Dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1: Bề nổi của tảng băng chìm
(Dân trí) - Chuyện dạy chữ cho trẻ tiền tiểu học hiện nay cũng như bề nổi của tảng băng chìm, cần một định hướng giáo dục rõ ràng và phù hợp, sự chung tay của các cấp, niềm tin và sự nỗ lực cả từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, để có thể đạt được hiệu quả lâu dài.
Những ngày qua, câu chuyện học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 được bàn luận rất nhiều trên các báo chí, diễn đàn ở Việt Nam:
Thày cô than khổ vì chương trình rất nặng, “cháu nào thông minh còn khó bắt kịp, huống chi các cháu khác; sĩ số lớp đông, thời lượng tiết dạy có hạn nếu không được làm quen mặt chữ, nét chữ trước trẻ sẽ vô cùng bỡ ngỡ”.
Phụ huynh lo lắng con không theo kịp các bạn trên lớp nên dù muốn hay không cũng vì sốt ruột mà cho con tham gia các lớp học đọc, học viết, học toán trước khi thực sự vào lớp 1.
Trẻ em khi bị buộc phải tham gia các lớp học thêm kéo dài tới 2 giờ mỗi buổi, bị chê khi đọc không được, khi viết còn xấu, bị đề nghị ngồi yên,... thì rất dễ chán học, sợ hãi ngay trước khi bước chân vào tiểu học.
Chúng tôi nghĩ rằng khi mà mỗi đối tượng người trong cuộc đều cảm thấy khó khăn trước một hoàn cảnh, thực trạng thì có lẽ cần cùng nhau bình tĩnh, lần tìm tận gốc vấn đề, suy xét dựa vào các bằng chứng khoa học, học hỏi những mô hình thành công, tránh đổ lỗi hay liên đới trách nhiệm cho đối tượng khác.
Kỳ thực, nếu như hai người cầm sợi dây chun căng ra, khi sợi dây chun đứt, ai cũng thấy mình đang bị đau, thậm chí còn nghĩ mình là người bị đau duy nhất và rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự đổ lỗi, quy trách nhiệm cho đối tượng cũng đang đau như mình. Có lẽ chỉ bằng cách điều hoà, chia sẻ, thông cảm, hỗ trợ nhau thì mỗi đối tượng sẽ đều có thể hưởng lợi, sợi dây chun đàn hồi vừa phải sẽ có thể hỗ trợ các bên.
Về tình huống của trẻ tiền tiểu học ở đây, chúng tôi đang cảm nhận vấn đề là “độ sẵn sàng gia nhập môi trường tiểu học của trẻ”, chứ hình như cũng không hẳn là một khó khăn duy nhất khoanh vùng lại ở việc “cần học đọc trước khi vào lớp 1”.
Bởi lẽ, nếu lý do được thầy cô nêu ra là “chương trình rất nặng”, thì cần phải thay đổi chương trình, chứ không thể giải quyết bằng cách học trước. Trẻ lớp 1 học trước, lên những bậc tiếp theo chương trình cũng vẫn ngày một nặng hơn nữa.
Giải quyết theo cách học trước còn gây ra nhiều hậu quả: trẻ biết rồi lơ là trong giờ học chính; thầy cô đối mặt với sự chênh lệch năng lực ngày càng lớn của người học, nguy hại hơn là sự mất niềm tin về vai trò giáo dục của nhà trường từ phụ huynh; phụ huynh cũng hoang mang vì phải loay hoay giữa các nguồn thông tin và các cách tiếp cận thế nào là chuẩn để hỗ trợ con em mình bên ngoài nhà trường, trong khi vẫn tiếp tục cho con theo học ở trường.
Thử ngẫm nghĩ trường hợp của hai trẻ 5 tuổi
Một trẻ từ bé đã được bố mẹ tôn trọng như một cá thể độc lập, có những suy nghĩ riêng, lựa chọn riêng và đang không ngừng học hỏi để mỗi ngày lại thêm hoàn thiện hơn. Vai trò của bố mẹ là tin tưởng trẻ và hỗ trợ quá trình này để trẻ có thể dần biết tự phục vụ bản thân và hoà nhập tốt hơn với gia đình, tập thể.
Trẻ được hướng dẫn để biết tự phục vụ những nhu cầu vệ sinh, ăn uống của mình, tự quyết định mặc bao nhiêu áo để thấy thoải mái với thời tiết,... Ngoài giờ học mẫu giáo, trẻ được bố mẹ dành thêm thời gian để cùng chuyện trò, đọc sách, làm việc nhà, vận động,... với nguyên tắc mọi hoạt động đều là trò chơi, nghĩa là chỉ duy trì khi trẻ còn thấy hứng thú. Theo đà ấy thì việc tiếp cận đọc viết chữ cũng có thể từ từ đến với trẻ qua các trang truyện cùng đọc với mẹ mỗi tối, qua các trò chơi đố từ,...
Một trẻ lại được bố mẹ luôn coi là còn bé bỏng, không thể tự suy nghĩ và ra quyết định. Trẻ được chăm sóc kỹ lưỡng, nếu không muốn ăn sẽ có người xúc chứ không thể bỏ bữa, trời lạnh được mặc thêm áo ấm. Ngoài giờ học mẫu giáo, trẻ được cô bảo mẫu chăm vì bố mẹ tan làm muộn, trẻ được mua những đồ chơi, đồ dùng đắt tiền. Trẻ cũng được bố mẹ dẫn đến những lớp dạy chữ, tiếng anh, nghệ thuật, thể thao, ...
Theo các bạn trong tình huống trên, bé nào được bồi dưỡng tình cảm tốt? bé nào được bồi dưỡng kỹ năng tốt? bé nào được tiếp cận những phương pháp phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi hơn? Và như vậy, sự sẵn sàng tâm thế của mỗi bé cho những biến chuyển trong cuộc sống, cho các bậc học mới có giống nhau không?
Chúng tôi biết và hiểu việc nuôi dạy trẻ là một công việc rất khó đòi hỏi cả sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn. Mỗi bé là một cá thể với những nét tính cách và nhu cầu khác nhau. Ở bước đầu tiên với trẻ tiền tiểu học, chúng tôi có một vài suy nghĩ như sau:
Giúp đỡ trẻ sẵn sàng với môi trường tiểu học
Có rất nhiều cách hỗ trợ để trẻ có thể phát triển toàn diện thể lực, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, ngôn ngữ,... Việc hỗ trợ này nên bắt đầu ngay từ thưở lọt lòng, từ mọi hoạt động trong cuộc sống.
Lúc chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh chỉ rà soát lại để bồi dưỡng thêm cho con một vài kỹ năng hay thói quen còn thiếu. Nguyên tắc mấu chốt khi giáo dục trẻ là phụ huynh và nhà trường cần cảm nhận, suy nghĩ kỹ càng, hành động không quá nhiều nhưng rất thận trọng.
Mỗi bậc phụ huynh đều nên quan sát thật kỹ con em mình, đánh giá phân loại những nhu cầu liên tục phát sinh của trẻ để biết hỗ trợ khi thực sự cần thiết. Nếu trẻ có tham gia các lớp ngoại khoá, phụ huynh nên chăng quan sát, đánh giá xem trẻ có đang hứng thú không, có tự nguyện tham gia không, trẻ có đang tiến bộ ở một số nhóm năng lực cần thiết hay không, rồi từ đó cân nhắc, quyết định phù hợp.
Riêng với kỹ năng đọc, chúng tôi nhìn nhận: Đọc viết không phải là một tập hợp các kỹ năng tách rời; thay vào đó, nó là một công cụ đa chiều để ứng xử với thế giới. Khi thế giới thay đổi, thì công cụ này cũng cần được sửa đổi (Tompkins 2015).
Quan niệm của gia đình, nhà trường và xã hội Việt Nam về dạy đọc viết hiện nay đã tương đồng với xu hướng hội nhập thế giới hay chưa? Ở Việt Nam, theo đề xuất của chương trình giáo dục tổng thể mới năm 2017, số tiết học môn ngữ văn cho trẻ lớp 1 là 420H, con số này giảm dần và đến lớp 6 thì còn la 140H.
Trong khi đó ở Úc, số giờ học môn ngữ văn của trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 không thay đổi (350H/năm). Học để biết cách đọc chỉ cần một khoảng thời gian nhất định từ 1 học kỳ đến 1 năm học, và luyện tập thêm những năm sau để thực sự thành thục.
Thế nhưng, để có được vốn từ vựng dồi dào, thói quen đọc, tình yêu với đọc, văn hoá đọc, chiến lược đọc và cả những kỹ năng đọc lướt, đọc sâu, đọc phản biện, đọc kết hợp với viết,... quan trọng vô cùng vì đó là những bước xây dựng một người học tự chủ, học suốt đời, học để làm việc, để chung sống, thì cách dạy của chúng ta đã thực sự phù hợp chưa? Và việc học viết hiện nay có đang đồng hành tương xứng cùng việc học đọc? Việc phụ huynh đang cho trẻ theo các lớp học thêm dạy đọc viết có khiến tình yêu và sự hứng thú đối với việc đọc của trẻ tăng lên để hỗ trợ cho hành trình học tập còn dài của con trẻ hay không?
Phải chăng, chuyện dạy chữ cho trẻ tiền tiểu học hiện nay cũng như bề nổi của tảng băng chìm, cần một định hướng giáo dục rõ ràng và phù hợp, sự chung tay của các cấp, niềm tin và sự nỗ lực cả từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, để có thể đạt được hiệu quả lâu dài.
Thay đổi cách tổ chức cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Cái gì không phù hợp thì nên điều chỉnh. Nếu giáo viên có đủ cơ sở lập luận và dẫn chứng cho thấy rằng cách tiếp cận đó, chương trình đó, thời lượng đó không phù hợp với diễn biến tâm sinh lý của trẻ, thì nên từng bước trao đổi với đồng nghiệp, với nhà trường, rồi những diễn đàn, hội thảo cấp cao hơn trong ngành để quyết tâm thay đổi những gì chưa hợp lý, đề xuất thí điểm những sáng kiến có thể thay đổi tình hình. Ví dụ như không nhất thiết phải cho trẻ kết thúc bậc mầm non cùng bước vào lớp 1 vào cùng một ngày với một lễ khai giảng rầm rộ.
Ở New Zealand, từ sinh nhật 5 tuổi là trẻ có thể chuyển sang học trường tiểu học, và muộn nhất là 6 tuổi mọi trẻ đều phải vào lớp 1. Phụ huynh chính là người quyết định thời điểm cho trẻ gia nhập trường tiểu học, và ở trường tiểu học có các lớp tiền tiểu học (preschool) để giúp trẻ dần làm quen, là bước đệm giữa môi trường mầm non và tiểu học, để tránh những thay đổi quá đột ngột khiến trẻ cảm thấy khó khăn. Thầy cô cũng có thể tiếp nhận từng trẻ mới vào để có nhiều điều kiện và cơ hội đồng hành, theo sát, truyền cảm hứng cho trẻ ở bậc học chính thức đầu đời.
Thậm chí nếu lớp học tại một số cơ sở quá đông, chúng ta cũng có thể nghĩ đến việc cho sinh viên sư phạm mầm non cùng vào cuộc, ít nhất là tại một số thời điểm. Ở các nước phát triển, việc thực tập của giáo sinh sư phạm không gói gọn trong vài tuần mà họ có thể đồng hành cùng lớp tiểu học trong nhiều tháng.
Ngay cả ở những nước phát triển cũng có nhiều trường hợp lớp đông trên 70 học sinh nhưng họ đã chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn trong lớp với nhiều giáo viên hơn. Có nhiều nơi còn tổ chức cho lớp 1 học cùng lớp 2,... Nếu quyết tâm, chúng ta cũng có thể tổ chức tốt để giáo viên không bị quá tải, sinh viên lại có cơ hội học hỏi hiệu quả trong môi trường làm việc thực tế.
Nguyên tắc giáo dục vẫn được các nước phát triển áp dụng là họ quan tâm tới cảm nhận của trẻ
Sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội
Giáo dục trẻ chỉ có thể thành công với sự chung tay, đồng lòng của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bố mẹ là người đã theo sát, hiểu rõ tính cách và nhu cầu của con em mình, sẽ có thể cảm nhận được mức độ sẵn sàng và mức độ phát triển mỗi năng lực của trẻ khi bắt đầu tham gia bậc tiểu học. Sự đồng hành, quan tâm đúng cách của phụ huynh sẽ giúp nhà trường hỗ trợ trẻ tốt hơn.
Nhà trường nên soạn thảo những hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh để cùng hỗ trợ trẻ tốt nhất, ví dụ như các phiếu gợi ý những gì bố mẹ nên làm cùng con ở nhà trong giai đoạn đầu tiên nhập học, hay ở mỗi giai đoạn tiếp theo, sự trao đổi xây dựng thường xuyên giữa gia đình và nhà trường, việc dự giờ của phụ huynh để nắm bắt chắc chắn hơn về cách tiếp cận trong nhà trường,...
Xã hội nhìn nhận các sự việc với con mắt cảm thông hơn, sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng nhà trường và đội ngũ giáo viên; đề xuất các giải pháp mới áp dụng được trong bối cảnh, điều kiện thực tế; ghi nhận những nỗ lực, những thành quả đã đạt được và chung tay chung sức,...
Nuôi dạy trẻ là cả một hành trình dài. Nguyên tắc giáo dục vẫn được các nước phát triển áp dụng là họ quan tâm tới cảm nhận của trẻ, mấu chốt quan trọng nhất là trẻ thấy thoải mái tiếp cận việc học và từ đó yêu thích việc học. Với xuất phát điểm đó, chúng ta sẽ luôn đặt câu hỏi tiếp cận ra sao để trẻ thích, để trẻ hào hứng đón nhận.
Từ đó sẽ có câu trả lời cho rất nhiều việc như có giữ lễ khai giảng cho trẻ vào lớp 1 hay không? Có nên đề nghị trẻ dùng tay phải để viết hay không? Có nên ... Như vậy có lẽ chúng ta cũng không cần bàn đến chuyện học chữ trước hay sau khi vào lớp 1 nữa vì mỗi trẻ có độ sẵn sàng khác nhau mà bố mẹ trước hết là người nắm bắt rõ nhất, để đồng hành tốt nhất với nhà trường giúp con em mình tiến bộ mỗi ngày.
Nguyễn Ngọc Lưu Ly