Góp ý đổi mới tuyển sinh: Giảm thời gian xét tuyển đại học
(Dân trí) - Mỗi đợt xét tuyển cần giảm thời gian xuống còn 15 ngày; Xét tuyển đợt 1 thí sinh nộp giấy đăng ký xét tuyển một lần và không được rút ra; Xét tuyển bổ sung đợt 2, hay 3… có thể mở rộng cơ hội hơn cho thí sinh…
Đó là ý kiến góp ý đổi mới tuyển sinh của PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội.
Năm 2015 là năm đánh dấu bước đột phá trong công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng với việc thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và sử dụng kết quả chung để xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Nếu như sau khi kết thúc phần tổ chức thi và xét tốt nghiệp chúng ta đã thấy được những mặt tích cực của phương án này thì thời gian sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số vấn đề, gây nên những bức xúc nhất định trong xã hội.
Để có sự nhìn nhận khách quan về kỳ thi và rút kinh nghiệm cho các kỳ thi tới, chúng ta cần phân tich cụ thể những điểm được và những vấn đề còn hạn chế nhằm hoàn chỉnh phương án thi THPT quốc gia một cách tốt nhất.
Rút – nộp hồ sơ: Thiện ý tạo cơ hội cho thí sinh
Điều dễ nhận thấy là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp đã thực hiện được mục tiêu của cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Lợi ích của nó còn được nhân lên vì trong kỳ thi đại học trước đây được tổ chức với 3 đợt thi khác nhau, gây không ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và cả xã hội. Đợt thi đã không gây nên những vấn đề xã hội lớn như: đi lại và tắc nghẽn giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự xã hội…
Để tổ chức tốt kỳ thi, công tác chuẩn bị cũng đã được thực hiện khá chu đáo và được điều chỉnh một cách linh hoạt. Một trong những vấn đề khó nhất của kỳ thi là cấu trúc đề thi đã đáp ứng về cơ bản mục tiêu của cả hai đợt thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng và được phép rút chuyển hồ sơ linh hoạt, công bằng mà nói là với thiện ý tạo cơ hội tối đa cho thí sinh, khắc phục tình trạng thí sinh có kết quả thi cao vẫn không trúng tuyển vào đại học, cao đẳng.
Cách xét tuyển đợt 1 còn tạo nên hệ lụy lâu dài
Những bức xúc phát sinh chủ yếu trong xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1mà hệ lụy của nó lại xuất phát từ những thiện ý có lợi cho thí sinh của cơ quan quản lý giáo dục. Vậy tại sao một quy định có lợi cho thí sinh lại được tiếp nhận thiếu tích cực như vậy ?.
Có thể nhận thấy, nếu thí sinh năng động và có tính tự chủ cao cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin tốt hơn thì việc thực hiện theo quy định xét tuyển của Bộ Giáo dục Đào tạo không đến nỗi tốn nhiều sinh lực của cả phụ huynh và thí sinh như đã xảy ra. Đây cũng là hệ quả của sự thiếu hụt trong giảng dạy kỹ năng ở bậc phổ thông mà chúng ta đang cố gắng khắc phục.
Vấn đề phân loại kết quả thi cũng cần được đề cập. Bản thân cấu trúc đề thi đã có tính phân loại khá tốt. Tuy nhiên, do dùng thang điểm 10, trong đó điểm nhỏ hơn 6 chủ yếu sử dụng cho mục tiêu xét tốt nghiệp, điểm 9 đến 10 thuộc về thí sinh giỏi và xuất sắc và có số lượng không nhiều, nên khoảng điểm phân loại chủ yếu dành cho xét tuyển đại học, cao đẳng nằm trong khoảng từ 6 đến 8 là quá hẹp để tạo nên sự phân loại kết quả thi.
Theo cách xét tuyển đợt 1 còn tạo nên hệ lụy lâu dài, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tòan diện của các lĩnh vực khoa học. Phần lớn thí sinh giỏi và xuất sắc đều tập trung vào một số ngành. Theo cách tuyển sinh trước đây nhìn chung hạn chế được vấn đề này. Hầu như các ngành đều có những thí sinh giỏi rúng tuyển và đây là những hạt nhân quan trọng trong sự phát triển của một ngành chuyên môn.
Giảm thời gian xét tuyển
Để phát huy những ưu điểm của phương án thi THPT quốc gia và không tạo nên xáo trộn nhiều, việc tổ chức xét tuyển đại học cao đẳng cần có một số điều chỉnh sau:
Mỗi đợt xét tuyển cần giảm thời gian xuống còn 15 ngày.
Xét tuyển đợt 1 thí sinh nộp giấy đăng ký xét tuyển một lần và không được rút ra; nếu chưa có điều kiện tốt về công nghệ thông tin thì thí sinh có thể nộp giấy xét tuyển qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. Thí sinh nộp giấy xét tuyển qua đường bưu điện thì thời hạn xét tuyển theo dấu bưu điện. Các cơ sở đào tạo cần thông tin cập nhật kết quả đăng ký của thí sinh để có cơ sở định hướng tốt cho thí sinh lựa chọn. Theo cách này thì tương đương với cách tuyển nguyện vọng 1 theo phương án “3 chung” trước đây.
Xét tuyển bổ sung đợt 2, hay 3… có thể mở rộng cơ hội hơn cho thí sinh. Nếu sử dụng 3 giấy đăng ký, mỗi giấy có 4 nguyện vọng như công bố hiện nay sẽ phát sinh lượng thí sinh ảo rất lớn và gây khó khăn nhiều cho cơ sở đào tạo, nhất là trong điều kiện các trường lại bị không chế không được tuyển vượt chỉ tiêu. Để hài hòa lợi ích của thí sinh và giảm bớt khó khăn cho các cơ sở đào tạo, nên sử dụng các giấy đăng ký bổ sung đợt 2, 3 như trước đây.
Trong mỗi giấy đăng ký xét tuyến được ghi 3 nguyện vọng là phù hợp. Điểm khác ở đợt xét tuyển bổ sung lần 2 là thí sinh được rút hồ sơ 1 đến 2 lần. Những đợt xét bố sung còn lại thí sinh có thể nộp và rút tự do trong thời gian xét tuyển. Cách xử lý như vậy sẽ phù hợp với lượng thí sinh giảm dần sau mỗi đợt xét tuyển nhưng vẫn tạo cơ hội tốt cho thí sinh.
Để có kết quả thi phân loại tốt hơn, cần nghiên cứu phương án sử dụng thang điểm 20 như đã dự thảo trước đây.
PGS.TS Lê Trọng Thắng – Trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội