Bắc Ninh: Hàng trăm giáo viên dạy hợp đồng mất việc

(Dân trí) - Sau kỳ tuyển viên chức, hàng trăm giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) không trúng tuyển đều bị chấm dứt hợp đồng. Ấm ức với cách làm “tùy tiện, vắt chanh bỏ vỏ” nên nhiều giáo viên đã đứng lên đòi quyền lợi.

Theo phản ánh của nhiều giáo viên (GV) hợp đồng thì kỳ thi tuyển viên chức vừa qua là một sân chơi không “sòng phẳng” thậm chí có những dấu hiệu tiêu cực bởi phương thức xét tuyển mà huyện Yên Phong đưa ra.

Cụ thể, hình thức tuyển dụng được thông qua việc xét tuyển qua hồ sơ và phỏng vấn. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn. Trong đó điểm học tập, điểm tốt nghiệp được quy đổi ra thang điểm 100 và tính hệ số 1, đối với điểm phỏng vấn xác định theo thang điểm 100 mà tính hệ số 2.

“Như vậy việc xét tuyển ở đây không tính điểm ưu tiên đối với những GV có thâm niên công tác, không thi thực hành về chuyên môn. Nói cách khác, GV hợp động chịu thiệt thòi toàn diện bởi bằng cấp của đội ngũ trẻ ngày này “đẹp” hơn. Bên cạnh đó, ở phần thi phỏng vấn thì lại không có thiết bị giám sát, ghi âm, ghi hình…, không phúc khảo nhưng lại được nhân hệ số 2” - cô K.T.D, GV dạy hợp đồng hơn 10 năm phân tích.

Bỏ rơi đối tượng được “đặc cách”?

Theo kế hoạch tuyển dụng, huyện Yên Phong sẽ chỉ ưu tiên tuyển thẳng những trường hợp là con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng hay tuyển thẳng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh là thạc sỹ, tiến sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh và những trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 3 Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 14 NĐ 29/2012/NĐ-CP và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ với nội dung: “Người có kinh nghiệm hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xem xét tuyển dụng đặc cách vào viên chế”.

Nhiều giáo viên dạy hợp đồng bật khóc khi trao đổi với phóng viên
Nhiều giáo viên dạy hợp đồng bật khóc khi trao đổi với phóng viên Dân trí.

Theo nhiều GV ở huyện Yên Phong thì nếu chiếu theo thông tư 15 thì GV hợp đồng có thâm niên công tác 3 năm trở lên là được xem xét tuyển dụng đặc cách, nhưng việc tuyển dụng ở huyện Yên Phong lại không áp dụng quy định này.

“Mười năm qua chúng tôi dạy hợp đồng với biết bao nỗi trăn trở từ lúc đi dạy tuổi mới đôi mươi, lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng mà nhiều năm liền không được tăng lương do là GV hợp đồng. Có người 8 năm liền vẫn ăn lương bậc 1 nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám trường bám lớp khắc phục mọi khó khăn để đạt được ước mơ được giảng dạy. Có những GV hợp đồng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn phải dựa vào lương để nuôi bố mẹ già và con thì bị bệnh hiểm nghèo. Có gia đình cả vợ, chồng đều là GV hợp đồng lại phải nuôi 2 con nhỏ kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào lương GV. Nhà ở kiên cố còn chưa có. Hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn vậy mà nay bị đuổi việc không biết phải sống ra sao” - cô L.T.H. bày tỏ.

Chưa hết năm học đã cắt hợp đồng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường việc ký hợp đồng lao động đối với GV thường là 1 năm học. Tuy nhiên, khi năm học chưa kết thúc và đang là tháng cao điểm của việc thi, tổng kết điểm học kì II thì nhiều trường tiểu học, THCS của huyện Yên Phong “thừa lệnh” của cấp trên chấm dứt hợp đồng để bàn giao cho người mới trúng tuyển.

Sở dĩ có tình trạng này là do trước đó, ngày 25/9/2013 UBND huyện Yên Phong ra thông báo số 564/VC- UBND về các đối tượng hợp đồng theo đó mọi hợp đồng (bao gồm cả hợp đồng dài hạn của tỉnh, của huyện) tại các trường trong toàn huyện trước đây đều không còn giá trị nếu không đỗ đợt tuyển viên chức năm 2013.

Nhiều giáo viên dạy hợp đồng bật khóc khi trao đổi với phóng viên
Công văn của Phòng Nội vụ huyện Yên Phong (Bắc Ninh) yêu cầu các trường chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên dạy hợp đồng không trúng tuyển viên chức.

Tháng 1/2014, huyện Yên Phong thông báo kết quả của đợt xét tuyển viên chức. Hầu hết hàng trăm GV hợp đồng đều không trúng tuyển do điểm phỏng vấn thấp hơn hẳn so với các ứng viên trẻ tuổi. Đơn cử, Trường THCS Dũng Liệt có 22 GV hợp đồng/33 GV toàn trường nhưng chỉ 2 người đỗ, THCS Văn Môn có 22 GV hợp đồng/45 GV toàn trường nhưng chỉ 4 người đỗ. Trường THCS Thụy Hòa có tới 16/32 GV nằm trong diện hợp đồng, với kết quả xét tuyển vừa rồi, chỉ có 2 GV đủ điểm, còn 14 người… mất việc.

Ngày 24-25/4, Phòng Nội vụ của huyện Yên Phong đã trao quyết định tuyển dụng, điều động viên chức trúng tuyển ngành giáo dục đào tạo năm 2013. Sau đó, đơn vị này tiếp tục gửi công văn hướng dẫn ký hợp đồng làm việc với viên chức trúng tuyển và chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động hợp đồng không trúng tuyển.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dạy học cũng như chưa chấp nhận quyết định chấm dứt hợp đồng còn chưa hợp lý nên chiều 5/5, nhiều GV dạy hợp đồng vẫn lên lớp bình thường. GV mới được tuyển cũng đến lớp nhưng không tham gia giảng dạy.

Phòng Nội vụ huyện Yên Phong nói gì?

Để tìm hiểu thêm vấn đề, phóng viên Dân trí cũng đã làm việc với ông Lê Kim Trường - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong. Ông Trường khẳng định: “Về cơ bản, huyện đã tuân thủ đúng nguyên tắc trong công tác xét tuyển viên chức; những vấn đề mang tính phát sinh từ thực tế như vậy, huyện phải được các cơ quan chức năng cấp trên chấp thuận thì mới áp dụng được”.

Cũng theo ông Trường, huyện Yên Phong chỉ là đơn vị thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên (Sở Nội vụ Bắc Ninh, UBND tỉnh) về việc tuyển dụng. Từ khâu xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu…đều được cấp trên đồng ý mới triển khai.

Liên quan đến việc nhiều GV cho rằng mình thuộc đối tượng được “đặc cách” tuyển dụng, ông Trường bày tỏ: “Chúng tôi cũng đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Sở Nội vụ về việc đặc cách tuyển dụng cho các GV hợp đồng có thâm niêm công tác 3 năm trở lên nhưng không được đồng ý. Huyện cũng rất muốn thực hiện khoản 1 Điều 14 NĐ 29/2012/NĐ-CP và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ nhưng cấp trên không đồng ý thì cũng đành chịu”.

Ông Lê Kim Trường - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong (Bắc Ninh)
Ông Lê Kim Trường - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
 
Theo công văn của Sở Nội vụ Bắc Ninh trả lời Chủ tịch UBND huyện Yên Phong về việc xét tuyển đặc cách vào viên chức thì lý do đề nghị của huyện bị “bác” là do đơn vị này đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ nhưng chưa nhận được câu trả lời. Bên cạnh đó, việc các trường vẫn sử dụng hợp đồng lao động chuyên môn (thậm chí có người làm hợp đồng từ trước năm 2004) là không đúng với chỉ đạo của cuả Bộ Nội vụ tại công văn số 537/BNV-CCVC ngày 15/3/2004...

Vì những lý do trên nên Sở Nội vụ không dám phê duyệt việc xét tuyển đặc cách đối với các trường hợp đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Vì nếu tuyển đặc cách còn ưu tiên hơn cả chính sách cộng điểm ưu tiên trong thi, xét tuyển.

Về việc không cộng điểm ưu tiên thâm niên khi tuyển dụng, ông Trường cho hay: “Đây là vấn đề của cấp trên bởi theo văn bản hướng dẫn thì không có quy định này”.

Trả lời câu hỏi tại sao trong 10 năm qua huyện Yên Phong không tổ chức đợt thi hay xét tuyển viên chức nào, ông Trường cho biết đây là vấn đề của lịch sử, ông không nắm rõ vì mới lên lãnh đạo được hơn 1 năm nay.

Cũng theo ông Trường, lãnh đạo UBND huyện Yên Phong sẽ có quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu cụ thể từng trường hợp GV thuộc diện hợp đồng lao động bị chấm dứt hợp đồng để đề xuất hướng giải quyết.

Theo hướng của huyện Yên Phong thì nếu sau khi phân bổ viên chức trúng tuyển và còn chỉ tiêu biên chế thì UBND sẽ xem xét hợp đồng lao động theo từng vị trí việc làm còn thiếu cho đến khi huyện tổ chức xét tuyển viên chức và có kết quả trúng tuyển.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Nguyễn Hùng