Bị cấm, giáo viên vẫn giao bài tập về nhà
Nhiều năm nay Bộ GD&ĐT nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày nhằm giảm áp lực. Trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn “vượt rào” giao thêm bài tập ngay từ lớp 1...
Học 2 buổi/ngày, học cả thứ bảy
Nguyễn Gia Hân học lớp 1 một trường ở huyện Thanh Trì, Hà Nội không học tiền lớp 1. Mỗi tối bố mẹ không kèm bé học bài.
“Con phải thức dậy từ 6 giờ 30 ăn sáng, đến trường. Buổi chiều, bố mẹ đón con lúc 6 giờ, về ăn cơm nên nếu bắt con tiếp tục học bài, cả ngày con căng thẳng, áp lực”, anh Đức Minh, phụ huynh bé Hân, nói.
Đến tuần thứ 2, gia đình liên tục nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm yêu cầu nhắc nhở con hoàn thành bài tập. Dù quy định không chấm điểm nhưng cô giáo dùng hình thức con dấu “cô khen”, “con cần cố gắng”, “con viết chậm” hay thưởng hoa và không được thưởng để đánh giá cũng khiến con không muốn thua kém bạn trên lớp.
Những tin nhắn đó khiến bố mẹ bé Hân không thể ngồi yên mà buộc phải bố trí thời gian kèm con học.
Nhiều phụ huynh nói rằng, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều được giao bài tập về nhà với mức độ giao khác nhau. Có giáo viên chỉ giao 1 tờ phiếu ôn lại kiến thức đã học nhưng cũng có giáo viên giao bài quá nặng.
Ví dụ ở lớp 1, có cô giáo giao học sinh viết 2 tờ, đọc thuộc 1 bài thơ, làm bài tập Toán 1-2 trang vào buổi tối, khiến các em mất nhiều thời gian mới hoàn thành.
Một phụ huynh có con học khối 1-2 ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ngay trong buổi họp đầu năm lớp 1, một phụ huynh đề xuất giáo viên tổ chức dạy thêm cho các con vào 1 ngày cuối tuần.
“Học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường, không nên giao thêm bài tập về nhà. Buổi tối, bố mẹ chỉ cần cho con ôn lại nội dung kiến thức đã học trên lớp, chuẩn bị bài ngày mai”.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A8, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội)
Ở cuối lớp, nhiều phụ huynh khác không đồng tình nhưng khi đại diện hội cha mẹ học sinh đưa tờ danh sách đăng ký cho con học thêm cuối tuần, những phụ huynh xì xào lúc trước vẫn lẳng lặng ký tên vào tờ giấy.
Gây áp lực cho học sinh?
Bà Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội), nói: “Về nguyên tắc, giáo viên không nên giao thêm bài tập về nhà nhưng để tạo thói quen, nề nếp cho học sinh mỗi tối, các con vẫn nên ngồi vào bàn học một thời gian nhất định.
Ví dụ lớp 1 chỉ cần ngồi học 30 phút, lớp 2,3,4,5 tăng dần lên, trong đó các em ôn lại bài cũ và chuẩn bị bài cho ngày mai. Nếu học xong trên lớp cả ngày rồi tối chơi hoàn toàn là không nên”.
Theo bà Yến, Bộ GD&ĐT quy định không giao bài tập về nhà sẽ rất khó cho các trường, mà chính xác nên dùng cụm từ giáo viên không nên giao thêm bài tập về nhà cho học sinh, bởi vì, việc cho con ôn lại bài cũ, chuẩn bị bài mới, những bài nào con làm sai trên lớp về nhà hoàn thiện nốt sẽ rất tốt.
Hoặc ở lớp 1, con chưa biết cầm bút, về nhà nên luyện thêm nội dung bài cũ một chút.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội), cho rằng, buổi tối, học sinh cần làm bài tập đơn giản ở nhà nhằm hình thành tinh thần, trách nhiệm, rèn khả năng tự học. Qua đó giúp phụ huynh biết hôm nay trên lớp con học gì, đồng thời học sinh ôn lại kiến thức đã học.
“Tuy nhiên, bài tập giao cho học sinh chỉ nên là những bài cơ bản trong chương trình, không nên giao bài nâng cao, giao nhiều để học sinh phải áp lực”, bà Nương nói.
Một hiệu trưởng khác cũng cho rằng, đa số phụ huynh đều đồng tình với việc giao thêm bài để con học tối.
Nhiều giáo viên hiện giao bài nhiều do họ được giao quyền tự chủ phương pháp giảng dạy, nhưng nhà trường quản lý chất lượng đầu ra học sinh. Cụ thể, cuối năm học, trường đánh giá học sinh bằng đề kiểm tra chất lượng chung, giáo viên chấm chéo bài học sinh của nhau.
Do đó, việc giao học sinh viết nhiều chữ đẹp, giao nhiều bài tập hay học thêm, dạy thêm cũng một phần đáp ứng kỳ vọng của giáo viên, phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, cho rằng, với chương trình mới, xác định phát triển năng lực học sinh, giáo viên tự xây dựng kế hoạch dạy học, do đó, thực tế lớp học em nào giỏi, đã biết mặt chữ thì yêu cầu khác, em nào tiếp thu chậm hơn thì yêu cầu nhẹ hơn. Không nên có những nhận xét như: con học chậm, viết chậm, viết xấu…để phụ huynh lo lắng.
Bà Tiến cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm chuyện giáo viên kéo học sinh ra trung tâm dạy thêm, tránh gây áp lực cho học sinh.