Bất cập trong xét tuyển ĐH: Đổi mới giáo dục đã bị che khuất
(Dân trí) - “Đổi mới trong công tác xét tuyển không chỉ giúp thí sinh chủ động chọn lựa ngành nghề mà còn giúp các trường nâng chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, quá trình thực tế đã nảy sinh một số vấn đề, khiến cho những đổi mới ấy bị che khuất…”
Đó là nhận định của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khi đánh giá về đợt 1 xét tuyển ĐH năm 2015.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Đánh giá sao về đổi mới kỳ thi năm nay và đợt xét tuyển NV1 vừa qua, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: Tôi thấy sự đổi mới là rất lớn và rất rõ rệt, thể hiện sự quyết tâm của ngành Giáo dục. Đánh giá một cách khách quan, đợt xét tuyển NV1 vừa qua có những thành công nhất định. Đổi mới trong công tác xét tuyển không chỉ giúp thí sinh chủ động chọn lựa ngành nghề mà còn giúp các trường nâng chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, quá trình thực tế đã nảy sinh một số vấn đề, khiến cho những đổi mới ấy bị che khuất.
Vậy nguyên nhân nảy sinh phức tạp như xét tuyển nguyện vọng 1 đại học vừa qua đến từ đâu, có phải do Bộ GD-ĐT chủ quan chưa lường hết được tình huống này. Thưa ông?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Có một số nguyên nhân. Ví dụ như sự ngộ nhận của phụ huynh và thí sinh về năng lực thật của các em.
Do phải tích hợp 2 kỳ thi trong 1, bài thi năm nay điểm khá cao, gây ngộ nhận cho thí sinh và gia đình. Thực chất, những em 18-19 điểm năm nay chỉ tương đương 13-14 điểm năm ngoái nhưng ít ai, kể cả báo chí, đề cập vấn đề này làm các em cứ nghĩ 18-19 điểm là có thể vào các trường tốp trên và tập trung nộp hồ sơ vào các trường này khiến giờ chót phải rút.
Một số trường chậm phân tích dữ liệu các năm trước để đưa ra điểm nộp hồ sơ phù hợp với trường mình. Nên nhớ là các em thí sinh rất non nớt, khi thấy các trường công bố 15 điểm là có thể nộp và các em nghĩ là điểm có thể đậu. Điều này lại gây thêm sự ngộ nhận thứ hai còn trầm trọng hơn vì có cả trăm ngàn thí sinh khu vực 15-20 điểm nộp sai địa chỉ...
Nhìn ở góc độ xã hội, cá nhân ông thấy trách nhiệm của Bộ GD&ĐT đến đâu sau đợt xét tuyển NV1 vừa qua?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT đã làm một việc rất tốt: Đó là đổi mới. Chúng ta phải đổi mới, không thể chấp nhận mãi cái cũ. Đã chấp nhận đổi mới thì phải đương đầu với trở lực, trở ngại, những rủi ro.
Cái chúng ta cần đồng cảm với Bộ GD&ĐT. Bộ đã dám đổi mới, chúng ta nên chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn.
Việc rút kinh nghiệm, nhận trách nhiệm của người đứng đầu Ngành thật sự là tinh thần cầu thị rất tốt. Với tinh thần luôn luôn lắng nghe như vậy, tôi tin giáo dục Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đặc biệt trên phương diện tuyển sinh.
Ông có kiến nghị gì để việc đổi mới của Bộ GD&ĐT được tốt hơn, tạo được sự đồng thuận lớn hơn từ xã hội?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Việc gộp hai kỳ thi là một sự đổi mới rất tốt, tiết kiệm được rất nhiều cho xã hội, duy chỉ có khâu xét tuyển có một chút trục trặc cần điều chỉnh, cần có sự chung tay từ các trường, các chuyên gia CNTT tăng cường về phần mềm. Bên cạnh đó, cần cân nhắc về cho thí sinh nhiều sự lựa chọn, thời gian xét tuyển.
Hiện sự phân tầng ĐH vẫn chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập, khiến cho công tác phân loại thí sinh chưa tốt. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu thêm khía cạnh này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cần giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục - đào tạo Đánh giá về đợt xét tuyển NV1 ĐH năm nay, TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm - khẳng định: Sự đổi mới của kỳ thi là không thể không thừa nhận. Nhưng chính những nảy sinh từ thực tế đã khiến sự đổi mới bị “che mờ”. Theo TS Trần Đình Lý, những mặt được của kỳ thi năm nay nằm ở chỗ: Việc phối hợp tổ chức thi theo cụm có sự tham gia của các trường ĐH, các Sở GD&ĐT trong các khâu coi thi, chấm thi và ra đề để đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc của kỳ thi... Cái được thứ hai là giảm áp lực và tiết kiệm do chỉ tổ chức 1 kỳ thi và kết quả sử dụng cho 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ... Cái được thứ ba chính là việc có kết quả mới đăng ký nguyện vọng là một chính sách tốt, giúp thí sinh có thể chủ động chọn lực ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, để tốt hơn cho đợt xét tuyển tới và kỳ thi năm sau, TS Trần Đình Lý cho rằng, khi đổi mới, việc gặp khó khăn là đương nhiên. Tuy nhiên, thái độ trước những khó khăn vướng mắc là rất quan trọng. Theo đó, cần tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan truyền thông báo chí để tất cả đều hiểu, biết ý nghĩa, bản chất của kỳ thi "2 trong 1" có những khó khăn thuận lợi ra sao…Để từ đó tiếp nhận những góp ý, phản biện tốt ngay từ đầu để các thông tin được thông suốt, trực tiếp. Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần quán triệt mạnh mẽ hơn tinh thần giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục - đào tạo. Các cơ sở sẽ chủ động và có trách nhiệm với nhiệm vụ quan trọng này. Việc đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị (server, đường truyền chẳng hạn...) cho đổi mới là rất quan trọng, góp phần quyết định vào việc thành công hay không của kỳ thi. Vì thế, cần tiên lượng và xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ đáp ứng. Công tác chỉ đạo, điều hành khi tổ chức một kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc khá phức tạp, dễ có sai sót, khó khăn sẽ phát sinh trong quá trình tổ chức là tất yếu... Do đó, những văn bản điều chỉnh, bổ sung trước những sự thay đổi mà ảnh hưởng đến nhiều bên liên quan cần được cân nhắc…Từ đó sẽ giảm bớt sự phức tạp.
|
An Đông (thực hiện)