Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Thi phỏng vấn sẽ có ghi âm, ghi hình

(Dân trí) - Chiều 16/5, Bộ Nội vụ đã có buổi gặp mặt báo chí thường kỳ trong đó vấn đề tuyển dụng giáo viên ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) được phần lớn các báo đề cập. Bộ Nội vụ đã thông tin vụ việc cũng như đưa ra những giải pháp để khắc phục.

Cuộc trao đổi kéo dài khoảng gần 2 giờ đồng hồ và chủ yếu tập trung vào vấn đề tuyển dụng giáo viên ở huyện Yên Phong nói riêng, và tuyển dụng viên chức ở cả nước nói chung. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trực tiếp trả lời những bất cập và báo Dân trí đã đăng tải. Bên cạnh đó cũng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn các văn bản nhằm đảm bảo việc tuyển dụng viên chức công khai, minh bạch, không có tiêu cực…

Bộ Nội vụ sẽ xem xét điều chỉnh các bất cập

Liên quan đến việc Dân trí phản ánh tình trạng tuyển dụng ở huyện Yên Phong yêu cầu ứng viên nộp bảng điểm trước có thể dẫn đến tiêu cực, bà Lê Minh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức chia sẻ: “Quy chế xét tuyển được quy định ở thông 16/2012/TT-BNV. Trong này quy định các ban được quy định rất là chặt chẽ và họ thực hiện đúng trọng trách của mình. Ban phỏng vấn không được biết bảng điểm, bảng điểm này là do bộ phận tổng hợp giúp việc cho Hội đồng để đưa ra quyết định cuối cùng. Chính vì thế sẽ không có ảnh hưởng gì khi nộp bảng điểm trước hay nộp bảng điểm sau. Có thể nộp bảng điểm trước nhưng việc bảo mật là trách nhiệm của Hội đồng để đưa ra cuối cùng sau đó ghép với kết quả phỏng vấn”.

Bà
Lê Minh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức phản hồi những vấn đề mà báo Dân trí đề cập.

Tuy nhiên bà Hương cũng thừa nhận, nếu trong quá trình thực hiện mà để lộ ra bảng điểm này đối với người phỏng vấn thì sẽ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực. Về quy chế mà nói thì điều này là không được phép.

Với câu hỏi của PV Dân trí đặt ra: Tại sao việc nộp bảng điểm sau khi biết kết quả thi phỏng vấn (hoặc thực hành) sẽ đảm bảo khách quan mà khó có tiêu cực thì lại không quy định mà lại để tình trạng nộp trước có thể dẫn đến tiêu cực?

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận: “Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra, quan điểm của tôi thì nghiêng về việc nộp bảng điểm sau. Khi nộp hồ sơ thì đã có bằng tốt nghiệp rồi. Chính vì thế, việc nộp bảng điểm sau sẽ đảm bảo khách quan, minh bạch và khó có tiêu cực. Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu nội dung này để có hướng dẫn cụ thể sau. Ngay bây giờ đòi hỏi có hướng dẫn ngay thì rất khó vì phải có quy trình, thủ tục”.

Về thông tin của PV Dân trí đề cập đến việc thành viên ban kiểm tra, sát hạch của huyện Yên Phong không gắn liền với chuyên môn tuyển dụng, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn yêu cầu Vụ công chức - viên chức kiểm tra thông tin và có hướng xử lý. Riêng với trường hợp tốt nghiệp đúng chuyên ngành tuyển dụng nhưng vẫn trúng tuyển viên chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu Vụ Công chức - Viên chức thanh tra, kiểm tra ngay.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thường kỳ của Bộ Nội vụ
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thường kỳ của Bộ Nội vụ.

Trước câu hỏi của báo chí, hướng xử lý của Bắc Ninh tiếp tục hợp đồng ngắn hạn đối với giáo viên trượt viên chức vừa qua liệu có đúng quy định của pháp luật, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn bày tỏ: Việc tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thì dù ở bất cứ cơ quan nào thuộc các Bộ, ngành, ở các địa phương đều đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì cũng cần phải chú ý để bảo vệ quyền lợi người lao động theo hướng có lợi nhất mà không trái với các quy định của pháp luật. Những gì có lợi cho người lao động thì quan điểm của Bộ Nội vụ là cũng bảo vệ theo hướng ủng hộ nhưng trên nguyên tắc đúng các quy định của pháp luật.

“Sau khi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, tôi đã về chỉ đạo Vụ Công chức - Viên chức phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát để đưa ra một văn bản hướng các địa phương trong việc tăng cường công tác tuyển dụng công chức, viên chức. Theo đó, việc ký hợp đồng lao động để làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải trong phạm vi định mức hoặc số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của Bộ Luật Lao động, trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp công lập” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, ngày 9/5, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ về công tác tuyển dụng của huyện Yên Phong. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh thì việc tổ chức, tuyển dụng giáo viên năm 2013 ở UBND huyện Yên Phong tiến hành đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ và đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với việc để lâu năm không tổ chức tuyển dụng để tồn đọng giáo viên hợp đồng thì UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra hình thức kiểm điểm hàng loạt các cá nhân liên quan, có trường hợp phải chuyển công tác.

Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm thiếu sót về việc ra văn bản trả lời chậm Sở Nội vụ Bắc Ninh về vụ việc ở huyện Yên Phong. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã yêu cầu Vụ Công chức - Viên chức tiến hành kiểm điểm các cá nhân liên quan và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật.

Ghi âm, ghi hình để đảm bảo khách quan

Tại buổi gặp báo chí, Thứ trưởng Tuấn nhìn nhận: Qua vụ việc Yên Phong - Bắc Ninh, Bộ Nội vụ cũng thấy cần phải xem xét lại các quy định để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, tránh những dị nghị liên quan đến tiêu cực trong công tác tuyển dụng viên chức. Chẳng hạn như, khi phỏng vấn có lẽ cần phải ghi âm, ghi hình để sau này khi có khiếu nại có thể kiểm tra lại được nội dung phỏng vấn. Khi tiến hành phỏng vấn phải cho điểm ngay, công khai cho người dự thi biết.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Đối với công tác tuyển dụng giáo viên thì nên thực hiện theo phương pháp thực hành. Sau này Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT (hoặc Bộ Y tế khi liên quan đến tuyển dụng đội ngũ bác sỹ) - những đơn vị quản lý về chuyên ngành để có thể đưa ra được những hướng dẫn cụ thể hơn.

Liên quan đến việc các địa phương đang băn khoăn về việc có nên tuyển ứng viên có bằng tại chức vào các vị trí tuyển dụng đặc thù hay không, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định: “Về mặt nguyên tắc, tất cả những người được cấp bằng quốc gia dù được đào tạo dưới hình thức nào hay loại hình nào thì đều bình đẳng trước pháp luật. Giá trị bằng cấp có pháp lý như nhau. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng thì phải thông qua việc đánh giá thể hiện qua các phần thi xét tuyển hoặc thi tuyển. Nếu hiểu theo góc độ, đối với một số đặc thù đòi hỏi trình độ cao hơn thì lấy chính quy, lập luận này là không thuyết phục. Dù đào tạo dưới hình thức nào đi chăng nữa thì văn bằng đã được Luật giáo dục quy định là nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia thì không nên phân biệt”.

Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, cái cần phải phân biệt là trình độ năng lực của người này cũng được học khóa học như vậy, cũng được cấp bằng trình độ như thế thì có người giỏi hơn, có người kém hơn. Quan trọng là đánh giá được năng lực, trình độ của từng người dự tuyển để chọn được người giỏi.

“Quan điểm của Bộ Nội vụ là chọn người có năng lực để làm việc chứ không phải chọn người có bằng cấp cao. Không phải ai có bằng cấp cao thì năng lực cũng giỏi cả. Chúng ta không nên lấy bằng cấp ra để chọn người mà chúng ta nên đánh giá về năng lực của họ” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm