Bộ trưởng Giáo dục: "Tự chủ đại học không có nghĩa thích gì làm nấy"
(Dân trí) - Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.
Thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến, trong đó hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Khó thu hút giảng viên nghiên cứu khoa học
Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; việc tạm ngừng tăng học phí năm 2023 khiến các trường không có chi phí; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …
TS Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ song song trong các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ).
Nghiên cứu khoa học (NCKH) góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Liêm chính học thuật, đạo đức nhà giáo luôn là chủ đề nóng trong cộng đồng những người làm khoa học.
Bên cạnh thế mạnh về NCKH thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, cần tập trung hơn vào lĩnh vực khoa học xã hội, cụ thể là khoa học giáo dục bởi liên quan đến đào tạo giáo viên, đào tạo nghề. Việc đầu tư kinh phí cho NCKH cũng cần được tính kỹ.
Chẳng hạn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 636 giảng viên, trong đó có 424 tiến sỹ, 128 giáo sư, phó giáo sư. Mỗi năm nhà trường dành 6-8 tỷ đồng/năm cho nghiên cứu khoa học, tức mỗi giảng viên có 10-15 triệu đồng/năm để NCKH. Đây là con số chưa đủ lớn để thu hút giảng viên nghiên cứu khoa học.
Giảng viên này mong Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích NCKH và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học?
PGS. TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Phòng Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - nêu, đây là một trong những trường được tự chủ toàn diện nói về khó khăn khi tự chủ đại học.
Theo cô Huyền, nhờ tự chủ các trường mời được chuyên gia nước ngoài về Việt Nam, các trường tự chủ có thể huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế.
Do đó, việc thu đúng, thu đủ học phí là cần thiết và để dư luận không còn phàn nàn.
Thế nhưng việc thiếu đồng bộ các quy định về tự chủ ở các trường khiến việc tự chủ còn nhiều bất cập. Chuyên gia này đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát quy định này để điều chỉnh trong thời gian tới.
PGS. TS Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Đại học Y Hà Nội - cho biết, nhiều người làm ngành y vừa là thầy giáo, vừa thầy thuốc, trên vai khoác hai chữ thầy, vẻ vang hơn nhưng trách nhiệm nặng nề hơn. Thế nhưng đội ngũ này chỉ được hưởng một loại lương.
Vừa qua, một số đội ngũ giảng viên ra khỏi cơ sở công lập để giảng dạy cơ sở tư nhân, không có gì giữ chân nếu họ muốn ra đi.
Do đó ông mong muốn Bộ GD&ĐT có chế độ chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành để giúp đào tạo ra các cán bộ y tế ưu tú nhất.
"Tự chủ đại học không có nghĩa thích gì làm nấy"
Trả lời vấn đề về liêm chính khoa học và tự chủ đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là những vấn đề vẫn còn khó khăn, nhất là về thể chế. Việc tự chủ còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh.
Theo Bộ trưởng, vấn đề nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học thể hiện năng lực của đội ngũ giảng viên. Từ năng lực khoa học đó, các trường sẽ giải quyết rất tốt vấn đề giảng dạy.
Thế nhưng kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn, Bộ chỉ đặt hàng nghiên cứu cơ bản phục vụ công tác quản lý.
Do đó, các trường cần tìm hướng khác đặt hàng như doanh nghiệp - nơi cần đến kết quả nghiên cứu.
Về chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng thừa nhận, hiện đang có điểm nghẽn khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được, nguồn đầu tư cho nghiên cứu khoa học chưa cao và cần tháo gỡ thêm.
Về ý kiến của đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cần điều chỉnh thể chế để tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học.
"Nhiều nơi chưa hiểu hết về tự chủ nên việc thực hiện còn sai lệch. Tự chủ không có nghĩa các cơ sở giáo dục phải tự túc hoặc phó thác tự lo hết về kinh phí.
Tự chủ đại học cũng không có nghĩa là thích gì làm nấy mà vẫn được đầu tư nhưng đầu tư như thế nào và bao nhiêu, là những vấn đề cần điều chỉnh và bàn bạc để thực hiện tốt thời gian tới", Bộ trưởng nói.