Thầy giáo 34 năm bám bản gieo chữ cho học sinh Cơtu

(Dân trí) - Tự nguyện xung phong đến vùng cao Quảng Nam gieo chữ cho học trò đồng bào Cơtu, đến nay người thầy giáo ấy đã có đến 34 năm bám bản, bám trường gắn bó với học sinh nơi thâm sơn cùng cốc.

Đó là thầy Trần Trực, sinh năm 1964, quê quán ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anông, huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Gặp thầy giáo 34 năm bám bản, gieo chữ cho học sinh Cơtu

Thầy Trần Trực - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anông, huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Thầy Trực sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo đầy nắng gió và lũ lụt thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Năm 1984, thầy tốt nghiệp Trung học Sư phạm. Đến tháng 9/1985, thầy xung phong đến công tác huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang, Quảng Nam).

Khi xung phong lên miền núi công tác, Phòng GD-ĐT huyện Hiên phân công thầy công tác tại Trường Thanh niên dân tộc rồi Trường Tiểu học P’rao-Tà lu. Giáo dục huyện Hiên ngày ấy bao khó khăn và thử thách. Cùng sự nghèo khó của người dân, đội ngũ thầy cô giáo càng khó khăn vất vả hơn bao giờ hết.

Đời sống vật chất thì thiếu thốn mọi bề, đời sống tinh thần không có gì, chỉ có số ít thầy cô giáo dành dụm mua được chiếc radio nhỏ để nghe tin tức. Báo chí đọc được thì phải qua hơn hai tháng phát hành, phim màn ảnh rộng thì họa hoằn một năm mới xem được một lần và các loại hình nghệ thuật khác là thứ xa xỉ không bao giờ biết đến.

Đường giao thông cách trở, phải lội qua biết bao nhiêu sông suối. Dân cư ở rải rác. Nạn du canh du cư khiến người thầy giáo phải theo dân bám. “Vì lòng yêu nghề mến trẻ nên bản thân tôi không quản ngại mọi khó khăn của gia đình và xã hội. Dù dạy ở đâu, trường nào, điểm thôn nào tôi phải luôn luôn làm tốt công tác của mình. Những điểm thôn mà tôi công tác đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho học sinh và được mọi người yêu mến”, thầy Trực chia sẻ.

Lúc bấy giờ, trường học còn là nhà tranh vách nứa, không điện, không đèn và dường như mọi nẻo đường đến các thôn bản của xã chỉ là lối mòn quanh co, hiểm trở. Vì sự nghiệp giáo dục, thầy vừa gieo con chữ, vừa làm công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến từng hộ dân ở các thôn bản, nhất là việc nhận thức về công tác giáo dục, việc tham gia hưởng ứng vận động con em ra lớp học hành. Từ đó, tỷ lệ học sinh ra lớp hằng năm của xã đạt 100%, không có trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng.

Gặp thầy giáo 34 năm bám bản, gieo chữ cho học sinh Cơtu

Thầy Trực đứng lớp dạy các em

Hơn 10 năm công tác, năm học 1996-1997, thầy được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học P’rao-Tà lu, đến năm học 1998-1999 thầy được bổ nhiệm Hiệu trưởng và nhận công tác mới tại trường Tiểu học xã Lăng, ngôi trường tách ra từ trường tiểu học Atiêng-Lăng. Từ thị trấn P’rao đi bộ 2 ngày đường mới đến.

Sau 6 năm công tác Trường Tiểu học xã Lăng, thầy được điều động đến nhận công tác tại trường THCS bán trú cụm xã Lý Tự Trọng, thuộc xã Axan. Nói là trường nhưng các phòng học mượn của Trường Tiểu học Axan để giảng dạy, học sinh thì ngủ tại các sạp tre nứa. Chế độ 70.000 đồng/em mà chỉ có 200 em được hưởng, hàng trăm em còn lại không có chế độ.

Trước thực trạng trên, thầy bàn với Ban giám hiệu, Công đoàn quyết định mời lãnh đạo địa phương bàn cách nuôi học sinh nhằm ngăn chặn việc bỏ học vì đói. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các xã quyên góp gạo chuyển về trường nuôi các em.

Năm học 2006-2007 đến 2012-2013, thầy được điều động công tác tại trường Tiểu học Avương, rồi thành lập Trường Phổ thông cơ sở Avương (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Avương); sau đó đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tr’hy từ năm học 2014-2015 và nay thầy công tác tại trường Tiểu học Anông.

Gặp thầy giáo 34 năm bám bản, gieo chữ cho học sinh Cơtu

Thầy Trực trong một lần dẫn các em học sinh Cơtu “hạ sơn” tham quan

Với thầy, việc trèo đèo, lội suối, vượt núi băng rừng đến với lớp học là chuyện bình thường hàng ngày, miễn sao các em được đến trường, đến lớp là mừng lắm. Đối với công tác giáo dục ở miền núi, việc vận động học sinh ra lớp cũng là một vấn đề rất khó khăn, do điều kiện kinh tế của gia đình học sinh, nhận thức của người dân chưa cao về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Với tinh thần trách nhiệm vì học sinh thân yêu, với tấm lòng nhiệt huyết với nghề, thầy cùng cán bộ xã, thôn thường xuyên làm tốt công tác vận động ra lớp, nhận thức sâu rộng về công tác giáo dục ở địa phương, chăm ngoan học tập. Chính vì sự phối hợp tốt với cán bộ thôn nên học sinh luôn luôn duy trì tốt sĩ số, phụ huynh có sự quan tâm đến con em mình, nhà nhà đều có góc học tập, hưởng ứng phong trào “Tiếng kẻng học bài’’…

Sau hàng chục năm công tác, thầy được công nhận 2 lần Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm học 2011-2012 và 2012-2013), Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam (năm 2013), Bằng khen của Tỉnh ủy Quảng Nam về đảng viên xuất sắc 5 năm liền (năm 2013) và nhiều giấy khen của cấp huyện, phòng, xã…

Sau những ngày tháng gieo chữ ở bản, những ngày đi vận động các em đến lớp, đi xin quần áo, sách vở cho các em; những năm tháng cùng đói, cùng khổ với dân bản đó cũng là những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp “trồng người” của thầy.

Thầy Trực tâm sự: “Trong 34 năm công tác trong ngành giáo dục, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là năm học 1998-1999, có một học sinh bị đau nghỉ dài ngày, tôi cùng giáo viên chủ nhiệm lớp đến thăm và tìm hiểu sức khỏe em. Nhà nghèo khó không có chuối, mía… để đãi thầy, phụ huynh đành thịt con gà mái đang ấp trứng gần nở. Thấy em bé thụt thò sau cửa, tôi mang vài lát thịt cho thì ôi thôi mới biết con gà mình đang ăn là gà ấp sắp nở con, còn em bé đang ăn là ăn trứng của con gà đang ấp, tôi ghi nhớ suốt 21 năm qua, hình ảnh ấy vẫn hiện ra”.

Thầy luôn tâm huyết với nghề mình đã chọn, tận tâm tận lực với các em học sinh thân yêu. “Sự nghiệp giáo dục không thể xây dựng từ nóc. Hãy đau lòng khi thấy các em không biết đọc, không biết viết và không biết tính toán. Thời gian rảnh rỗi không có việc hữu ích, hãy dành cho học sinh giờ phút phụ đạo thì có ý nghĩa biết bao, từng bước bước lên nấc thang kiến thức, cứ như vậy các em bước vào đời hiên ngang mà lòng bao mến phục”, thầy Trúc tâm sự.

Công Bính