Cận cảnh "gò" trẻ luyện chữ trước khi vào lớp 1

(Dân trí) - “Ngồi thẳng lưng lên”, “Chữ con viết thế này chưa đẹp”, “Ngồi im, không được ngọ nguậy”... Một lát cắt được ghi lại tại một buổi học chữ cho những đứa trẻ mà bố mẹ mong chúng sẽ đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1.

"Chữ con xấu quá!"

Ngay từ ra Tết, rất nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đã đôn đáo tìm các lớp học chữ trước, xem như đây là “hành trang” đầu đời để các em đến trường học. Ở TPHCM, các lớp học chữ trước khi vào lớp 1 theo quy mô tự phát, nhỏ lẻ có ở mọi ngóc ngách.

Ở khu nhà phố, ở chung cư đều có những lớp học chữ cho trẻ. Ngoài việc giáo viên mở lớp cho trẻ đến học thì có những lớp do phụ huynh cùng rủ nhau mời giáo viên đến dạy. Trẻ tham gia các lớp học chữ này đều trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh mang tâm trạng lo lắng nếu con không biết chữ trước.

Cận cảnh "gò" trẻ luyện chữ trước khi vào lớp 1 - 1

Tại lớp học chữ được tổ chức ở một chung cư có tiếng ở Thủ Đức, TPHCM chúng tôi ghi nhận cảnh học - luyện chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Lớp học này diễn vào ngày chủ nhật, trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ từ 10 - 12 giờ trưa.

Lớp học diễn ra tại phòng đọc của chung cư, tầm 10 học sinh tham gia. Các em ngồi vòng tròn quanh bàn đọc sách và liền tù tì ngồi... đúng nghĩa là cắm mặt vào vở để tập viết theo bài giáo viên đưa sẵn.

Cô giáo trẻ đi theo vòng, cầm tay trẻ này viết vài nét rồi lại di chuyển sang chỉ dẫn, cầm tay trẻ khác. Nhiều đứa trẻ chưa từng học ở trường tiểu học đang cầm bút, cặm cụi viết, lâu lâu lại ngáp ngắn ngáp dài. Nhiều bé uể oải, khi cô đến tập viết cho bạn khác thì tranh thủ nằm thượt ra giữa bàn. Nghe tiếng cô nhắc, các em lại nhổm dậy nhìn ngang dọc ngơ ngác.

Giữa trưa, hình như không đứa trẻ nào có thể tập trung vào bài. Nhất là khi các em ngồi liền hàng tiếng đồng hồ. Có em đưa tay với cặp ở phía đầu bàn hay với chai nước... như thể để lấy cớ được vận động, được ngọ nguậy nhưng cũng lập tức bị cô giáo nhắc nhở.

Cận cảnh "gò" trẻ luyện chữ trước khi vào lớp 1 - 2

Cô giáo liên tục đi “chỉnh” học sinh từ tư thế cầm bút, tư thế ngồi cho đến bằng lời: “Ngồi im, không được ngọ nguậy”, “Thẳng lưng lên!”, “Giơ đầu lên!”.

Cũng có lúc cô nhìn vào vở của một bé nào đó rồi nhận xét với những đứa trẻ chưa đến trường đi học: “Con viết xấu quá!”, “Con viết thế này không đẹp...”... Những đánh giá chắc chắn ít nhiều sẽ đeo đẳng đứa trẻ trong những ngày đầu đi học.

Các em đang tập làm quen với chữ viết trước khi chính thức vào lớp 1 nhưng không khác nào đang luyện chữ. Tuy nhiên, ở lớp học này còn có thể gọi là “sáng sủa” so với rất nhiều các lớp học chữ khác do có thư viện của chung cư, có sẵn bàn ghế.

Đừng làm trẻ khiếp đảm việc học

Tại không ít lớp học chữ do giáo viên tổ chức dạy tại nhà hoặc thuê mượn phòng đều diễn ra trong không gian vô cùng chật hẹp. Các em sử dụng những bộ bàn ghế nhựa, chúi mặt giữa bàn mới viết nổi. Thậm chí, còn có nơi trẻ còn nằm bẹp giữa nhà tập viết. Ở nhiều ngõ ngách tại các quận ở TPHCM như Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12... không thiếu những lớp học thế này.

Một giáo viên dạy tiểu học ở TPHCM thốt lên “không hiểu nổi người lớn đang muốn điều gì” khi thấy các bé oằn lưng giữa bàn, nằm bẹp giữa nền nhà để tập viết chữ chuẩn bị cho năm học mới.

Lớp luyện chữ tại một chung cư đóng ở Thủ Đức, TPHCM
Lớp luyện chữ tại một chung cư đóng ở Thủ Đức, TPHCM

Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh, TPHCM) nhấn mạnh, việc dạy cho trẻ không đúng phương pháp (như cách cầm bút sai, tư thế ngồi không đúng, cách đặt vở,…) sẽ khắc sâu đối với trẻ. Sẽ rất khó sửa khi trẻ vào lớp 1 cũng như sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học ở lớp 1.

Ở góc độ nhà tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ (công ty tư vấn Tâm lý Trẻ) cho hay, trẻ không cần phải học chữ trước khi khi vào lớp 1 vì kiến thức các nhà khoa học đã sắp xếp phù hợp với độ tuổi. Bị ép học trước tuổi, trẻ rất dễ bị stress, dẫn đến sợ hãi. Mà tâm lý con người, khi sợ điều gì người ta sẽ né tránh.

Trẻ học trước nhưng về lâu dài có thể không theo kịp chương trình, không theo kịp bạn bè vì các em lo “nhồi” chữ mà bỏ qua sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý cho những ngày đầu đến trường.

Việc học chữ trước với những cách thức gò ép, phản khoa học có thể làm con trẻ khiếp hãi việc học ngay từ khi chưa đi học. Trong khi đó, việc học là việc của cả đời.

Lê Đăng Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm