Lạ lùng chuyện học sinh xin được nhà trường... xử phạt

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích…, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) vi phạm nội quy sẽ "được" phạt đọc sách.

Từ đầu tháng 4/2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) sẽ áp dụng hình thức xử phạt mới đối với học sinh vi phạm nội quy nhà trường.

Thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích… học sinh vi phạm nội quy được yêu cầu lên thư viện, tự chọn một quyển sách trong tủ sách "Hạt giống tâm hồn" để đọc và viết cảm nhận về nội dung cuốn sách.

Thông tin này sau khi được chia sẻ đã tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng học sinh. Nhiều ý kiến đánh giá đây là hình thức xử phạt nhân văn, thậm chí xin được phạt thường xuyên để được lên thư viện đọc sách.

Lạ lùng chuyện học sinh xin được nhà trường... xử phạt - 1

Thông tin vừa được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm (Ảnh chụp màn hình).

Lưu Nguyễn Quỳnh Trâm - học sinh lớp 12A10, Trường THPT Bùi Thị Xuân - bày tỏ sự thú vị, tò mò với hình thức xử phạt mới.

"Em chưa được trải nghiệm hình xử phạt "lạ" như vậy nên cảm thấy khá thú vị. Em cho rằng dù xử phạt thế nào thì thầy cô cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất tới học sinh. "Hình phạt" đọc sách và viết cảm nhận cũng nhằm động viên các bạn lên thư viện hơn. Biết đâu nhìn sự đồ sộ cũng như kiến thức của thư viện, các bạn sẽ thích và sẽ nhớ kiến thức lâu hơn", Quỳnh Trâm chia sẻ.

Tương tự, một nam sinh lớp 10A7 - Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng, đọc sách giúp em hiểu hơn ý nghĩa của các giá trị sống, qua đó xác định thái độ sống và hành vi ứng xử phù hợp.

Không chỉ đổi mới cách xử phạt, những tiết chào cờ đầu tuần của ngôi trường này đã thay đổi bằng những buổi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các bài học lịch sử, bài giảng về đạo đức, buổi trò chuyện, trao đổi thông tin giữa lãnh đạo nhà trường và học sinh…

Lạ lùng chuyện học sinh xin được nhà trường... xử phạt - 2

Một học sinh tham gia hình thức xử phạt đặc biệt này (Ảnh: NTCC).

Đinh Xuân Thái Huy - học sinh lớp 10A6 - chia sẻ rằng, tại buổi chào cờ đầu tuần, hầu như các bạn sẽ không hào hứng nếu phải ngồi nghe điểm lại thành tích, sai phạm tuần qua và nêu phương hướng tuần tới.

"Thay vì nói đến vi phạm, lãnh đạo nhà trường đổi thành những chia sẻ, tâm sự rất gần gũi giữa thầy hiệu trưởng với học sinh. Em thấy rất thú vị, tạo được sự gắn kết thầy trò. Đôi khi, em còn cảm giác giống như người thân đang ngồi nói chuyện với nhau. Có thể một ngày nào đó trong tương lai em sẽ xung phong lên trao đổi trực tiếp với thầy", Thái Huy bày tỏ.

Về hình thức xử phạt đọc sách, nam sinh này cho rằng người bị phạt cần thực sự cảm nhận được lợi ích từ việc đọc sách để không thực hiện theo hướng chống đối sẽ khó thấy giá trị nội dung. Khi làm chống đối thì học sinh có thể nhờ các công cụ bên ngoài như ChatGPT, Google để viết cảm nhận. 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho hay để giáo dục học trò có nhiều hình thức nhưng xử phạt bằng lao động chân tay không phải là một hình thức hay.

Ông cho rằng cần có một hình thức xử phạt vừa nhân văn, vừa mang lại thông điệp giáo dục để thuyết phục người bị xử phạt.

Lạ lùng chuyện học sinh xin được nhà trường... xử phạt - 3

Buổi nói chuyện đầu tuần hôm 24/4 của Trường THPT Bùi Thị Xuân với chủ đề về 4 sự kiện lịch sử quan trọng với 4 từ khóa: Tây Sơn - Bạch Đằng - Vạn Xuân - Diên Hồng (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Từ trăn trở về trẻ em ngày nay đang quá tập trung vào điện thoại thông minh mà xao nhãng văn hóa đọc, vấn đề bạo lực học đường, trầm cảm, hoàn cảnh trắc trở… cũng tạo áp lực không nhỏ lên các em, lãnh đạo nhà trường cho rằng cần bồi đắp tâm hồn, tình cảm của các em qua đọc sách.

Ông Phú bày tỏ rằng việc đổi mới hình thức xử phạt học sinh nhằm "đánh" sâu hơn vào nhận thức của học sinh nhưng không tạo tâm lý nặng nề, căng thẳng.

Học sinh được rèn luyện thói quen đọc sách, tiếp nhận các bài học về đạo đức một cách nhẹ nhàng, dễ chịu.

Sau đó, học sinh được yêu cầu viết bài cảm nhận, nêu lên suy nghĩ của bản thân trước các hành vi chưa phù hợp trong xã hội. Qua đó, thầy cô và cha mẹ hiểu hơn về suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của các em để có sự định hướng và đồng hành phù hợp.

"Những câu chuyện "Hạt giống tâm hồn" có thể đánh thức các em về tình yêu gia đình, tình cảm dành cho ông bà, cha mẹ… Nhà trường xử phạt bằng tấm lòng yêu thương để giúp các em cảm nhận những giá trị nhân văn.

Khi các em biết yêu thương cha mẹ, ông bà, lúc đó sẽ học được cách yêu thương, quan tâm những người xung quanh, gieo những hạt giống nhân cách tốt đẹp trong tâm hồn. Bất cứ đứa trẻ nào hướng về gia đình, yêu thương ông bà, cha mẹ thì đều sống tốt", Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ.

Lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh đây là cơ hội giúp học sinh rút ra bài học kinh nghiệm sống, biết sửa sai nhưng đồng thời cũng là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành người sống có văn hóa, văn minh.

Ông Phú thông tin thêm nhiều học sinh sau khi bị xử phạt đã có bài viết thu hoạch rất sâu sắc, có em nói vui mong bị phạt mãi.

Không chỉ "Hạt giống tâm hồn", các đầu sách về tấm gương người con hiếu thảo, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… cũng được nhà trường bổ sung vào tủ sách để học sinh đọc và viết cảm nhận, giúp các em trở thành người sống có ích, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Trước đó, đổi mới biện pháp xử phạt học sinh vi phạm, áp dụng  hình thức xử phạt tích cực cũng được một số trường học triển khai như: Đọc sách, viết bài luận, phạt viết thư xin lỗi, phạt trồng rau... 

Tuy nhiên cũng không ít trường học còn xử phạt học sinh bằng những cách thô bạo như: phạt quỳ gối, phạt úp mặt vào tường, dùng kéo cắt tóc, phạt ăn trong nhà vệ sinh, thậm chí là bạo lực học đường... 

Nhiều giáo viên đang hướng tới những cách phạt học sinh hiệu quả giúp học sinh vẫn phải chịu phạt do lỗi sai của bản thân mà mang lại hiệu quả cao, không bị mất đi tác phong giáo dục của thầy cô.