp học sinh rút ra bài học kinh nghiệm sống, biết sửa sai nhưng đồng thời cũng là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành người sống có văn hóa, văn minh.

Ông Phú thông tin thêm nhiều học sinh sau khi bị xử phạt đã nói vui mong được phạt mãi.